GS.TS Đặng Thị Kim Chi: 'Phụ nữ làm khoa học khó gấp bội lần'

GS.TS Đặng Thị Kim Chi chia sẻ, nam giới làm khoa học đã khó, phụ nữ làm khoa học còn khó gấp bội lần, vì vừa phải cân bằng hạnh phúc gia đình và vượt 'định kiến' xã hội.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi nêu thực tế, nhiều nữ chủ nhiệm đề tài gặp khó khăn khi triển khai kết quả đề tài vào thực tế địa phương vì tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn rải rác… “Nhiều người nhìn chúng tôi bằng ánh mắt hoài nghi: “Nữ mà làm được như vậy cũng là khá đấy”, mặc dù kết quả nghiên cứu được đánh giá xuất sắc ở cấp Bộ”, GS.TS Kim Chi nói.

 GS.TS Đặng Thị Kim Chi chia sẻ, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn rải rác. Nhiều người nhìn công trình của nhà khoa học nữ bằng ánh mắt hoài nghi: “Nữ mà làm được như vậy cũng là khá đấy”. Ảnh: Mai Loan.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi chia sẻ, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn rải rác. Nhiều người nhìn công trình của nhà khoa học nữ bằng ánh mắt hoài nghi: “Nữ mà làm được như vậy cũng là khá đấy”. Ảnh: Mai Loan.

Người đặt nền móng phát triển ngành khoa học công nghệ môi trường

GS.TS Đặng Thị Kim Chi sinh năm 1949. Bà là con gái út của Giáo sư - Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ (được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên năm 1996). Sự cần mẫn, cống hiến cho khoa học của người cha đã có ảnh hưởng rất lớn tới con đường nghiên cứu khoa học của bà sau này.

Năm 1971, GS.TS Đặng Thị Kim Chi tốt nghiệp Khoa Hóa - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với tấm bằng loại ưu, được giữ lại làm giảng viên của trường. Năm 1978, bà được trường ĐH Bách khoa Hà Nội cử đi nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Dân chủ Đức, chuyên ngành Kỹ thuật bảo vệ môi trường.

Năm 1983, về Việt Nam, bà tiếp tục làm giảng viên tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Bà cùng với 5 cán bộ thành lập nhóm nghiên cứu về Kỹ thuật Bảo vệ môi trường - Bộ môn Kỹ thuật Môi trường. Năm 1994, nhóm nghiên cứu đã phát triển thành Trung tâm khoa học và Công nghệ Môi trường và năm 1998 thành Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (bà là Phó Viện trưởng).

GS.TS Đặng Thị Kim Chi được coi là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển ngành khoa học công nghệ môi trường ở Việt Nam. Bà cũng là nhà khoa học đi tiên phong trong việc nghiên cứu và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề môi trường tại các làng nghề.

Trong suốt cuộc đời làm khoa học, bà đã chủ trì và tham gia 48 đề tài dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp liên quan đến Khoa học và Công nghệ môi trường. Trong đó có 6 đề tài Khoa học và Công nghệ cấp nhà nước và 42 đề tài dự án nhiệm vụ khoa học cấp bộ, tỉnh thành phố hoặc tương đương. Bà cũng công bố 80 công trình trên các tạp chí và Hội thảo Khoa học trong nước, quốc tế.

Hiện nay, dù đã ngoài 70 tuổi, GS.TS Kim Chi vẫn tiếp tục nghiên cứu, trăn trở các công trình liên quan đến xử lý vấn đề môi trường.

“Là nữ mà làm được như vậy cũng là khá đấy”

GS.TS Đặng Thị Kim Chi chia sẻ, nghiên cứu khoa học và công nghệ là hoạt động rất vất vả, bởi không phải nghiên cứu nào cũng thành công, đòi hỏi phải có kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực nghiên cứu.

 GS.TS Đặng Thị Kim Chi kiểm tra thiết bị hấp thụ để đo mức độ ảnh hưởng tới môi trường từ các làng nghề. Ảnh: NVCC.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi kiểm tra thiết bị hấp thụ để đo mức độ ảnh hưởng tới môi trường từ các làng nghề. Ảnh: NVCC.

Đặc biệt, lĩnh vực Khoa học và Công nghệ Môi trường có tính chất đa ngành rất rõ rệt, yêu cầu có kiến thức liên quan đến khoa học tự nhiên như hóa học, sinh học, vật lý, toán học và cả địa chất và cả kiến thức về xã hội nhân văn… Bởi đó là khoa học công nghệ vì sự an toàn của môi trường sống, các kết quả nghiên cứu nhằm phục vụ trực tiếp đến đời sống con người (phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường khí, nước, đất và an toàn thực phẩm…).

Điều đó cũng đòi hỏi các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ môi trường phải có sự kết nối của nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau, khả năng tập hợp được các nhà khoa học và cộng đồng cùng hướng về mục đích nghiên cứu, các kiến thức về khoa học đồng thời phải đi cùng với kiến thức thực tiễn.

Tuy nhiên, đối với phụ nữ, việc đi thực tiễn, lăn lộn như nam giới đôi khi bị hạn chế, cản trở. Ngoài ra, với tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhiều người không tin tưởng nhà khoa học nữ có thể làm được những kết quả nghiên cứu như vậy.

“Không ít nữ chủ nhiệm đề tài gặp khó khăn khi đi liên hệ triển khai kết quả của đề tài vào thực tế ở một số địa phương vì nhận thức trọng nam khinh nữ, sự thiếu tin tưởng các nhà khoa học là nữ ở Việt nam… Nhiều người nhìn chúng tôi bằng ánh mắt hoài nghi: Nữ mà làm được như vậy cũng là khá đấy, mặc dù kết quả được đánh giá xuất sắc ở cấp Bộ. Bảo họ làm theo thì họ bảo còn suy nghĩ đã”, GS.TS Kim Chi chia sẻ.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho hay, nam giới làm khoa học đã khó, phụ nữ lại khó gấp bội lần. Nhất là trong việc làm sao giữ được hạnh phúc gia đình cùng với niềm đam mê khoa học của mình đòi hỏi phải có sự cân bằng.

Khi GS.TS Kim Chi sang Đức tu nghiệp, con trai bà mới lên 5. Khi bà trở về nước, con trai đã lên 9 tuổi. Từ những trải nghiệm bản thân, bà thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của những nhà khoa học nữ. “Không một phụ nữ nào lại muốn đánh đổi hạnh phúc, sự bình yên của gia đình mình vì các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ môi trường và ngược lại …Vậy phải làm thế nào? Cần có sự động viên khuyến khích tạo điều kiện cho các cán bộ khoa học nữ tham gia nghiên cứu khoa học”, bà nói.

Đừng vì phát triển kinh tế mà quên bảo vệ môi trường

GS.TS Đặng Thị Kim Chi chia sẻ câu chuyện, bản thân bà có công trình, đề tài, mà kết quả được xây dựng thành mô hình thử nghiệm. Nhưng 1 năm sau bà quay về thì mô hình thử nghiệm không được duy trì nữa.

 GS.TS Đặng Thị Kim Chi đi thực tế tại mỏ vàng Phước Sơn. Ảnh: NVCC.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi đi thực tế tại mỏ vàng Phước Sơn. Ảnh: NVCC.

“Khi tôi hỏi thì nhận được câu trả lời: Nếu nhà khác không làm, chỉ riêng nhà em làm thì một tháng mất 300.000 đồng tiền điện để xử lý nên không làm nữa. Mà vận động các nhà khác thì họ bảo không làm cũng không bị phạt nên thôi. Như vậy, chúng ta còn vướng rất nhiều cơ chế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”, GS.TS Kim Chi nói.

Theo GS.TS Kim Chi, không thể nào chỉ phát triển kinh tế mà quên trách nhiệm đối với môi trường. Chúng ta cần có chính sách và biện pháp khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường gắn với yêu cầu về phát triển bền vững, áp dụng thành công và hiệu quả kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Chúng ta cần tăng mức đầu tư và ưu tiên cho các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia, cấp bộ, ngành, các tỉnh thành phố đông dân. Có thể đẩy mạnh xã hội hóa huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho các nghiên cứu khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường.

Đối với các nhà khoa học nữ, cần tạo điều kiện cho họ tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường. Tăng cường hợp tác quốc tế để các nhà khoa học nữ có điều kiện trao đổi học tập kinh nghiệm định hướng cho các nghiên cứu mới phục vụ Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Các hội, ngành, như Hội Nữ trí thức cần hỗ trợ tổ chức các hoạt động giữa các nữ trí thức, các nhà khoa học nữ nhằm trao đổi kinh nghiệm, bố trí hài hòa thời gian cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và công việc gia đình chăm sóc chồng con để có thể tròn trách nhiệm với tình yêu gia đình và tình yêu khoa học.

Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về niềm tự hào, hạnh phúc nhất khi là một cô giáo. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/gsts-dang-thi-kim-chi-phu-nu-lam-khoa-hoc-kho-gap-boi-lan-1887621.html