GS-BS. Nguyễn Chấn Hùng: Cẩm nang phòng và trị ung thư
Ước tính ung thư tiếp tục gia tăng: khoảng 57% trong vòng 20 năm tới, từ 2012 đến 2030. Nguyên nhân chủ yếu là sự tăng dân số địa cầu, sự lão hóa dân số, và sự ô nhiễm môi trường sống. WHO kêu gọi phải đáp trả kịp thời để chặn đà gia tăng.
Ung thư là gì?
Mọc ra từ đột biến gen
Lan tràn khắp chốn, hoành hành khắp nơi
GS-BS. Nguyễn Chấn Hùng
Bệnh ung thư là một nhóm bệnh gồm trên 100 loại có chung vài đặc tính cơ bản quan trọng. Tất cả các ung thư đều xuất phát từ các tế bào bất thường, không kiểm soát được. Ung thư nào cũng do sự tăng trưởng quá đà và sự lan tràn của các tế bào ung thư. Ung thư có thể xuất phát ở bất cứ tế bào nào trong cơ thể.
Mọc ra từ đột biến gen. Các tế bào ung thư phát sinh từ các hư hại của phân tử DNA (gọi là các đột biến gen) do phơi trải với cái gì đó trong môi trường sống, thí dụ như khói thuốc lá, các virút, các bức xạ... Các hư hại này ảnh hưởng cách tăng trưởng, sự hoạt động, sinh sôi và chết đi của một tế bào. Các tế bào ung thư tiếp tục tăng trưởng sinh sôi và trở nên bất tử.
Lan tràn khắp chốn, hoành hành khắp nơi
Bướu nguyên phát. Hàng tỉ tỉ các tế bào ung thư tích tụ lại thành bướu (u) hay khối bướu (khối u).
Sự xâm lấn. Từ vị trí ban đầu, các tế bào ung thư di động được đến đè ép và phá hủy các mô lân cận.
Sự di căn. Khi tách ra khỏi khối bướu nguyên phát (vị trí gốc), các tế bào ung thư trôi nổi theo dòng lymphô hoặc theo dòng máu, có thể lan tràn khắp cơ thể. Khi có đủ các điều kiện thuận lợi, vài tế bào có thể sinh sôi để tạo ra các khối bướu mới ở các nơi khác của cơ thể. Đó là các ổ di căn. Thí dụ ung thư vú đến các hạch nách cùng bên gọi là di căn hạch vùng, còn lan tràn đến phổi, gan, xương... gọi là các di căn xa. Các vị trí di căn thường gặp là xương, não, gan và phổi. Ung thư lần lần nắm quyền chủ động, tàn hại cơ thể cho đến tử vong.
Loài người nặng gánh ung thư
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố gánh nặng ung thư toàn cầu năm 2018: ước lượng có 18,078 triệu người mới mắc ung thư; 9,555 triệu người tử vong.
Tính ra, cứ dân số 100.000 người thì có 197,9 ca mới (gọi là xuất độ 197,9/100.000), có 101,1 ca chết (tỉ lệ tử vong là 101,1/100.000). Nguy cơ ung thư ở đàn ông cao hơn ở phụ nữ.
Các loại ung thư thường gặp theo thứ tự là: phổi, vú, ruột già, tuyến tiền liệt, dạ dày, gan, thực quản, cổ tử cung, tuyến giáp, bọng đái,... Các ung thư gây tử vong theo thứ tự là: phổi, ruột già, dạ dày, gan, vú, thực quản, tụy, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, bệnh bạch cầu,... Ước tính ung thư tiếp tục gia tăng: khoảng 57% trong vòng 20 năm tới, từ 2012 đến 2030. Nguyên nhân chủ yếu là sự tăng dân số địa cầu, sự lão hóa dân số, và sự ô nhiễm môi trường sống. WHO kêu gọi phải đáp trả kịp thời để chặn đà gia tăng.
Gánh nặng riêng ta
Gánh nặng ung thư ở Việt Nam vào năm 2018. Tổng số người mới mắc là 164.671, tổng số tử vong là 114.871. Cứ 100.000 dân thì có 151,4 người mới mắc (gọi là xuất độ 151,4/100.000) và 104,4 người chết (gọi là tỉ lệ tử vong 104,4/100.000). Rõ ràng đàn ông có nguy cơ cao hơn phụ nữ, tỉ lệ nam/nữ là 186,7/125,2. Tổng số sống còn 5 năm (sau chẩn đoán) là 300.033 người. Nhiều người sống lâu hơn và khỏi bệnh.
Ở cả hai giới, các loại ung thư thường gặp là ung thư gan (15,4%), phổi (14,4%), dạ dày (10,6%), vú (9,2%) và ruột già (8,9%). Ở đàn ông, 5 loại thường gặp là ung thư gan (21,5%), phổi (18,4%), dạ dày (12,3%), ruột già (8,4%) và vòm họng (5,0%). Ở phụ nữ, 5 loại thường gặp là ung thư vú (20,6%), ruột già (9,6%), phổi (9,4%), dạ dày (8,6%), gan (7,8%).
Trọng tâm phòng và chống. Thật đáng lo, những ung thư gan, phổi, dạ dày, thường gặp nhất ở đàn ông thật khó trị. May thay các ung thư này có thể phòng tránh được. Các ung thư vú, ruột già, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, tuyến giáp... thì có thể rà tìm và phát hiện sớm, nhiều cơ may trị lành.
Sao cho nhẹ gánh ung thư
Người người chung sức chung lòng mới xong…
Phòng ngừa ung thư
Ung thư ngừa được ai ơi
Ơ hờ bệnh nhập đổ là trời kêu
Không phải trời kêu. Đã biết nhiều nguyên nhân của ung thư. Hầu hết ung thư (khoảng 90%) phát xuất từ những gì con người phơi trải trong môi trường sống, ăn uống, hít thở, cọ xát... Chỉ có khoảng 5-10% là do di truyền.
Khói thuốc lá, gây khoảng 1/3 các tử vong ung thư trên toàn cầu, đáng gọi là sát thủ cận kề. Chứa hơn 70 chất gây ung thư mạnh, khói thuốc lá gây ra hơn 15 loại ung thư: phổi, miệng, họng, thanh quản, dạ dày, tụy tạng, bọng đái, ruột, thực quản, vú và cổ tử cung... Khói thuốc không chỉ hại người nuốt khói mà cả những người hít khói ké.
Nếp sống không lành gây khoảng 1/3 tử vong ung thư gồm: ăn không lành, ít vận động và béo phì. Bệnh theo miệng mà vào, thức ăn muối mặn, hun khói, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, mỡ béo, ít rau quả tươi, fast food, nghiện rượu làm tăng nguy cơ. Ít vận động, béo phì, tăng nguy cơ tim mạch, tiểu đường và ung thư.
Một số bệnh nhiễm làm gánh nặng thêm. 20% các ung thư liên quan bệnh nhiễm. Viêm gan do virút HBV và HCV lâu ngày dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Các virút HPV (HPV 16-18...) gây ra ung thư cổ tử cung và nhiều loại khác. Vi khuẩn H. pylori trong dạ dày là nguy cơ gây khoảng 60% ung thư dạ dày.
Bức xạ. Tia cực tím (UV) trong ánh nắng có thể gây ung thư da. Rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy hạt nhân: Iốt phóng xạ I-131 gây ung thư tuyến giáp trạng, Cesium-137 gây bệnh bạch cầu, về dài về lâu gây các ung thư xương, phổi, vú.
Các yếu tố nguy cơ bắt tay nhau. Virút HBV, HCV, bia rượu và chất độc aflatôxin liên thủ tàn phá lá gan. Xoắn khuẩn H. pylori, khói thuốc lá, thức ăn muối mặn thiếu rau trái tươi “bắt tay” gây hại dạ dày.
Phải biết phòng tránh
Có thể phòng ngừa được khoảng 40% các ung thư. Hiệp hội Quốc tế chống Ung thư (UICC) có thông điệp năm 2010.
Tích cực theo nếp sống tốt. Tránh xa khói thuốc lá. Hạn chế rượu. Ăn đúng ăn lành, ưu tiên rau trái tươi, tránh béo phì, tập thể dục đều, giữ cân tốt luôn.
Ngừa các bệnh nhiễm trước khi chúng gây ung thư. Lưu ý phòng bệnh với vắcxin (chống HBV và HPV), quan hệ tình dục an toàn, dùng các sản phẩm máu an toàn. Xét nghiệm và điều trị H. Pylori...
GS-BS. Nguyễn Chấn Hùng
Đón đọc kỳ sau: Biết bệnh sớm, trị bệnh lành
Bạn đọc có các câu hỏi ung thư cần chuyên gia tư vấn, có thể gửi thư về tòa soạn Người Đô Thị (386/55 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, TP.HCM) hoặc email: toasoan@nguoidothi.vn.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cam-nang-phong-va-tri-ung-thu-21204.html