GS Trần Văn Thọ: 'Đô thị cứ phát triển, di sản hãy giữ lại'
Trong cuốn sách 'Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh', GS Trần Văn Thọ và nhiều chuyên gia đưa ra cuộc thảo luận cùng các trí thức trẻ để phát triển kinh tế một cách bền vững.
Theo GS Trần Văn Thọ, mục tiêu của Việt Nam để trở thành nước tiên tiến có thu nhập cao vào năm 2045 đang được rất nhiều người quan tâm, cả ở trong nước và thế giới.
Chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh (do GS Trần Văn Thọ và nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến chủ biên), diễn ra vào ngày 9/12 tại Đường sách TP.HCM, ông chia sẻ: “Có những vấn đề phải được mổ xẻ, phải được hiểu và thúc đẩy để quá trình đi đến mục tiêu đó diễn ra nhanh hơn. Thông điệp đầu tiên của cuốn sách là muốn bạn đọc hiểu một cách sâu sắc hơn về mục tiêu này, chứ không chỉ biết đến một cách mơ hồ”.
GS Trần Văn Thọ là tiến sĩ Kinh tế, giáo sư danh dự tại Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản, từng nhận được Huân chương Thụy bảo Tia Vàng của chính phủ Nhật Bản. Ông cũng từng là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Nguyễn Xuân Phúc. Hiện tại, ông là thành viên Hội đồng cố vấn Dự án Vietnam 2045 của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam.
Ông cho rằng quá trình thúc đẩy mục tiêu chung không chỉ là vấn đề của các nhà lãnh đạo và quan chức, mà tất cả tầng lớp xã hội cũng phải có tiếng nói trong đó. Vì vậy, mỗi người cần phải hiểu rõ và góp thêm ý kiến của mình trong việc đẩy nhanh quá trình phát triển.
Đồng chủ biên của cuốn sách là ông Trần Hữu Phúc Tiến, cựu nhà báo, hiện là chuyên gia tư vấn giáo dục và nghiên cứu lịch sử. Cũng trong buổi ra mắt sách, ông giải thích rằng chữ giàu ở đây không chỉ có nghĩa là tiền bạc. “Giàu ở đây còn có nghĩa là văn hóa và một điều rất quan trọng nữa là lý tưởng. Có thể chúng ta sẽ khác nhau nhiều về ý kiến nhưng chúng ta sẽ thống nhất làm sao cho đất nước giàu mạnh hơn”, ông nói.
Theo GS Trần Văn Thọ, vấn đề “nước mạnh” không đơn giản chỉ bao gồm năng lực quốc phòng, an ninh quốc gia, sức mạnh mềm (soft-power) và vị thế trên thế giới. Trong đó, sức mạnh kinh tế là quan trọng nhất vì kinh tế phát triển sẽ quyết định các mặt khác của một đất nước.
Thế hệ trẻ nắm giữ tương lai của đất nước
Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh tập trung vào những khía cạnh quan trọng của phát triển kinh tế và xã hội. Cuốn sách quy tụ một số lượng lớn các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực thuộc các độ tuổi khác nhau. Song, với văn phong của cuốn sách, cả GS Trần Văn Thọ và đồng chủ biên Trần Hữu Phúc Tiến thống nhất rằng cần phải được viết một cách dễ hiểu để có thể tiếp cận độc giả trẻ.
“Toàn thể tác giả hướng tới 2045, tức là 22 năm nữa. Cho nên viết cuốn sách này không chỉ viết cho những người ở tuổi 50 trở lên, mà chắc chắn phải gửi gắm cho những bạn sẽ là tuổi 50 của 20 năm nữa. 22 năm nữa đất nước này là của các bạn”, ông Trần Hữu Phúc Tiến chia sẻ.
Cuốn sách không chỉ công bố các kết quả nghiên cứu, những thảo luận trao đổi chuyên sâu và những thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam mà còn là một hành trình khám phá những cơ hội và thách thức mà đất nước đang đối mặt, cũng như những chiến lược và giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu "dân giàu, nước mạnh".
GS Trần Văn Thọ cho rằng thế hệ trẻ cần phải suy ngẫm về nhiều vấn đề như: Để đạt được mục tiêu trong khoảng 2 thập niên tới, Việt Nam cần chuẩn bị những gì? Cần đổi mới thể chế ở những lĩnh vực nào? Cần có chiến lược, chính sách cụ thể gì để kinh tế phát triển nhanh, bền vững và đạt lý tưởng công bằng?
Chính vì vậy, cuốn sách bắt đầu bằng việc đưa ra những góc nhìn sâu sắc về cải cách tổ chức nhà nước và quy trình lập chính sách và kết thúc bằng cách đặt ra những câu hỏi để độc giả suy nghĩ về một tương lai bền vững và xã hội công bằng. Các tác giả không chỉ đề cập đến những vấn đề như bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe và phát triển đô thị, mà còn đưa ra những giải pháp cụ thể và tiên đoán hứa hẹn cho tương lai.
“Những hình thái định cư và sinh hoạt truyền thống, thích nghi với điều kiện tự nhiên, thể hiện qua dấu ấn di sản của đô thị, kênh rạch, khu trung tâm thành phố và những cảnh quan văn hóa. Canh tác nông nghiệp trong chu kỳ thay đổi của những con nước phù sa hình thành kinh nghiệm của cư dân Nam Bộ… Mong là đô thị cứ phát triển, cứ đô thị hóa, công nghiệp hóa. Nhưng mà những nét đẹp, di sản này vẫn hãy giữ lại”, GS Trần Văn Thọ gợi ý.
Với 23 bài viết từ nhiều chuyên gia, cuốn sách mang lại cái nhìn đa chiều và toàn diện về thực tế kinh tế của Việt Nam và những thách thức đặt ra. Những giải pháp cụ thể và thiết thực sẽ là nguồn cảm hứng cho những người quan tâm đến sự phát triển bền vững và toàn diện của đất nước.