GS Đặng Hanh Đệ: Tôi từng thay van tim không lấy hóa đơn đỏ và bị kiện tới tận Bộ Y tế

Trong ngành y, nếu tham một tí, vụ lợi một tí thì sai phạm xảy ra rất dễ dàng - GS Đặng Hanh Đệ chia sẻ.

Trong gần 2 năm trên cả nước đã có 4 giám đốc và một số phó giám đốc các bệnh viện từ tuyến Trung ương đến địa phương bị khởi tố, bắt tạm giam. Đáng nói là về chuyên môn, họ đều là người giỏi. Điều này khiến cho không ít người cảm thấy tiếc nuối.

Để hiểu rõ hơn tâm tư của các thầy thuốc về câu chuyện dùng người giỏi chuyên môn quản lý bệnh viện, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Đặng Hanh Đệ, một tên tuổi lớn trong ngành phẫu thuật tim mạch Việt Nam.

Ngành y đang chịu nhiều tổn thất, tôi rất buồn!

Ngọc Minh: Khi đọc thông tin một số lãnh đạo bệnh viện từ trung ương tới địa phương bị khởi tố, bắt giam, tôi đã rất "sốc". Theo tôi được biết, họ đều là những người giỏi về chuyên môn và gắn bó với ngành y trong nhiều năm. Trong một thời ngắn phải tiếp nhậnhàng loạt thông tin không hay như vậy, Gíao sư cảm thấy thế nào?

GS. Đặng Hanh Đệ: Ngành y đang chịu nhiều tổn thất quá khi mà nhiều giám đốc, phó giám đốc bệnh viện từ Trung ương tới địa phương đều là người có chuyên môn bị khởi tố, bắt tạm giam. Tôi thấy rất buồn!

Tuy nhiên, phải nhìn nhận sự việc xảy ra ở đây có hai khía cạnh: thứ nhất, hoàn cảnh tạo điều kiện để cho con người có thể tham nhũng; thứ hai, bản thân người đó không kiềm chế được dẫn tới những sai phạm.

Cần nói rõ, bị truy tố trước hết là do bản thân không tự kiềm chế mình trước những cám dỗ và sơ hở về chính sách. Đừng đổ tại cơ chế tất cả.

Chẳng ai muốn nhìn thấy học trò, đồng nghiệp của mình vướng phải những sai phạm về pháp luật. Mặc dù tiếc nuối cho các cá nhân bị bắt, nhưng vẫn phải trách bản thân người đó. Nếu họ không tham quyền, đoạt lợi thì không xảy ra chuyện sai phạm.

Sau đó, là phải trách quan điểm dùng người chuyên môn làm quản lý đã tạo điều kiện cho cá nhân đó tham ô.

GS. Đặng Hanh Đệ - Ảnh Quân Nguyễn.

GS. Đặng Hanh Đệ - Ảnh Quân Nguyễn.

Ngọc Minh: Tôi cảm thấy Giáo sư đang có điều gì còn băn khoăn?

GS. Đặng Hanh Đệ: Cá nhân tôi có suy nghĩ như thế này, cần phải có sự tách bạch quản lý và chuyên môn. Bác sĩ làm chuyên môn thì chỉ nên làm chuyên môn để nâng cao tay nghề giúp đỡ cứu chữa bệnh nhân. Còn quản lý bệnh viện sẽ là người giỏi về quản lý.

Một người làm chuyên môn kiêm nhiệm thêm làm quản lý bệnh viện sẽ không còn thời gian để làn chuyên môn. Và chắc chắn chuyên môn sẽ ngày một mai một đi.

Trên thế giới cũng vậy, các bệnh viện sẽ có giám đốc chuyên môn và giám đốc phụ trách quản lý riêng biệt. Người quản lý bệnh viện không cần phải có chuyên môn y tế nhưng họ phải là người giỏi về quản lý.

Ở Việt Nam khi vào trường y chỉ học tập trung về y khoa, không có một tiết học nào dạy về quản lý. Nhưng một điều rất lạ là một anh nào đó khi làm chuyên môn tốt được một thời gian sẽ được cất nhắc lên làm quản lý. Đây là điều rất tệ hại, vô tình làm mất đi một nhân tài.

Quản lý bệnh viện là một ngành, phải học như các ngành khác (3-4 năm). Chương trình đại học chủ yếu là về quản lý bên cạnh đó là về y học (những phần có liên quan tới quản lý). Những người chịu trách nhiệm quản lý này không chữa bệnh.

Tôi từng khuyên anh Sơn không làm Giám đốc Việt Xô

Ngọc Minh: Tôi thấy Giáo sư có nhắc tới vấn đề là dùng người chuyên môn làm quản lý sẽ làm mất đi nhân tài của đất nước?

GS. Đặng Hanh Đệ: Ai cũng vậy, làm gì cũng được nhưng phải biết thế mạnh của mình là gì. Giờ một người mổ tốt (làm chuyên môn) mà được cất nhắc lên làm giám đốc không phải thế mạnh của mình thì phải từ chối ngay. Vì nếu làm quản lý thì sẽ không có thời gian làm chuyên môn.

Tôi còn nhớ cách đây vài năm anh Trịnh Hồng Sơn (GS. Trịnh Hồng Sơn – Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức) được bổ nhiệm sang làm Giám đốc bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô.

Tôi đã khuyên anh Sơn không nên sang đó. Tôi nói: "Cậu mà sang làm giám đốc thì sẽ khó có thể làm được chuyên môn như hiện tại".

Tôi nhắc với anh Sơn việc quản lý bệnh viện không hề đơn giản. Nếu tập trung cho quản lý sẽ không còn thời gian làm chuyên môn. Bản thân anh Sơn là người mê mổ lắm! Anh ấy có thể mổ xuyên đêm sang sáng ngày hôm sau.

Nhưng nếu 5 năm anh Sơn đi làm một nhiệm kỳ quản lý sau đó quay lại làm chuyên môn thì rất khó. Y học luôn tiến lên phía trước, thế hệ trẻ sẽ thay thế thế hệ cũ. Khi đó tên tuổi GS Trịnh Hồng Sơn sẽ chẳng còn ai biết đến nếu không còn làm chuyên môn nữa.

Tôi còn nhớ ngày trước, thầy Tôn Thất Tùng được nhà nước cử làm thứ trưởng nhưng thầy đã từ chối để tập trung làm chuyên môn tại Bệnh viện Việt Đức. Nhờ vậy mà tên tuổi thầy vang danh, được cả thế giới biết đến. Thử hỏi lúc đó thầy Tùng mà làm Thứ trưởng Bộ Y tế liệu Việt Nam có được một nền y học vang danh thế giới hay không?

Ngọc Minh: Như Giáo sư phân tích thì chuyên môn nào làm chuyên môn đó mới tốt. Nhưng có một quan điểm vẫn tồn tại trong tất cả các ngành chứ không riêng gì ngành y: "Người lãnh đạo phải giỏi chuyên môn lĩnh vực đó, nói cấp dưới mới nể"?

GS. Đặng Hanh Đệ: Tôi nghĩ rằng quan điểm đó cần phải thay đổi sớm thì ngành y mới có thể phát triển và khá lên được.

Hiện nay, Việt Nam đang tiến tới cơ chế tự chủ. Có nghĩa là tự làm chủ bệnh viện, chăm lo cho đời sống của tất cả cán bộ công nhân viên. Như vậy sẽ rất nặng gánh, được ăn lỗ chịu.

Để có thể làm tự chủ bệnh viện thì sẽ mất rất nhiều thời gian tìm hiểu, quản lý mới có thể tự chủ được. Muốn quản lý bệnh viện tốt thì người lãnh đạo đó phải bỏ vài năm đi học về quản lý bệnh viện (kinh tế trong y tế).

Kinh tế trong y tế sẽ khác so với các ngành khác, phải đi học mới có thể làm được. Hiện nay, cách sử dụng người làm chuyên môn làm người quản lý bệnh viện là rất dở. Điều này khiến cho hỏng về cả quản lý và chuyên môn.

Tôi ví như trường hợp của anh Nguyễn Văn Chiếu, giám đốc bệnh viện Tim Carpentier TP HCM. Anh Chiếu khi lên làm giám đốc đã sang Singapore một năm để học về quản lý bệnh viện. Và khi về Việt Nam anh Chiếu đã quản lý bệnh viện rất tốt. Một việc đơn giản mà tôi phải ngạc nhiên là khi hỏi trong kho còn bao nhiêu kim tiêm, anh ấy có thể trả lời được ngay. Từ cái nhỏ nhất anh ấy cũng nắm được, điều đó đủ để biết anh ấy điều hành và quản lý bệnh viện như thế nào.

Tôi chắc chắn rằng giờ hỏi bất cứ một giám đốc bệnh viện nào cũng không thể nắm được trong kho còn số lượng vật tư y tế là bao nhiêu.

Cho nên câu chuyện ở đây chính là chuyên môn. Giỏi ở lĩnh vực chuyên môn nào thì phải trao cho người ở lĩnh vực đó mới nắm được và quản lý được. Lấy người giỏi chuyên môn y khoa lên làm giám đốc là điều rất dở.

Ngọc Minh: Có phải ngành y rất khác so với ngành khác nên dễ xảy ra sai phạm, tư lợi nếu như không có tinh thần thép?

GS Đặng Hanh Đệ: Như tôi đã nói ở trên, nếu không có tư lợi thì rất khó có sai phạm. Trong ngành y nếu tư lợi, có lòng tham thì rất dễ sa ngã.

Thời tôi còn làm việc, làm gì cũng nghĩ tới bệnh nhân. Tôi còn nhớ lúc đó thay van tim rất đắt, cho nên tôi liên hệ với hãng không lấy hóa đơn đỏ. Vì nếu lấy hóa đơn đỏ bệnh nhân sẽ tốn thêm ít nhất là 100 đô la. Khi tôi làm vậy thì bệnh nhân rất đồng ý đã giảm được chi phí cho họ.

Bệnh nhân mắc bệnh tim cũng có những bệnh nhân rất nghèo. Tôi còn nhớ có trường hợp họ nói với tôi về bán nhà mới có thể có tiền phẫu thuật. Bớt được 100 đô lúc đó cũng giải quyết một gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, không may có bệnh nhân tử vong, người nhà bệnh nhân đòi hóa đơn đỏ và kiện tôi lên Bộ Y tế. Họ nói tôi mua van tin trôi nổi ngoài thị trường. Bộ Y tế xuống yêu cầu tôi tường trình và hỏi tôi vì sao lại không có hóa đơn đỏ. Tôi giải thích tôi làm như vậy chỉ để giúp bệnh nhân tiết kiệm được 100 đô.

Sau vụ việc đó tôi bị khiển trách. Từ đó tôi lại yêu cầu hãng xuất hóa đơn đỏ.

Giả dụ, lúc đó nếu tôi tư lợi, tham lam, tôi hoàn toàn có thể đút túi 100 đô/ bệnh nhân dễ dàng.

Từ câu chuyện của tôi, chị có thể hiểu được trong ngành y nếu tham một tí, vụ lợi một tí thì có thể xảy ra sai phạm dễ dàng.

Cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện, chúc ông nhiều sức khỏe!

Ngọc Minh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/gs-dang-hanh-de-toi-tung-thay-van-tim-khong-lay-hoa-don-do-va-bi-kien-toi-tan-bo-y-te-820211011172148990.htm