GS Hồ Tú Bảo: Chuyển đổi số là cơ hội vô giá để Việt Nam phát triển
'Chuyển đổi số là cơ hội vô giá, thậm chí là cơ hội cuối cùng, vì những thay đổi lớn về công nghệ phải nhiều chục năm mới xảy ra một lần' - GS Hồ Tú Bảo nhận định.
PV: Xin giáo sư nhận xét vai trò của Chuyển đổi số đối với sự phát triển của Việt Nam?
GS. Hồ Tú Bảo: Chuyển đổi số là việc chuyển các hoạt động của nền kinh tế, các hoạt động của chính phủ, chính quyền và xã hội lên môi trường số. Có thể nói chuyển đổi số là cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và việc chúng ta thực hiện chuyển đổi số chính là cơ bản thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chuyển đổi số là cơ hội lớn cho các nước đang phát triển và là cơ hội vô giá để Việt Nam phát triển. Thậm chí có thể xem đây là cơ hội cuối cùng, vì những thay đổi lớn về công nghệ phải nhiều chục năm mới xảy ra một lần. Chúng ta đã lỡ ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Cuộc cách mạng công nghiệp lần này (lần thứ tư – PV) có đặc điểm là những quốc gia không có truyền thống công nghiệp cũng có thể làm chuyển đổi số, mà đây chính là việc quyết tâm thay đổi chính mình với những cơ hội trên môi trường số.
PV: Nhiều người nghĩ rằng chuyển đổi số là quá trình chuyển từ văn bản giấy tờ sang file trên máy tính. Điều này có đúng không thưa giáo sư?
GS. Hồ Tú Bảo: Không, điều này không đúng. Chuyển giấy tờ, văn bản tài liệu sang dạng số hóa chỉ là một phần khá nhỏ trong toàn bộ câu chuyện chuyển đổi số. Chuyển đổi số có nhiều cấp độ. Số hóa là cấp độ đầu tiên và số hóa văn bản là việc vào loại dễ nhất của số hóa (tuy nhiên việc dùng kết quả số hóa văn bản ở cấp độ thứ hai lại không hề đơn giản).
PV: Chuyển đổi số có 3 trụ cột chính là con người, thể chế và công nghệ. Nói về công nghệ thì đó chính là quá trình áp dụng những công nghệ hiện đại như Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, Học máy, Internet vạn vật vào xử lý các dữ liệu. Là một chuyên gia có hơn 40 năm kinh nghiệm về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, giáo sư nhận thấy lĩnh vực này ở nước ta đang phát triển đến đâu so với thế giới?
GS. Hồ Tú Bảo: Trước hết có thể nói bản chất của Chuyển đổi số xét về khía cạnh công nghệ là việc khai thác, phân tích và sử dụng dữ liệu. Trong chuyển đổi số, khi mọi thứ được số hóa, được kết nối với nhau thì chúng ta có một nguồn dữ liệu rất lớn. Sự kết nối đó chính là kết nối vạn vật trong hoạt động của chúng ta. Đây là cơ hội, là bản chất của thời chuyển đổi số.
Việc ứng dụng các công nghệ số tiêu biểu như Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn ở nước ta, nếu so với các nước đã phát triển và có truyền thống lâu đời trên thế giới, thì chúng ta cách một khoảng cách lớn. Tuy nhiên, việc phân tích xử lý dữ liệu, đặc biệt với Trí tuệ nhân tạo chuyên dụng hiện tại nhằm giải quyết các bài toán - nền tảng của những công nghệ đó chính là toán học và khoa học máy tính, thì chúng ta cũng có nhiều tiềm năng.
PV: Theo giáo sư, hiện nay ở Việt Nam có những trường Đại học nào đào tạo tốt về khoa học dữ liệu?
GS. Hồ Tú Bảo: Trong khoảng 2-3 năm vừa rồi, một số trường Đại học đã mở học phần đào tạo về Khoa học dữ liệu cho chương trình Thạc sĩ và gần đây cho chương trình Cử nhân. Những nơi mà đào tạo tốt mà tôi biết gồm có Viện CNTT và Truyền thông của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Công nghệ, ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Một số đơn vị khác cũng bắt đầu giảng dạy như Đại học Thăng Long, khoa Quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong Nam thì có Viện John von Neumann thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đã đào tạo Thạc sĩ khoa học dữ liệu từ năm 2014 – đây là nơi đào tạo sớm nhất trên cả nước. Một số trường khác như ĐH Công nghệ Thông tin thuộc ĐH Quốc gia TPHCM, Đại học Tân Tạo...
PV: Hiện nay nhiều công ty trên thế giới đã làm rất tốt việc ứng dụng công nghệ mới vào phân tích dữ liệu như Google, Grab, Facebook... Theo giáo sư, để Việt Nam có những công ty tương tự thì chúng ta cần có những thay đổi gì về thể chế, chính sách cũng như đào tạo nguồn nhân lực?
GS. Hồ Tú Bảo: Để có được những công ty làm về phân tích dữ liệu và khai thác dữ liệu cho sự phát triển, đương nhiên chúng ta cần có những chính sách, có luật và phải đào tạo nhân lực. Nếu nói về luật thì có rất nhiều thứ cần phải bổ sung, vì luật của chúng ta được xây dựng trước khi xảy ra câu chuyện về chuyển đổi số, trước khi chúng ta phát triển trên môi trường số. Bây giờ, muốn làm được những việc đột phá trên môi trường số, luật pháp rất cần bổ sung, thay đổi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Chẳng hạn chúng ta cần sớm có chính sách về dữ liệu và luật dữ liệu để những dữ liệu được tạo bởi tiền bạc của nhà nước cần phải được chia sẻ giữa các đơn vị nhà nước có nhu cầu sử dụng, theo những quy định của nhà nước. Những dữ liệu của chính quyền làm ra cũng cần được mở cho các doanh nghiệp.
Để tạo ra những doanh nghiệp phân tích dữ liệu lớn của Việt Nam, bên cạnh việc phải có các bộ luật, chính sách hỗ trợ, thì cũng cần một nguồn nhân lực được đào tạo tốt. Quá trình đào tạo này đương nhiên có rất nhiều nguồn, nhưng chắc chắn nhân lực là một yếu tố quyết định trong sự phát triển của doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi rất thú vị này!