GS. Phạm Khắc Quảng: Cha đẻ của 'Chương trình chống lao 10 điểm'

Một người thầy cả đời say mê tìm tòi, nghiên cứu khoa học, một người thầy thuốc giỏi, sôi nổi, nhiệt tình với công tác xã hội.

GS. Phạm Khắc Quảng sinh ngày 4/5/1912 tại Đức Thọ Hà Tĩnh tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1940 tại Hà Nội.

Từng từ chối lệnh trưng tập làm sĩ quan quân y của ngụy quyền để làm thầy thuốc chữa bệnh cho dân, ông làm việc ở Khu Điều trị bệnh lao tại BV Bạch Mai. Thấy quá đông người bệnh, ông đã kêu gọi các nhà từ thiện góp tiền ủng hộ để xây dựng thêm 2 dãy nhà mới trong Khu Lây BV Bạch Mai để có thêm 20 giường bệnh cho bệnh nhân.

Tượng GS Phạm Khắc Quảng tại vườn tượng Danh nhân Y học VN & thế giới tại Quy Hòa , Bình Định

Tượng GS Phạm Khắc Quảng tại vườn tượng Danh nhân Y học VN & thế giới tại Quy Hòa , Bình Định

Bác sĩ còn tham gia các hoạt động xã hội. Căn nhà của ông, phía trước là hiệu sách ở phố Tràng Thi, phía sau là phòng chiếu chụp Xquang. Đây là địa điểm cho anh chị em trí thức Thủ đô đi lại, trao đổi tin tức tình hình về công cuộc kháng chiến; quyên góp sách báo y khoa, thuốc men, dụng cụ và tiền ủng hộ kháng chiến. Trong Thủ đô tạm chiếm, ông đã cùng một nhóm trí thức nội thành cho ra tờ báo Công luận. Với nội dung đòi chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, ông cùng các trí thức đưa ra bản kiến nghị của trí thức Thủ đô gửi sang Thủ đô Paris, Pháp. Giữa tháng 4/1954, các báo Pháp Le Monde và L’Humannité là 2 tờ báo có tiếng của Thủ đô Paris đã đăng toàn văn bản kiến nghị này, đúng lúc phái đoàn Chính phủ ta do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu đến Genève.

Thủ đô được giải phóng. Năm 1957 ông làm việc tại Khoa Lao Bệnh viện Bạch Mai rồi làm Phó Viện trưởng, Viện Chống lao Trung ương mà Viện trưởnglà bác sĩ, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch. Giáo sư đã đảm nhiệm cương vị này trong 12 năm.

Nhà giáo Nhân dân, GS. Phạm Khắc Quảng là Chủ nhiệm Bộ môn Lao Trường ĐH Y khoa Hà Nội ngay từ những ngày đầu thành lập. Với hơn 34 năm công tác ông luôn đem hết khả năng, thời gian và công sức để chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và viết sách. Giáo sư đã tham gia đào tạo hàng nghìn thầy thuốc bác sĩ, BSCKI, CKII, thạc sĩ, tiến sĩ y học.

Ngày 20/7/1959, Giáo sư được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam lớp mồng 3/2/1960. Ông còn làm Tổng Thư ký, Tổng hội Y học Việt Nam, là ủy viên Đoàn Chủ tịch của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội trong gần 40 năm

GS. Phạm Khắc Quảng không những là người thầy giỏi, bao dung mà còn là người có tầm nhìn chiến lược rất đáng kính phục. Giáo sư đã vận dụng những hiểu biết về bệnh lao đương đại trên thế giới vào hoàn cảnh của nước ta, xác định nguồn lây cách phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị trong chiến lược chống lao lâu dài ở nước ta . “Chương trình chống lao10 điểm” của ông đã được áp dụng từ những năm 1976, góp phần quan trọng vào việc phòng chống lao ở nước ta.

"Không những là người thầy thuốc được bệnh nhân tin yêu, ông còn là người thầy bao dung, độ lượng về chuyên môn cũng như cuộc sống...". Là người hết lòng với sự nghiệp của Đảng, của Bác Hồ, cả đời tận tụy với công việc chuyên môn cũng như xã hội, ông không lập gia đình. Có ai hỏi ông chỉ cười mà nói: Học theo Cụ Hồ. Căn nhà 12 phố Bà Huyện Thanh Quan cũng đã đổi cho Chính phủ làm Đại sứ quán cho ngoại giao đoàn.

Giáo sư Phạm Khắc Quảng từ trần năm 2000 thọ 89 tuổi. Ghi nhận công lao của ông cho sự nghiệp cách mạng nói chung và sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói riêng, UBND TP Hà Nội đã quyết định đặt tên ông cho một tuyến phố đẹp tại quận Long Biên. Lễ gắn biển tên phố đã diễn ra sáng ngày 22/3/2021.

Trần Giữu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gs-pham-khac-quang-cha-de-cua-chuong-trinh-chong-lao-10-diem-n188652.html