GS Nguyễn Văn Tuấn: 'Không cần chờ vaccine Covid-19 khác'

Những con số về hiệu quả chống Covid-19 giữa vaccine của Pfizer (95%), Moderna (94%) hay AstraZeneca (72%) rất khác nhau. Tuy nhiên, chúng không nói lên loại vaccine nào tốt hơn.

Để đánh giá hiệu quả của vaccine, nhà nghiên cứu so sánh tỷ lệ nhiễm virus ở nhóm được tiêm vaccine giả (còn gọi là nhóm chứng) và nhóm tiêm vaccine thật. Nếu có hiệu quả chống virus, tỷ lệ nhiễm ở nhóm vaccine thật phải thấp hơn nhóm chứng.

Trong thực tế, các thử nghiệm về hiệu quả vaccine đã được nghiên cứu theo mô hình trên. Đáng chú ý là mỗi nghiên cứu có một nhóm chứng và chúng hoàn toàn độc lập với nhau.

Không thể so sánh hiệu quả giữa các vaccine

Nếu 2 vaccine được đánh giá qua 2 nghiên cứu khác nhau, chúng ta không thể so sánh hiệu quả của chúng. Lý do đơn giản là 2 nghiên cứu đó dựa vào 2 nhóm chứng khác nhau. Vì vậy, tỷ lệ nhiễm cũng khác nhau. Ví dụ, 7/10 là 70%, 3,5/5 cũng là 70%, nhưng trong khoa học thực nghiệm, 2 con số 70% đó không thể so sánh được do mẫu số khác nhau.

Một so sánh như thế càng có vấn đề nếu chúng ta biết rằng đằng sau những con số đó là sai sót khá "ngớ ngẩn" trong thử nghiệm vaccine của AstraZeneca. Do một hiểu lầm, hơn 2.700 tình nguyện viên được thử nghiệm vaccine của AstraZeneca chỉ được tiêm 1/2 liều lượng theo quy định. Sai sót này làm cho kết quả của thử nghiệm bị lệch đi khá nhiều.

Đặc điểm của tình nguyện viên trong các nghiên cứu rất khác nhau. Nghiên cứu vaccine của AstraZeneca thử nghiệm trên tình nguyện viên Brazil, Nam Phi, Anh. Nghiên cứu vaccine của Pfizer làm trên người ở Mỹ và Đức. Hai nhóm tình nguyện viên không giống nhau về thành phần kinh tế và hệ thống y tế nên hiệu quả của thử nghiệm chắc chắn sẽ khác nhau. Sự khác biệt về hiệu quả đó có thể không liên quan vaccine.

Không chỉ khác biệt về đối tượng, tiêu chuẩn chọn và loại trừ cũng rất khác nhau giữa các nghiên cứu. Thử nghiệm vaccine của AstraZeneca làm trên người từ 18-55 tuổi ở Anh, nhưng 18-65 tuổi ở Nam Phi và không thấy đề cập đến tiêu chuẩn loại trừ liên quan bệnh đi kèm. Thử nghiệm vaccine của Pfizer làm trên các nhân viên y tế và cộng đồng, nhưng loại trừ những người có một số bệnh đi kèm. Do đó, hiệu quả vaccine giữa 2 nghiên cứu không thể so sánh trực tiếp.

 Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Một khác biệt khác quan trọng là phương pháp ước tính hiệu quả. Thử nghiệm vaccine của Pfizer dùng mô hình hồi quy nhị thức, của Moderna dùng mô hình Cox, còn AstraZeneca là Poisson. Các mô hình này dựa vào những giả định rất khác nhau trong tính toán nên kết quả khác nhau là điều có thể dễ hiểu. Sự khác biệt đó chỉ do chọn mô hình tính toán, chứ không hẳn do vaccine.

Ngoài ra, con số 72% hiệu quả vaccine của AstraZeneca là dựa trên một phân tích trên 23.800 tình nguyện viên. Số liệu của hơn 40.000 tình nguyện viên vẫn còn trong vòng thẩm định. Kết quả sẽ được công bố sắp tới nên hiệu quả vaccine của AstraZeneca cũng sẽ thay đổi.

Để so sánh hiệu quả 2 vaccine một cách khoa học, người ta phải làm nghiên cứu "head-to-head". Thiết kế này có nghĩa là 2 vaccine so sánh với một nhóm chứng chung. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa bao giờ được thực hiện và sẽ không bao giờ có. Không công ty nào muốn so sánh vaccine của họ với một vaccine khác, vì bất cứ kết quả nào cũng sẽ gây ra bất lợi.

Không nên chờ "vaccine xịn"

Do đó, dù con số cho thấy vaccine Covid-19 của Pfizer và Moderna có hiệu quả cao hơn của AstraZeneca, nhưng trong thực tế chúng ta không thể nói vaccine nào có hiệu quả cao hơn.

Vì hiểu lầm về con số đơn giản trên, nhiều bạn chần chừ chờ "vaccine xịn" để tiêm. Tuy nhiên, tôi khuyên các bạn rằng trong điều kiện hiện nay không nên chần chừ. Bạn hãy tiêm vaccine khi có cơ hội. Đừng chờ "vaccine xịn", vì chúng ta không có khái niệm này.

Không ít người ngại tiêm vaccine của AstraZeneca vì đọc tin tức thấy nhiều phản ứng phụ (thậm chí tử vong) sau khi tiêm. Tuy nhiên, các vaccine khác như của Pfizer và Moderna cũng có phản ứng phụ, kể cả tử vong, tỷ lệ giống như AstraZeneca. Các phản ứng đó và cả tử vong có thể không liên quan vaccine.

Số liệu từ Australia (trên 300.000 người) cho thấy số ca có phản ứng phụ cần đến bác sĩ hay nhập viện sau liều thứ 2 của AstraZeneca là 0,7% (tức 7 trên 1.000 người), Pfizer là 1,8% (18 trên 1.000 người). Hai tỷ lệ này rất tương đương nhau và chúng ta cũng không thể nói vaccine của AstraZeneca an toàn hơn vaccine từ Pfizer (đặc điểm đối tượng và độ tuổi rất khác nhau). Do đó, không có khái niệm "vaccine xịn".

 Chiến dịch tiêm chủng đợt 4 tại TP.HCM đã hoàn thành theo đúng tiến độ với hơn 840.000 liều vaccine đã được tiêm. Ảnh: Duy Hiệu.

Chiến dịch tiêm chủng đợt 4 tại TP.HCM đã hoàn thành theo đúng tiến độ với hơn 840.000 liều vaccine đã được tiêm. Ảnh: Duy Hiệu.

Tiêm vaccine là đóng góp cho cộng đồng

Chúng ta cần nói thêm rằng những con số hiệu quả vaccine như 72% hay 95% là số trung bình. Những con số trung bình đó được tích hợp từ một quần thể (cộng đồng). Do đó, những con số này chỉ có ý nghĩa cho một quần thể, không có ý nghĩa cho cá nhân cụ thể.

Chúng ta không thể nói hiệu quả 72% hay 95% cho một cá nhân. Bởi cá nhân không có mẫu số. Hơn nữa, trên thế giới này, mỗi chúng ta là một cá nhân duy nhất, không có cá nhân nào là "trung bình".

Trong y tế dự phòng có một nghịch lý là những thay đổi rất nhỏ ở cấp độ cá nhân có thể tạo nên những ảnh hưởng lớn cho cộng đồng. Một bệnh nhân dùng thuốc chống loãng xương có thể suốt đời không bị gãy xương. Tuy nhiên, bệnh nhân đó đóng góp vào sự giảm thiểu gánh nặng loãng xương cấp cộng đồng.

Tương tự, khi bạn chọn tiêm vaccine, xác suất bạn bị nhiễm rất thấp. Nhiều người như bạn tiêm vaccine sẽ tạo ra một cộng đồng miễn dịch. Khi đã có một cộng đồng miễn dịch, việc kiểm soát dịch bệnh trở nên dễ dàng. Do đó, khi chọn tiêm vaccine, bạn làm một đóng góp nhỏ nhưng rất quan trọng cho cộng đồng. Đó chính là ý nghĩa thật của tiêm vaccine.

Bài viết do GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu di truyền dịch tễ học và loãng xương thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế, Đại học Công nghệ Sydney, Australia, cung cấp thông tin.

GS Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gs-nguyen-van-tuan-khong-can-cho-vaccine-covid-19-khac-post1234093.html