Greta Thunberg và lời kêu gọi 'hỗn hào' của thế hệ tôi về môi trường
Có lẽ một trong những sai lầm đáng tiếc nhất của người lớn hiện nay là nghĩ rằng thế hệ chúng tôi chỉ biết gào thét, kêu gọi chống biến đổi khí hậu một cách 'hỗn hào'.
Ở tuổi 16, Greta Thunberg đã nhiều lần bị gọi là một cô bé “tâm thần”, bị “chính trị hóa" khi chỉ biết công kích người lớn và “trật tự xã hội" một cách vô tội vạ.
Cùng trang lứa với Greta, tôi cũng phải thường xuyên giấu tuổi 17 của mình khi gửi bài vở cộng tác về biến đổi khí hậu. Khi “bị lộ”, tôi sẽ nhận được hai phản ứng khác nhau: hoặc là sự ngờ vực, xem thường từ những người lớn; hoặc là sự hoan nghênh một cách sáo rỗng, hình thức.
Có lẽ một trong những sai lầm đáng tiếc nhất của người lớn hiện nay là nghĩ rằng người trẻ chúng tôi chỉ biết hô hào khẩu hiệu bảo vệ môi trường hay gào thét, kêu gọi chống biến đổi khí hậu một cách “hỗn hào”.
Greta là đối tượng bị công kích nhiều nhất ở khía cạnh này. Với bài phát biểu chấn động thế giới tại Liên Hợp Quốc mới đây, Greta đã khiến những ai vốn hay chỉ trích cô trở nên mạnh miệng hơn.
Đến lớp để làm gì?
Tôi nghe đến cái tên Greta và phong trào Thứ 6 vì Biến đổi Khí hậu (Fridays for Future) lần đầu tiên khi tham dự Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 24 (COP24) diễn ra tháng 12 năm ngoái tại Katowice (Ba Lan).
Đó cũng là lần đầu tiên Greta được mời phát biểu trước các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo Bộ Môi trường, các nhà đàm phán về chủ đề biến đổi khí hậu.
Lúc đó, tôi có hai cảm nghĩ khác nhau: ngưỡng mộ vì một người trạc tuổi mình có tiếng nói về biến đổi khí hậu được tôn trọng như thế; một chút ngờ vực không biết các lãnh đạo quốc gia có nghe theo tiếng nói người trẻ để hành động hay không.
9 tháng sau, chúng tôi lại cùng có mặt ở New York để tham dự Hội nghị Giới trẻ chống Biến đổi Khí hậu do Liên Hợp Quốc tổ chức. Lần này, không dễ gì “gặp” được Greta, vì vị thế của cô đã khác.
Phát biểu tại phiên khai mạc hôm 23/9, Greta khẳng định các nhà lãnh đạo thế giới phải chịu trách nhiệm về tình trạng biến đổi khí hậu vì không có những biện pháp hiệu quả để cải thiện tình hình.
Vì sao đến lớp khi những gì bạn học trong trường hai mươi năm nữa có thể sẽ không ứng dụng được trong một thế giới bị hoành hành bởi biến đổi khí hậu?
Từng câu chữ của Greta trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế: "Các vị đã lấy cắp giấc mơ và tuổi thơ của tôi bằng những ngôn từ sáo rỗng. Mọi người đang chịu đựng, đang chết dần, toàn bộ hệ sinh thái đang sụp đổ".
Bên ngoài phòng hội nghị 3 ngày trước đó - thứ 6 ngày 20/9 - những câu khẩu hiệu kêu gọi hành động vì biến đổi khí hậu đã vang vọng khắp đường phố New York: “Biến đổi khí hậu phải dừng lại”. “Nhiên liệu hóa thạch đang hủy hoại trái đất của chúng ta”. “Hãy nói không với rác thải nhựa”.
Trên đại lộ Broadway, đoàn người càng ngày càng tập trung đông đúc hơn, mỗi người một tấm biển, một băng rôn khác nhau. Đến giữa trưa, ước tính có khoảng hơn 250.000 người, mặc dù trước đó ban tổ chức cuộc tuần hành ước tính con số chỉ khoảng 10.000. Mọi hoạt động khác trên đoạn đường dài 1.5 km hoàn toàn dừng lại.
Tôi cùng nhóm bạn leo lên một chiếc xe tải đang đậu (có sự cho phép của chủ xe) để giơ cao những tấm biển của mình và nhìn rõ đoàn người đi qua. Nhiều bạn trẻ khác thấy thế cũng leo lên xe hoặc cột đèn, bậc tam cấp các tòa nhà. Khi chúng tôi leo xuống xe nửa tiếng sau đó, đoàn tuần hành không hề có dấu hiệu vơi đi.
Điều đặc biệt của cuộc tuần hành là những người tổ chức và tham dự đa số đều dưới 25 tuổi. Có cả các cô cậu học sinh cấp 1 cùng tuần hành theo lớp, mà các bạn này hò hét nhiều khi còn khí thế hơn các anh chị lớn tuổi.
Và không chỉ ở New York mới có cuộc tuần hành vì biến đổi khí hậu. Khắp nơi trên thế giới, tổng cộng 4 triệu học sinh đã quyết định tuần hành thay vì đến lớp. Có thể nói về số lượng người hưởng ứng, phong trào tuần hành Fridays for Future đã thắng lớn.
Lý do chúng tôi đưa ra quyết định tuần hành rất đơn giản: Vì sao đến lớp khi những gì bạn học trong trường hai mươi năm nữa có thể sẽ không ứng dụng được trong một thế giới bị hoành hành bởi biến đổi khí hậu?
Đây là một trong những nỗi lo lớn nhất của thế hệ Z (Gen Z, sinh từ năm 1997 trở về sau) chúng tôi. Theo nghiên cứu mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, chúng ta chỉ có 11 năm để giảm thiểu lượng khí thải nhà kính trước khi nhiệt độ trung bình thế giới sẽ tăng hơn 1.5 độ C trong thế kỷ này - một tình trạng chắc chắn sẽ gây ra thảm họa trên diện rộng.
Thật sự tôi chưa bao giờ nghi ngờ việc biến đổi khí hậu có thật hay không -làm sao nghi ngờ được khi tôi sống ở TP.HCM, nơi mỗi năm tình trạng ngập lụt càng tệ hơn, những ngày mùa hè ngày càng nóng hơn thấy rõ.
Lượng thông tin về biến đổi khí hậu tôi học được từ gia đình hoặc trong nhà trường là không nhiều; các thầy cô ở trường công lập Việt Nam và ở Mỹ khi tôi đi du học đều không đề cập thường xuyên đến vấn đề này trong bài giảng của mình.
Nhưng tôi cùng những người bạn đồng trang lứa luôn cố gắng tìm hiểu thêm thông tin về thế giới qua báo đài, sách, và những cuộc trò chuyện với người dân ở nhiều nơi khác nhau - trong đó có những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Trước khi trở thành tâm điểm chú ý trên truyền thông Thụy Điển, Greta chỉ là một cô bé đơn độc trong chiếc áo mưa màu vàng, ngồi một mình trước Tòa nhà Quốc hội Thụy Điển (Riksdag) với tấm biển “Tôi nghỉ học để kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu”.
Các thầy cô ở trường công lập Việt Nam và trường cấp 3 ở Mỹ khi tôi đi du học đều không đề cập thường xuyên đến biến đổi khí hậu trong bài giảng của mình.
Câu chuyện của Greta đơn giản chỉ có thế: Cô đọc về biến đổi khí hậu trên mặt báo và trong sách giáo khoa khi bắt đầu lớp 3; và từ đó không thể quên đi hình ảnh những tảng băng tan, những loài động vật tuyệt chủng hàng ngày ám ảnh tâm trí mình.
Khi Greta bắt đầu hành động, nhiều người trẻ trên thế giới được truyền cảm hứng qua hình ảnh của cô trên mạng xã hội và cũng bắt đầu hành động, mỗi người theo cách của mình. Nhiều người hưởng ứng và lan tỏa phong trào Fridays for Future tại địa phương của mình.
Tôi đã phỏng vấn hơn 40 bạn trẻ tại nhiều thành phố trên thế giới với câu hỏi: “Tại sao bạn tuần hành về biến đổi khí hậu?”.
Những câu trả lời của họ đều tương tự nhau: Họ quan tâm vì đã theo dõi tin tức, đã tìm đọc những bài báo khoa học, đã trò chuyện với các cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, hoặc chính bản thân họ sống ở những khu vực như vậy. Họ có thể giải thích một cách lưu loát và đưa ra dẫn chứng cụ thể về tình trạng biến đổi khí hậu tại địa phương và trên thế giới.
Sự sáo rỗng của người lớn
Thế nhưng, cho đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn có cảm giác tiếng nói của mình vẫn chưa được người lớn lắng nghe một cách chân thành. Sự “lắng nghe”, nếu có, vẫn còn nặng tính hình thức.
Tại hội nghị ở Ba Lan, ngoài Greta ra, những ai tham dự với vai trò “đại biểu trẻ" được cho vào phòng họp, nhưng chỉ được ngồi ở cuối phòng, rất ít khi được đối thoại trực tiếp với các nhà đàm phán. Tôi tham dự với một tổ chức “người lớn” nên có thể nói là tự do hơn một chút.
Chúng tôi vẫn có cảm giác tiếng nói của mình vẫn chưa được người lớn lắng nghe một cách chân thành.
9 tháng sau ở New York, tưởng chừng như mọi thứ đã thay đổi. Thế nhưng, khi trò chuyện với các đại biểu trẻ trước và sau hội nghị, mọi người rất thất vọng rằng dường như sự kiện này chỉ mang tính chất hình thức. Có những workshop với chủ đề như “Làm sao sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả?” - những chủ đề mà người trẻ đã hiểu biết quá rõ rồi.
Ngày hôm sau, khi được mời tham dự sự kiện “Các thành phố ứng phó với Biến đổi Khí hậu”, bà Martha Delgado, chủ tịch Chương trình Nhân cư Liên Hợp Quốc (UN Habitat), có bài phát biểu với lời chào mừng hết sức nồng nhiệt dành cho những đại biểu trẻ đã “chiến đấu hết mình vì một tương lai xanh”.
Tuy nhiên, tại bàn ăn (tôi may mắn được xếp ngồi cùng với bà), bà Delgado chỉ trò chuyện với thư ký của mình suốt 2 tiếng đồng hồ và không buồn giới thiệu bản thân với hai đại biểu trẻ có mặt.
Người lớn quan tâm đến “tiếng nói của người trẻ về biến đổi khí hậu” tức là chỉ quan tâm đến câu chuyện của một nhân vật trẻ tuổi nào đó, xem cô ấy học trường gì, đã làm được gì, vì sao “giỏi” như thế. Chúng tôi vẫn chưa cảm nhận được sự quan tâm đến chính những ý tưởng hoặc lời kêu gọi, đề nghị của người trẻ ấy.
Trong khi đó, người trẻ chúng tôi đã xây dựng thành công một phong trào toàn cầu gồm 4 triệu người cùng chung tiếng nói kêu gọi bảo vệ môi trường. Và chúng tôi không chỉ tham gia theo phong trào rồi thôi.
Trong đoàn tuần hành ngày 20/9 là những con người thật sự biết suy nghĩ thấu đáo, biết hành động. Sau khi tuần hành xong, chúng tôi bắt tay mỗi người một việc, một dự án để thay đổi cộng đồng của mình, từ trường học đến khu phố, thành phố.
Đã đến lúc chúng tôi được thật sự đóng góp ý tưởng của mình vào những quyết định về phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu - những quyết định mà hậu quả trong tương lai chúng tôi là những người sẽ gánh chịu.
Chúng tôi hiểu những mối quan ngại “người lớn,” những sự thật của cái thế giới không hoàn hảo này: muốn có máy tính, điện thoại thì phải có điện; muốn có đồ ăn thì phải có người trồng; muốn có xe cộ, quần áo thì phải có nhà máy sản xuất... Tất cả những hoạt động này đều làm gia tăng lượng phát thải. Chúng tôi hiểu, và chúng tôi muốn làm tốt hơn.
Trong nhóm 100 đại biểu trẻ tham dự Hội nghị Giới trẻ chống Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc, có những người đã xây được mô hình nhà ở từ các chai nhựa tái chế; có người đã thành lập ra những tổ chức để cho người trẻ ở địa phương khác cơ hội xây dựng nhà ở từ nguyên liệu tái chế; có người viết ra chương trình dự báo thời tiết thông minh; có người làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đã đến lúc chúng tôi được thật sự đóng góp ý tưởng của mình vào những quyết định về phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu - những quyết định mà hậu quả trong tương lai chính chúng tôi là những người sẽ gánh chịu.
Và người lớn, hãy tin chúng tôi đủ sức chịu trách nhiệm với tương lai của chính mình.