GS Nguyễn Đình Đức: Người thắp ngọn lửa đam mê khoa học cho sinh viên
Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong ba nhà khoa học của Việt Nam có tên trong danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới có trích dẫn nhiều nhất.
Tạp chí PLoS Biology của Mỹ vừa công bố danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới có trích dẫn nhiều nhất, được chọn lọc từ gần 7 triệu nhà khoa học có công trình nghiên cứu được công bố trong cơ sở dữ liệu của Scopus từ năm 1960-2017.
Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong ba nhà khoa học của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng này.
Ông là nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học, Vật liệu-Kết cấu tiên tiến và Composite, đã công bố hơn 250 bài báo, báo cáo, công trình khoa học, trong đó có hơn 136 bài trên các tạp chí quốc tế ISI.
Nhà khoa học giàu nhiệt huyết
Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã bảo vệ thành công Luận án tiến sỹ Toán Lý khi mới 27 tuổi. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu, bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga khi vừa tròn 34 tuổi.
Với thành tích nghiên cứu xuất sắc, vào thời điểm đó, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã nhận được lời mời sang làm việc ở một số trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Tuy có nhiều cơ hội phát triển nhưng ông quyết tâm trở về Tổ quốc với mong muốn gây dựng sự nghiệp nghiên cứu tại Việt Nam, dù biết có nhiều khó khăn, vất vả.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức tâm sự: "Thế hệ chúng tôi lớn lên trong thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn nuôi dưỡng được niềm đam mê với khoa học.
Tôi có cơ hội được học tập tại Chuyên Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU), Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga, đều là những trung tâm hàng đầu về nghiên cứu khoa học.
Nhờ đó, tôi được tiếp xúc với các nhà khoa học vĩ đại, các giáo sư, viện sỹ, nhà phát minh sáng chế lớn; được thừa hưởng, tiếp thu không chỉ kiến thức còn cả phong cách làm việc, nghiên cứu, tư duy sáng tạo."
Từ quá trình trưởng thành, phát triển của mình, giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng điều quan trọng nhất của một nhà khoa học là phải có lòng kiên trì, có sự hy sinh, bền bỉ.
Nếu không có tính kiên trì, chắc chắn không thể thành công. Thứ hai là phải có hoài bão, người làm nghiên cứu phải giữ cho mình ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết để có thể đeo đuổi, đi đến đích trong khoa học, không để cuộc sống ràng buộc và làm mình xao lãng.
Bên cạnh đó, sự nghiệp nghiên cứu muốn phát triển được lâu dài cần phải xây dựng được một tập thể nghiên cứu, một nhóm nghiên cứu mạnh.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức chia sẻ ông rất may mắn khi những năm làm việc trong trường đại học đã kiên trì, thu hút được những sinh viên không hoàn toàn là những em giỏi nhất, nhưng các em có đam mê.
Khi đến với nhóm nghiên cứu, các em được trang bị tốt kiến thức về Toán, Cơ học, Vật lý để đi theo thầy.
Nhóm nghiên cứu đã may mắn, nhạy bén tiếp thu hướng nghiên cứu hiện đại, hòa nhịp được với trình độ của thế giới để đi vào các lĩnh vực như vật liệu chức năng, vật liệu nano…
Nhờ đó, bên cạnh việc trích dẫn, tham khảo các nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới, các nhà khoa học thế giới cũng ghi nhận những kết quả của nhóm nghiên cứu và trích dẫn trong các kết quả công bố của mình để họ tiếp tục những công việc mà chúng tôi chưa kịp làm, vì khoa học có tính kế thừa, phát triển.
Bày tỏ cảm xúc khi được xếp hạng trong danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết ông rất bất ngờ vì chỉ luôn tập trung làm nghiên cứu, không nghĩ đến một ngày được thế giới xem xét và xếp hạng.
Danh sách các nhà khoa học trong bảng xếp hạng này được đánh giá một cách khách quan, công bằng, cho thấy khoa học không có biên giới, không có tuổi tác, không có rào cản.
Đây là sự động viên rất lớn đối với ông, với nhóm nghiên cứu, mang lại uy tín cho bộ môn, cho khoa, cho Trường Đại học Công nghệ và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chia sẻ thêm về những nhà khoa học người Việt có tên trong bảng xếp hạng này, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho hay trong danh sách này có hơn 40 nhà khoa học người Việt Nam hiện đang giảng dạy, công tác tại các trường đại học nổi tiếng trên thế giới như giáo sư Đàm Thanh Sơn (Đại học Chicago), giáo sư Nguyễn Thục Quyên (Đại học California), giáo sư Nguyễn Sơn Bình (Đại học Northwestern), giáo sư Trương Nguyện Thành (Đại học Utah), giáo sư Vũ Hà Văn (Đại học Yale)…
Có thể thấy, trí tuệ của người Việt Nam không hề thua kém người nước ngoài, hoàn toàn có thể ra biển lớn để hội nhập với thế giới.
Tuy nhiên, đáng tiếc, các nhà khoa học trong nước có tên trong bảng xếp hạng này còn rất ít. Một phần là do ở những nước có nền khoa học tiên tiến, việc đầu tư cho nghiên cứu nhiều hơn, mạnh hơn.
Ví dụ, một nhóm nghiên cứu ở Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, nếu một năm công bố từ 10-15 bài báo ISI hoặc đào tạo từ 8-10 nghiên cứu sinh sẽ thuộc vào nhóm nghiên cứu mạnh, được đầu tư từ 2-3 triệu USD.
Nếu dùng ngân sách này để đối chiếu với nhóm nghiên cứu của chúng tôi, việc đầu tư chỉ bằng 1%-1 phần nghìn. Vì vậy, để có được những công trình nghiên cứu công bố ra thế giới là sự tâm huyết, ý chí, nghị lực vượt khó của cả nhóm.
Về lâu dài, để tiếp tục thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, Đảng, Nhà nước và các cơ sở đào tạo cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho các nhóm nghiên cứu mạnh, những trung tâm nghiên cứu xuất sắc, từ đó, có thêm nhiều công trình nghiên cứu đặc sắc của Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức tin tưởng, với sự đầu tư của Nhà nước cũng như các cơ sở giáo dục đào tạo, những năm tới, bảng xếp hạng các nhà khoa học thế giới sẽ có thêm nhiều nhà khoa học của Việt Nam ở trong nước được ghi danh.
Người thầy truyền cảm hứng
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ với giới bên ngoài, thông tin giáo sư Đức là một trong 3 người Việt Nam nằm trong danh sách 100.000 nhà khoa học xuất sắc thế giới năm 2019 có thể là điều bất ngờ nhưng với những người làm việc gần, cộng tác với giáo sư nhiều năm nay, đây là kết quả xứng đáng, không có gì bất ngờ.
Tôi có cơ hội được làm việc với giáo sư Nguyễn Đình Đức khoảng 5 năm trở lại đây. Ông không chỉ là một nhà quản lý, còn là người làm chuyên môn sâu.
Nhóm nghiên cứu của thầy Đức đã nỗ lực trong một thời gian dài, thể hiện qua nhiều công trình nghiên cứu mang tầm cỡ quốc tế, trong nước và có nhiều bài báo ở các trang khác nhau.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức có tầm ảnh hưởng lớn đến nhóm nghiên cứu và cộng đồng khoa học.
Những nghiên cứu về vật liệu composite carbon-carbon siêu bền nhiệt, về các vật liệu thông minh, vật liệu auxetic, composite chức năng cơ lý tính biến đổi, những vật liệu mới ứng dụng trong năng lượng xanh, sạch của nhóm nghiên cứu là những hướng nghiên cứu hiện đại, có tính liên ngành giữa cơ học với vật lý, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, phát triển bền vững và các lĩnh vực khác, bắt nhịp với thời cuộc, đón trước những thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực vật liệu mới.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao, ứng dụng, được Nhật Bản, Việt Nam đánh giá cao, có sức lan tỏa.
Con đường đến với thành công thường không dễ dàng. Ban đầu, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Đình Đức chỉ có thầy và một vài học trò.
Nhưng là người thầy tận tụy, tâm huyết với nghề, giáo sư không chỉ có những bài giảng hay, quan trọng hơn, ông đã “thắp lên” ngọn lửa đam mê khoa học ở các học trò của mình, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, sự tự tin cho sinh viên.
Được thầy tận tình dìu dắt, nhiều sinh viên đã đến với khoa học bằng niềm say mê, trở thành những sinh viên giỏi hay nhà khoa học trẻ tài năng sau khi tốt nghiệp, có các bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Một trong những học trò tiêu biểu của thầy Đức là em Trần Quốc Quân, đã vinh dự được nhận giải thưởng danh giá nhất của ngành Cơ học Việt Nam mang tên Nguyễn Văn Đạo (năm 2016) khi mới 26 tuổi và còn đang là nghiên cứu sinh.
Vũ Đình Quang, sinh viên khóa K57, Khoa Cơ học, Kỹ thuật và Tự động hóa, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện là cán bộ tạo nguồn của Trường Đại học Công nghệ chia sẻ em đã theo thầy Đức để tham gia nghiên cứu từ năm thứ hai đại học cho đến khi ra trường, được thầy truyền cho nhiệt huyết để quyết định đi theo con đường nghiên cứu và học thuật, ở lại trường làm giảng viên tạo nguồn.
Thầy là người truyền cảm hứng rất nhiều cho sinh viên để vượt qua những khó khăn khi làm nghiên cứu. Vì trong quá trình nghiên cứu khoa học sẽ có rất nhiều khúc mắc, việc hỗ trợ về kinh tế cũng không so được với nước ngoài.
Sự động viên, khích lệ của thầy đã thúc đẩy chúng em vượt qua những rào cản để tiếp tục con đường nghiên cứu.
Vũ Đình Quang tâm sự trong quá trình làm việc với thầy Đức, các học trò học được nhiều kỹ năng và cả tính kiên trì, bền bỉ.
Thầy Đức là người có khả năng sắp xếp thời gian, xử lý được nhiều việc trong một ngày. Ví dụ, ban ngày, thầy có thể làm các công việc ở phòng, ban, buổi tối, thầy vẫn tiếp tục nghiên cứu và thường trao đổi với sinh viên qua email sau 12 giờ đêm.
Đặc biệt, thầy luôn kiên trì theo hướng nghiên cứu mình tìm ra, dẫn dắt cả nhóm theo đuổi. Dù mắc ở đâu, thầy luôn là người đầu tiên đứng ra để tìm phương pháp giải quyết. Điều đó làm nhóm tin tưởng thầy hơn, tiếp tục say mê hơn trong hướng nghiên cứu hiện tại.
Với các thế hệ học trò, giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức là một tấm gương về sự bền bỉ, nghị lực, kiên trì lao động, cống hiến hết mình cho khoa học.
Những đóng góp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học của ông đã, đang góp phần tích cực vào sự phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và công cuộc đổi mới của đất nước./.