GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Nhà khoa học, nhà giáo, trí thức khoa học tiêu biểu
Vậy là người anh cả của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, đã ra đi vĩnh viễn.
Ba nhiệm kỳ là Chủ tịch Liên hiệp Hội (nhiệm kỳ I, II, III từ năm 1986 đến năm 2002), 3 nhiệm kỳ là Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội (nhiệm kỳ IV, V, VI từ năm 2002 đến năm 2018), và cho đến ngày qua đời, anh là Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Hội (nhiệm kỳ VII, 2019-2025), Chủ tịch Hội Hóa học TPHCM trực thuộc Liên hiệp Hội từ ngày đầu thành lập đến nay (từ năm 1986), Ủy viên Hội đồng Khoa học Thành phố từ năm 2016. Có thể nói, trên từng bước đường xây dựng và phát triển của Liên hiệp Hội, anh luôn là người đồng hành, gắn bó với những bộn bề lo toan công việc của Liên hiệp Hội nói riêng và việc tập hợp, phát huy đội ngũ trí thức thành phố nói chung.
Khắc ghi lời giao nhiệm vụ của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh tại Đại hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố lần thứ nhất: “Phát huy hơn nữa trí tuệ, chất xám của đội ngũ trí thức để tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị cao, phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của thành phố và cả nước. Trí thức phải học tập, học tập nữa, học tập mãi để cống hiến; không ngừng phấn đấu để luôn xứng đáng là người cán bộ, người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận khoa học và kỹ thuật - cái vốn quý của Đảng và Nhà nước ta, Nhân dân ta”, anh đã cùng tập thể Thường trực Liên hiệp Hội nhiều nhiệm kỳ đoàn kết, ra sức xây dựng Liên hiệp Hội vững mạnh, đóng góp tích cực trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức và tư vấn, giám định, phản biện xã hội.
Bằng những hiểu biết sâu của mình, anh đã có nhiều góp ý để tư vấn, phản biện cho thành phố. Người dân thành phố chắc chắn không thể quên những ý kiến sắc sảo của chuyên gia Chu Phạm Ngọc Sơn về các vấn đề sữa nhiễm melamin, chất 3-MCPD (3-monochloropropane-1, 2-diol) trong nước tương, thực phẩm nhiễm DEHP (Bis (2-ethylhexyl) phthalate), cá ba sa nhiễm chất diệt cỏ trifluralin, tôm nhiễm chất bảo quản ethoxyquin...; hay nghiên cứu chiết xuất tinh dầu lá trầu sử dụng cho các trường hợp bệnh tay chân miệng… Bề dày nghiên cứu của anh thể hiện qua việc công bố hơn 200 báo cáo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, có 5 công trình được đưa vào sản xuất, nhiều giáo trình, chuyên luận về hóa học đại cương và nhiệt động hóa học được xuất bản.
Trên cương vị người thầy, dù công việc bận rộn, tham gia hội họp, đóng góp trí tuệ cho các tổ chức mà anh vinh dự được cử tham gia như Quốc hội, HĐND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, anh vẫn dành thời gian đứng trên bục giảng, trong phòng thí nghiệm, bản thân không ngừng tự trau dồi kiến thức, hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh, tham dự và đọc báo cáo ở một số hội nghị về hóa học trong và ngoài nước. Anh từng tâm sự: “Những điều tôi muốn gửi gắm đến các học trò của tôi và nếu được phép thì đến đội ngũ khoa học trẻ Việt Nam chỉ vỏn vẹn trong các cụm từ sau đây: trọng thầy, thương trò, đam mê nghiên cứu, giảng dạy, gắn bó với đất nước”. Anh xem việc truyền đạt kiến thức chuyên môn cho học trò, phổ biến tri thức khoa học cho cộng đồng là sự đam mê khát khao cống hiến, vừa là thiên chức thiêng liêng của một trí thức, vừa là trách nhiệm cần thực hiện của người đi trước đối với thế hệ tiếp theo.
Sinh thời, anh luôn có mối suy tư, làm thế nào để khoa học phải gắn bó với đời sống thực tế, sản xuất; người trí thức khoa học không chỉ thể hiện bằng các công trình được công bố trên tạp chí, mà các nghiên cứu phải thực sự phục vụ hiệu quả cho người dân. Ngay trong những góp ý cho thành phố, anh cũng thường tập trung vào việc áp dụng các thành tựu tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển lớn của thành phố, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao; hỗ trợ kiểm tra chất lượng hàng hóa, thực phẩm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đó là những vấn đề rất gần gũi để đảm bảo an sinh xã hội phục vụ người dân.
Anh đã dành gần hết cuộc đời để lao động miệt mài, cống hiến cho nền khoa học và sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà. Dấu ấn mà anh để lại là đức tính nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, những công trình mang tính ứng dụng cao, và bên cạnh đó là phong cách rất đỗi giản dị, gần gũi.
GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn là nhà khoa học của dân, người thầy của nhiều thế hệ thầy và trò, người anh đáng kính của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM. Kể từ rạng sáng 11-8-2024, khi trái tim nhiệt huyết của anh ngừng đập, chúng tôi biết rằng đây là lần chia tay vĩnh viễn. Sẽ không còn bóng dáng người anh thân thương thường xuyên lui tới trụ sở Liên hiệp Hội để cho chúng tôi những đóng góp chân tình, sẽ không còn được cùng anh chia sẻ nỗi lo toan về những khó khăn chung của thành phố, những giải pháp để hoạt động Liên hiệp Hội ngày càng hiệu quả hơn.
Vĩnh biệt anh, nhưng chúng tôi xin tiếp nhận để thực hiện những việc anh làm còn dang dở với tâm niệm sẽ làm thật tốt, mong anh hãy an lòng.