GS Nguyễn Thanh Liêm: Chinh phục bố mẹ vợ khó gấp 10 lần vợ!
Thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ, với GS Nguyễn Thanh Liêm điều này không nằm ngoại lệ. Ông bảo chỗ dựa tinh thần giúp mình cân bằng cuộc sống chính là người bạn đời - bác sĩ Nguyễn Tân Sinh.
Clip GS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ về vợ, các con và điều tử tế khiến ông rơi nước mắt:
Nhà báo Hà Sơn: Mọi người biết đến ông là một bác sĩ tài đức và đã có nhiều ca phẫu thuật thành công cũng như những công trình nghiên cứu khoa học được thế giới công nhận nhưng một GS Nguyễn Thanh Liêm trong đời thế nào vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Trong đời sống hàng ngày tôi là người đơn giản, xuề xòa. Tôi luôn nghĩ mình là một người bình thường, không có gì đặc biệt. Trước đây tôi luôn dạy các con: "Bố xuất phát từ nông dân và bây giờ vẫn còn nhiều tính cách ấy. Bố muốn các con nhớ điều đó để không nên học đòi theo những trường phái không phù hợp". Với đồng nghiệp trong học tập hay công việc tôi nghiêm khắc, đòi hỏi cao nhưng ra ngoài chan hòa, thân mật.
Tôi cũng đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người từ nông dân chân lấm tay bùn cho đến các nguyên thủ quốc gia, những nhà khoa học, những nhà chính khách. Tôi vẫn nói vui với anh em rằng mình hoạt động với tất cả, có thể ngồi hút thuốc lào với bác nông dân nhưng cũng có thể dự những bữa tiệc sang trọng, cao cấp với các doanh nhân hay các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Trong môi trường nào mình cũng có thể thích ứng được nhưng cái chất trong người không thay đổi, đó là sự chân tình, gần gũi.
Nhà báo Hà Sơn: Bà xã của ông cũng làm nghề y, mối duyên hai người gặp, yêu nhau và đồng hành quãng đường dài thời gian qua ra sao ạ?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Hôn nhân của tôi cũng gọi là cơ duyên. Hồi đấy tôi học nội trú ở Việt Đức, bà xã lúc đó là sinh viên năm tư. Ngày ấy các bác sĩ nội trú hay giảng dạy, kèm cặp cho các sinh viên khóa sau. Tôi hướng dẫn, kèm cặp, học tập cho bà xã từ đấy tình cảm nảy sinh. Cũng có thể hiểu là thầy giáo cảm mến học trò và tình yêu đơm hoa từ đó.
Nhà báo Hà Sơn: Thường thường con trai trường y dễ bị các cô gái sư phạm "hớp hồn". Vậy điều gì ở nữ sinh y khoa khiến trái tim ông tan chảy? Ông có khó khăn để chinh phục được bà xã?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Thật ra tôi không có duyên với các cô gái sư phạm. Lúc đầu nghĩ các cô gái sư phạm sẽ có nhiều thời gian hơn, có kỹ năng chăm con, dạy con hơn nhưng duyên số cuối cùng lại lấy vợ ngành y. Bạn hỏi có khó để chinh phục bà xã hay không tất nhiên cũng khó đấy! (cười). Nhưng nếu chinh phục bà xã khó một thì chinh phục bố mẹ vợ khó gấp 10 lần vì tôi chàng trai nông thôn trong khi vợ là người Hà Nội. Nhà tôi nghèo, nhà vợ cũng không giàu nhưng nói chung là gia đình truyền thống Hà Nội, nhà mặt phố - bố cũng là cán bộ.
Nhưng các cụ không biết tôi như thế nào vì thời đó một số trường hợp các anh ở tỉnh về Thủ đô học đã cưới vợ ở quê nhưng ra Hà Nội giấu nói mình chưa có vợ tìm hiểu cô này cô kia. Có người cưới rồi vợ mới biết chồng ở quê cũng đã có vợ. Cho nên bố mẹ vợ tôi tìm hiểu rất kỹ về tôi.
Ông bố vợ đến Bệnh viện Việt Đức gặp mấy giáo sư hỏi xem việc học tập chuyên môn của tôi ra sao, còn mẹ vợ về tận quê Thanh Hóa điều tra gia đình. Vì nhà vợ trên thành phố ít nhất cũng có điện nên khi về nhà tôi ở nông thôn nấu cơm đun rạ rơm khói mù mịt, đời sống khác nhau, các cụ cũng có ái ngại riêng. Để đi đến được hôn nhân chúng tôi cũng phải có nhiều cách, vận động, nhờ người này người kia tức là phải vượt qua rất nhiều khó khăn để đến được với nhau.
Nhà báo Hà Sơn: Vợ chồng ông làm cùng nghề vậy câu chuyện gia đình chắc chỉ xoay quanh nhiều đến thuốc, bệnh nhân và những ca mổ...?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Tôi là bác sĩ y khoa, vợ là bác sĩ sản khoa, chúng tôi trao đổi cũng nhiều chuyện đấy! Đôi khi đi làm về bà ấy hăng hái nói nhiều chuyện chuyên môn, tôi nghe một lúc rồi trêu: "Em ơi thôi mình chuyển chủ đề đi, nghe nhạc đi đổi không khí".
Nhà báo Hà Sơn: Những người làm nghề y thường cẩn thận và cầu toàn, cuộc sống vợ chồng chắc sẽ có lúc "cơm không lành canh không ngọt", ông với tư cách trụ cột gia đình sẽ luôn phải nhường vợ?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Thật ra đó là một thực tế, người ta nói hai thế giới khác nhau phải chồng vào một. Hai thế giới nên có nhiều khác biệt, tôi nghĩ đấy là tình hình chung của các cặp vợ chồng. Bà xã là người Hà Nội, tôi gốc nông thôn chính hiệu nên nếp sống cũng khác nhau, có nhiều thói quen không hợp nhau nhưng quá trình phải điều chỉnh.
Bây giờ tôi tuổi này rồi nhưng bà vợ thi thoảng vẫn góp ý quần áo phải chỉn chu, cà vạt phải thế này, đôi tất phải thế kia... nhưng như tôi nói thói quen nông thôn một phần thứ hai tôi là đàn ông và bận nên không thể chỉn chu tất cả mọi thứ được. Nó cũng là đặc điểm giới tính nữa... Nên bây giờ mỗi khi bị nhắc nhở tôi bảo vợ: "Thôi, đến giờ này không cải tạo nhau được nữa đâu. Tốt nhất là chấp nhận nhau sống cho nó vui vẻ". Kinh nghiệm gia đình tôi rút ra khi vợ chồng có những chuyện không hài lòng tốt nhất mình không nói nữa đi chỗ khác sẽ không dẫn đến cao trào mẫu thuẫn.
Nhà báo Hà Sơn: Ông từng khoe con trai giỏi và thông minh hơn bố nhưng độ chăm chỉ chưa bằng bố. Với những giải thưởng trong nước và quốc tế ông đạt được cùng những thành tích đáng nể trong việc sáng tạo ra nhiều kỹ thuật mới cho y học Việt Nam, có khi nào điều này lại là áp lực vô hình đối với con trai ông?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Thật ra con trai đến với ngành y cũng là âm mưu của tôi vì cháu vốn không thích nghề y. Nhưng khi cháu học ở Úc, mỗi lần nghỉ hè về nước tôi hay đưa vào bệnh viện quan sát bệnh nhân, quan sát các ca mổ dần dần con thấy nghề nghiệp của bố cũng thú vị và quyết định học y. Không biết cháu có bị áp lực từ tôi không vì cũng không bao giờ hỏi nhưng có một điều con tôi có dự định kế hoạch riêng.
Có lần tôi nói con phải thế này thế nọ thế kia, cháu trao đổi lại bảo: "Nếu so sánh bố với con thì khi bố bằng tuổi con, bố chưa được như con đâu ạ!''. Tôi vặn lại: ''Chưa được như nào?", cháu đáp: "Con gửi báo cáo nghiên cứu đi Nhật Bản, Châu Á đã được giải thưởng người ta tài trợ tiền. Hồi bố bằng tuổi con làm gì đã được như thế?". Lúc ấy tôi ớ ra thấy con nói cũng đúng. Tôi ba mấy tuổi mới đi học nước ngoài, tiếng Anh còn khó khăn, con trai bây giờ vừa làm trong nước vừa học thêm ở Úc chưa kể học online khóa quản lý y tế ĐH Havard chuẩn bị cho cuộc sống tương lai sự nghiệp của cháu.
Nhà báo Hà Sơn: Con trai của ông đã xây dựng gia đình và vợ là người Philippines. Cô con dâu không phải người Việt sẽ có những khó khăn nhất định về văn hóa, ngôn ngữ, vợ chồng ông chắc phải cởi mở để chia sẻ với người con dâu?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Đúng như vậy. Thật ra không những khác biệt về văn hóa mà còn khác biệt cả tôn giáo nữa. Trước khi các cháu cưới nhau tôi cũng đã lường, nghĩ đến câu chuyện ấy và bảo hai con phải tính xem có chấp nhận được không nhưng khi đã sống với nhau rõ ràng có nhiều vấn đề phức tạp hơn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để hài hòa.
Có thể nói bây giờ chúng tôi rất hài lòng về con dâu mặc dù cháu theo tôn giáo khác nhưng ngày lễ Tết vẫn theo mẹ ra bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên thắp hương cho các cụ, điều này cũng đặc biệt lắm. Hay về ngôn ngữ cháu cũng chịu khó học tiếng Việt.
Hiện nay chúng tôi giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, có điều đặc biệt khi cháu có con tôi bảo: "Bố giao cho con trách nhiệm phải dạy bé Bella nói tiếng Việt". Và quả thực không phải lúc ở Việt Nam mà ngay cả thời gian các cháu sống ở Úc vẫn dạy con nói tiếng Việt. Đặc biệt, con trai tôi nói với con hay bằng tiếng Anh nhưng mẹ người Philippines nhưng chỉ nói với con tiếng Việt. Chính vì thế cháu nội tôi hiện nay nói tiếng Việt khá tốt và ngôn ngữ tiếng Việt làm chúng tôi gần gũi dù cả vợ chồng chúng tôi đều có thể nói tiếng Anh với con dâu.
Nhà báo Hà Sơn: Con dâu của ông hiện đang làm gì?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Hiện nay cháu cũng đang học để thi bằng bác sĩ. Khi con trai tôi làm việc ở Sydney con dâu và cháu về Việt Nam ở chung với ông bà. Có vẻ như bây giờ chúng nó ở thích ở chung với ông bà hơn ở riêng và ông bà ngược lại cũng thích như thế. Cháu nội đặc biệt thích ngủ với ông bà. Tôi có hỏi đùa con dâu: "Sắp tới chồng về Việt Nam các con muốn ở chung hay riêng?''. Cháu bảo muốn ở chung. Thực tế có phức tạp của ở chung, ở riêng cũng có mặt trái nhưng nếu hài hòa được, ở chung tình cảm gắn bó, ông bà được giao lưu nhiều hơn với các cháu.
Nhà báo Hà Sơn: Không chỉ con trai ông theo nghề y mà con gái cũng đang học tiến sĩ ngành y sinh học ở Úc. Con cái theo nghiệp bố mẹ là điều vợ chồng ông mãn nguyện nhất?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Con gái tôi đang luận án về tế bào gốc, nghiên cứu biệt hóa một dòng tế bào thương mại thành tế bào tiếp thu ánh sáng ở võng mạc để điều trị cho những người già bị thoái hóa võng mạc.
Về việc cả hai cháu nhà tôi đều làm và học về nghề y thú thực lúc đầu chúng tôi không ép các cháu đâu, chỉ định hướng thôi. Tôi vẫn luôn nghĩ các con thích gì làm thôi vì đã không thích không thể nào giỏi được. Bây giờ con trai lớn là phẫu thuật viên 34 tuổi cũng vẫn tiếp tục học và trau dồi kiến thức. Cháu thứ hai đang học tiến sĩ. Nói chung tôi thấy yên tâm vì sự định hướng xác định sự nghiệp của cháu rất sớm và đặt ra những mục đích rõ ràng cũng như kế hoạch thực hiện những điều ấy.
Nhà báo Hà Sơn: Một ngày của ông diễn ra thế nào?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Thường 6h tôi dậy check email một chút rồi tập thở, tập Yoga khoảng 15-20 phút sau đó ăn sáng. Quãng đường từ nhà tôi đến bệnh viện xa, thường phải đi mất một tiếng nên tôi bắt đầu đi từ nhà lúc 7h. Hiện nay tôi vừa làm bên viện nghiên cứu vừa làm Giám đốc trung tâm y học trị liệu tái tạo tế bào nên cũng nhiều công việc và tùy từng hôm ví dụ thứ ba buổi sáng khám bệnh, buổi chiều giải quyết những công việc liên quan, ngày thường có khi tham gia phẫu thuật. Tất nhiên những trường hợp phẫu thuật của tôi bây giờ cũng không nhiều, chỉ những trường hợp đặc biệt thôi. Thời gian còn lại tôi đọc sách và viết các công trình nghiên cứu, trao đổi với các anh em, đồng nghiệp trẻ về ý tưởng nghiên cứu, đề cương, đề án nghiên cứu xem các phác thảo đề cương...
Nhà báo Hà Sơn: Thời gian nào để ông thư giãn?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Ngày xưa khi tôi đi dự hội nghị khoa học ở nước ngoài thường vợ đi cùng, đó là dịp chúng tôi gọi là giải trí, nhưng cũng chủ yếu tham gia hoạt động khoa học nếu có ở lại cũng chỉ 1-2 ngày rồi quay về. Bản thân tôi không có nhiều sở thích, cái tôi thích nhất vẫn là nghiên cứu đọc tài liệu, thành ra lúc nào có thời gian lại tìm tài liệu đọc. Bởi tiến bộ khoa học nhanh lắm, mỗi ngày hàng nghìn công trình nghiên cứu ra đời, không cập nhập cũng không nắm bắt được. Vấn đề làm sao mình ngăn không làm việc liên tục. Giờ cuối tuần đi đâu nhiều khi tôi cố gắng để máy tính ở nhà không bị phân tán, bận rộn với công việc nữa.
Nhà báo Hà Sơn: Ông là người thành đạt, gia đình hạnh phúc. Vậy ông còn thấy mình thiếu thứ gì trong cuộc sống hiện tại?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Tôi luôn luôn hài lòng với cuộc sống và nghĩ những gì nhận được là quá nhiều so với những gì mình làm cho cộng đồng. Tôi có nhiều may mắn lắm. Nếu sinh ra vào thời này, chưa chắc tôi đã học đại học đâu, bởi nhờ có học bổng mà thế hệ chúng tôi từ nông thôn ra chịu khó học và trưởng thành.
Quay lại thời học đại học, tôi chịu ơn những người nông dân, ví dụ năm 71 tôi đến Bình Đà - Hà Tây cũ, một gia đình có 5 người con và đã nhận thêm một gia đình Hà Nội sơ tán 6 người con và nhận 3 chàng sinh viên trong đó có tôi. Người ta nhường cho chúng tôi gian nhà đẹp nhất to nhất, còn cả gia đình dồn vào một cái buồng. Bạn nhớ hồi ấy không lấy tiền thuê nhà như bây giờ đâu.
Hay như năm 72 tôi lên Phú Thọ sơ tán tại nhà một bà mẹ có người con là liệt sĩ. Phú Thọ miền núi nghèo lắm thường bữa ăn trưa hay ăn tối phải đi qua một cái hồ sang nhà bếp lấy thức ăn về chỉ có canh sắn hoặc bí ngô thôi nên Bầm (cách gọi mẹ yêu thương của một số vùng quê - PV) thương lắm bảo thôi mang cơm về nhà rang lên cho ít xì dầu vào. Đối với sinh viên đó là những gì lý tưởng lắm, tuyệt vời lắm. Tôi kể lại để thấy mình từng được sự cưu mang của người dân.
(GS Nguyễn Thanh Liêm nghẹn ngào rơi nước mắt - PV)
Nhà báo Hà Sơn: Tôi rất chia sẻ với sự xúc động của ông. Có lẽ những câu chuyện tử tế trong đời thường đôi khi là nguồn năng lượng tiếp thêm cho ông tình yêu nghề y, muốn được chữa bệnh và cưu mang cho nhiều bệnh nhân hay các sinh viên khó khăn?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Thật ra không phải mong muốn đâu bạn ạ mà chúng tôi đã và đang làm công việc dù rất nhỏ nhưng đều đặn duy trì. Gia đình tôi và những người bạn đã thành lập Quỹ nhịp cầu yêu thương giúp những trẻ em nhà nghèo, tức là những em nhỏ bị bệnh có thể chữa khỏi nhưng vì hoàn cảnh kinh tế không cho phép thì chúng tôi giúp. Chúng tôi liên hệ với những giáo sư đầu ngành giỏi nhất, tài trợ tiền đi lại, tổ chức các đợt phẫu thuật miễn phí tại các tỉnh miền núi. Tôi cố gắng làm những việc tốt như là cách để mình đáp lại những gì cộng đồng và người dân từng mang lại cho mình. Cuộc sống là sự biết ơn và trân trọng những điều tử tế mình từng nhận được trong cuộc đời. Sống hướng thiện để tâm hồn bạn an vui mỗi ngày!
Cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyên!
Sơn Hà - Đức Yên - Huy Phúc - Bạt Tuấn
Thiết kế: Luyện Phạm