GS Peter Lax... dấu ấn 'thần đồng' toán học thế kỷ XX

GS Peter Lax, nhà toán học kiệt xuất thế kỷ XX, người tiên phong kết nối toán học, máy tính và thực tiễn, vừa qua đời ở tuổi 99 tại New York.

Gíao sư Peter Lax, một tượng đài của toán học thế kỷ XX với những đóng góp nền tảng cho việc ứng dụng máy tính trong khoa học kỹ thuật thời Chiến tranh Lạnh, từ phát triển vũ khí, thiết kế hàng không đến dự báo thảm họa tự nhiên đã từ trần vào ngày 16 tháng 5 tại tư gia ở Manhattan, Mỹ, hưởng thọ 99 tuổi. Thông tin từ con trai ông, bác sĩ James D. Lax, nguyên nhân qua đời của cha mình có liên quan đến bệnh lý tim mạch.

 Giáo sư Peter Lax, một tượng đài của toán học thế kỷ XX.

Giáo sư Peter Lax, một tượng đài của toán học thế kỷ XX.

Thần đồng Toán học Hungary

Thần đồng Toán học Peter Lax sinh ra tại Budapest, Hungary năm 1926, một mảnh đất đã sản sinh ra vô số tài năng khoa học kiệt xuất, Peter Lax sớm bộc lộ tố chất của một thần đồng toán học. Dưới sự dìu dắt của nhà toán học Rózsa Péter, người sáng lập lý thuyết đệ quy, cậu bé Lax nhanh chóng kết nối với cộng đồng các nhà toán học Do Thái - Hungary danh tiếng và thể hiện tài năng vượt trội trong các kỳ thi toán cấp quốc gia.

Năm 1941, khi mới 15 tuổi, trước làn sóng bài Do Thái ngày càng lan rộng tại Hungary, lúc này là đồng minh của Đức Quốc xã, gia đình Peter Lax đã di cư sang Mỹ. Chuyến đi này có được nhờ sự giúp đỡ của một lãnh sự Mỹ tại Budapest. Tại New York, Peter nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng các nhà toán học nhập cư, trong đó có Richard Courant, người sau này trở thành thầy giáo, người cố vấn quan trọng của ông.

Chỉ ba năm sau khi đến Mỹ, vào năm 1944, khi mới 18 tuổi, Peter Lax được gọi nhập ngũ. Số phận đã đưa chàng thanh niên trẻ tuổi đến một trong những dự án khoa học bí mật và quan trọng nhất lịch sử: Dự án Manhattan tại Los Alamos vào năm 1945. Tại đây, ông tham gia vào việc tính toán những phản ứng số học phức tạp, phục vụ cho việc phát triển bom nguyên tử.

Đây là một trải nghiệm "tuyệt vời" và có ảnh hưởng sâu sắc với ông khi được làm việc trong một đội ngũ khoa học xuất sắc với những quan điểm khác nhau với mục tiêu không phải là một định lý, mà là một sản phẩm.

Nhà toán học ứng dụng đầu tiên nhận giải ví như "Nobel Toán học"

Sau chiến tranh, Peter Lax lấy bằng tiến sĩ tại Đại học New York và trở thành giáo sư tại đây. Ông gắn bó sâu sắc với Viện Khoa học Toán học Courant, nơi ông giữ vai trò nhà nghiên cứu và sau này là Giám đốc (1972-1980). Chính tại đây, ông đã trở thành người thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng máy tính vào toán học ứng dụng và khoa học kỹ thuật.

 Ông là nhà toán học ứng dụng đầu tiên nhận giải ví như "Nobel Toán học".

Ông là nhà toán học ứng dụng đầu tiên nhận giải ví như "Nobel Toán học".

Năm 2005, Giáo sư Lax trở thành nhà toán học ứng dụng đầu tiên được trao Giải thưởng Abel, một trong những giải thưởng danh giá nhất trong ngành toán, thường được ví như "Giải Nobel Toán học". Giải thưởng ghi nhận những đóng góp đột phá của ông trong lý thuyết và ứng dụng của phương trình đạo hàm riêng và trong việc tính toán các nghiệm của chúng. Các công trình lý thuyết lớn của ông như Nguyên lý tương đương Lax (Lax Equivalence Principle), Bổ đề Lax-Milgram (Lax-Milgram Lemma), và lý thuyết tán xạ Lax-Phillips (đồng tác giả với Ralph Phillips) vẫn được ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu sóng, thiết kế khí động học và dự báo thời tiết.

Khi được hỏi về sự phân biệt giữa toán học "thuần túy" và "ứng dụng", GS Lax trích dẫn lời của nhà toán học Joe Keller: "Toán học thuần túy là một nhánh của toán học ứng dụng”.

GS Lax khẳng định máy tính không chỉ giúp tăng tốc độ tính toán mà còn, quan trọng hơn, cho phép các nhà khoa học "sử dụng toàn bộ lý thuyết" thay vì phải "cắt xén" vấn đề cho phù hợp với các phương pháp tính toán thủ công. Tuy nhiên, nửa còn lại (của sự tăng tốc) là do các thuật toán thông minh, và cần có các nhà toán học để phát minh ra các thuật toán thông minh.

Nhà toán học có tâm hồn thơ ca

Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu hàn lâm, Giáo sư Lax còn có vai trò quan trọng trong việc thiết lập chính sách khoa học và công nghệ tại Mỹ. Ông từng là Chủ tịch Hiệp hội Toán học Mỹ (1977-1980) và là thành viên Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ (1980-1986). Năm 1982, ông là tác giả của "Báo cáo Lax" – một tài liệu then chốt định hình chiến lược nghiên cứu với máy tính hiệu năng cao của Mỹ, có ảnh hưởng sâu rộng đến cả lĩnh vực dân sự lẫn quân sự. Về thành tựu này, ông từng dí dỏm paraphrase Emerson: "Không gì có thể chống lại sức mạnh của một ý tưởng đã quá muộn mười năm”.

Trong suốt cuộc đời mình, Giáo sư Lax không chỉ là một nhà toán học xuất chúng mà còn là một người truyền cảm hứng, một người thầy tận tâm. Một chi tiết thú vị ít người biết đến là con người thơ ca của Giáo sư Lax. Ông yêu thơ, đặc biệt là thơ Hungary và thơ Anh, và chính ông cũng sáng tác thơ bằng cả hai thứ tiếng. Thậm chí, ông từng tóm lược một kết quả toán học bằng một bài thơ haiku vào năm 1999, cho thấy sự giao thoa độc đáo giữa logic toán học và cảm xúc thi ca trong con người ông.

Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về việc viết haiku, Giáo sư Lax đã chia sẻ "ngôn ngữ toán học cực kỳ cô đọng, nó giống như thơ haiku”. Ông đã thử diễn đạt một ý tưởng toán học bằng haiku. Tạm dịch:

“Tốc độ phụ thuộc kích thước

Cân bằng bởi sự phân tán

Ôi, vẻ huy hoàng đơn độc"

Dù sống qua những thời kỳ biến động và đầy xung đột của thế kỷ XX, GS Peter Lax đã chứng minh rằng khoa học, đặc biệt là toán học, có thể là cầu nối mạnh mẽ giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa tư duy trừu tượng và những ứng dụng thay đổi thế giới. Ông không chỉ để lại những phương trình, định lý mang tên mình, mà còn cả một tấm gương về sự cống hiến không mệt mỏi, một trí tuệ uyên bác và một tâm hồn phong phú. Di sản của ông sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ nhà khoa học, nhắc nhở họ về vẻ đẹp, sức mạnh và trách nhiệm của tri thức.

Hoàng Mai

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/gs-peter-lax-dau-an-than-dong-toan-hoc-the-ky-xx-post1543028.html