GS Sử học Lê Văn Lan: Dạy Sử không chỉ 'gói gọn' trong sách giáo khoa
Trong dòng chảy của thời gian, những thời khắc, sự kiện, giá trị lịch sử luôn giữ một chỗ đứng vững vàng trong sự phát triển của dân tộc ấy.
Theo GS Sử học Lê Văn Lan, cần thiết phải đưa những sự kiện lịch sử vào trường học không chỉ ở việc dạy, học trong sách giáo khoa mà bằng nhiều hình thức khác để kéo học sinh đến gần với các giá trị lịch sử của đất nước…
Dạy học bằng di sản
Những ngày mùa Xuân, có dịp trò chuyện với GS Sử học Lê Văn Lan trong ngôi nhà nhỏ ở phố Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm) thấy thời gian và không gian như luôn hiện hữu những giá trị quí báu của dân tộc bởi một nhà nghiên cứu luôn đau đáu về lịch sử nước nhà...
Mùa Xuân, mỗi người dân đất Việt lại nhớ về Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, với GS Sử học, bản thân sự kiện này mang tố chất lịch sử mạnh mẽ, tạo sự hấp dẫn với học sinh cho dù các thầy cô đưa đến cho học sinh dưới dạng thức, cấp độ hay trình độ nào. Sự hấp dẫn của lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc trải dài qua năm tháng, qua không gian rộng lớn của các đề tài từ chuyện vua Hùng dựng nước đến chuyện Lý Thái Tổ định đô Thăng Long. Nhưng ở đề tài chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa thì nó trỗi dậy, kết tinh lại được rất nhiều giá trị của lịch sử và của bộ môn Lịch sử trong việc giảng dạy và học tập.
Trước việc Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản được nhiều trường học chọn làm địa điểm triển khai kế hoạch giáo dục di sản văn hóa, giá trị lịch sử cho học sinh, GS Lê Văn Lan cho rằng: Nói về việc liên kết giữa giáo dục với các đơn vị không chỉ là Hoàng thành Thăng Long, mà việc làm này đã được nhiều trường học, đặc biệt là ngành GD Hà Nội triển khai khá rộng rãi, chọn được những tiêu điểm, tụ điểm, tinh điểm, thậm chí thiêng điểm để giáo dục liên kết với thực tiễn, với tình hình cảnh quan hiện tượng cụ thể… Do đó, đây được coi là một mẫu mực.
Ở đây, không chỉ là việc lo riêng cho giáo dục mà trong đó có sự hợp tác, liên kết tạo ra một cuộc vận hành, vận động của những sự kiện văn hóa, xã hội, kinh tế. Giáo dục Hà Nội đã tự giác, lặng lẽ làm và có kết quả, đây là sự hưởng ứng một cách ngẫu nhiên nhưng chắc chắn có sự tính toán, có chiều sâu nó phù hợp với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là nêu gương. Cho nên cứ lặng lẽ giới thiệu những kinh nghiệm và kết quả cụ thể đó là ta đã làm được việc nêu gương.
Môn khoa học, văn học, văn hóa
Nhìn nhận về việc học môn Lịch sử trong giới trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng hiện nay, GS Sử học chia sẻ: Đã có những cuộc mổ xẻ rất kỹ và nhận ra được một số nguyên nhân vì sao học sinh không thích môn Lịch sử.
Trước tiên, việc định hướng giáo dục lịch sử của chúng ta nằm trong một tuyến phát triển truyền thống mà ngày xưa có câu học là để đi thi và đi thi để làm quan, nói tắt là học để làm quan. Nếu chúng ta chăm chú vào việc học để đi thi, rõ ràng trả bài thi về môn lịch sử có nhiều khó khăn, không thuận đối với học sinh so với môn học khác. Đấy là lý do học sinh không mặn mà với môn Lịch sử.
Tiếp đến là vấn đề định hướng trong việc dạy và học lịch sử. Theo xu hướng của thời đại trước đây, việc làm chương trình, soạn SGK theo chương trình đó và dạy lịch sử theo SGK đều tuân thủ theo phương châm phục vụ cho chính trị nên lịch sử trở thành môn chính trị học. Dạy và học sử là để thực hiện và làm công tác tư tưởng. Lịch sử nếu không toàn bộ thì cũng là một phần lớn để giáo dục tư tưởng nên bị biến tướng, chuyển thành một môn khác. Trong khi lịch sử là bộ môn khoa học mà như nhiều người nói nó còn là nghệ thuật, văn học, văn hóa nữa.
Ngoài ra, không ít bài giảng về lịch sử nói riêng cũng như những môn khác đôi khi còn dễ dãi, không hấp dẫn, lặp đi lặp lại trong SGK. Những bài giảng như vậy không hấp dẫn học sinh, dẫn đến học sinh không yêu thích môn Lịch sử…
GS nhận định, để nâng cao trí tuệ, hiểu biết về lịch sử, dân tộc, việc đọc sách rất quan trọng. Chúng ta phải thừa nhận, văn hóa đọc là một bộ phận của văn minh đọc. Xã hội cổ truyền có đặc trưng làm kinh tế nông nghiệp, văn minh nông nghiệp, do đó văn hóa của một dân tộc làm nông nghiệp là cơ sở, là điều kiện, là môi trường để xuất hiện cái gọi là văn minh đọc, nghĩ. Nó bình thản, chậm rãi nhưng sâu sắc, chỉ tìm một chữ để viết thành một câu, rồi một câu đó trở thành một bộ phận của một tác phẩm.
Nhưng văn minh đọc của thời đại ngày nay (văn minh nghe và nhìn), đọc sách trở nên lạc lõng, gàn dở, cổ hủ, dẫn đến việc giới trẻ bây giờ đọc ít. GS Lê Văn Lan khẳng định: Đọc sách tuy là bộ phận của văn minh nghe nhìn nhưng nó vẫn có giá trị ở thời hiện đại và chắc chắn sẽ hỗ trợ nhiều hay ít tùy từng người cho việc con người thu thập, sử dụng thông tin và bày tỏ kiến thức của mình mà không cần lệ thuộc vào máy móc.
Chúng ta hay nói nhiều đến vấn đề đạo đức xuống cấp, rồi lối sống lệch lạc của con người trong cuộc sống hiện đại. Con người ngày càng thiên về lối sống chạy theo vật chất, thích hưởng thụ và điều này đã giúp văn minh nghe - nhìn thống lĩnh, đồng nghĩa với việc văn minh đọc - nghĩ cũng dần bị lãng quên. Nền văn minh nghe - nhìn làm con người dần trở nên thụ động trong suy nghĩ, chỉ có việc đọc và nghĩ mới giúp tạo nên tri thức, giúp con người chủ động hơn để biến những kiến thức trong sách vở thành tri thức của mình. - GS Sử học Lê Văn Lan