GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Người mang niềm vui cho nhiều gia đình hiếm muộn

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế được ví có đôi bàn tay 'vàng' vì đã mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho rất nhiều gia đình hiếm muộn.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở làng quê Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), từ nhỏ cậu học trò Viết Tiến đã nỗ lực vượt khó để thi tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội. Trúng tuyển vào trường, Bác sĩ Nguyễn Viết Tiến khi đó đã quyết định chọn sản khoa là bến đỗ cho tương lai của mình.

Cũng từ cái duyên đó, sau này Việt Nam chúng ta mới có được một vị bác sĩ tài giỏi, trọn cuộc đời cống hiến cho y học nước nhà, mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho biết bao gia đình hiếm muộn. GS.TS Nguyễn Viết Tiến còn được bệnh nhân gọi bằng một cái tên khác “người bác sĩ có bàn tay vàng”.

 GS.TS Nguyễn Viết Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế

GS.TS Nguyễn Viết Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế

Để hiểu thêm về cái tên “người bác sĩ có bàn tay vàng”, PV Gia đình Việt Nam đã có buổi trò chuyện cùng đôi vợ chồng hiếm muộn ở thị trấn Cát Bà (Hải Phòng). Bà S. - 51 tuổi, quê ở TT. Cát Bà cho biết: “Để nói về câu chuyện với bác sĩ Tiến thì không cảm xúc nào diễn tả được, vợ chồng chúng tôi đã từng mất hàng chục năm để chạy chữa mong có được đứa con đầu đời nhưng không thành. Do tôi không có trứng nên việc có con đối với tôi dường như tuyệt vọng, nhưng đến năm 2001 vợ chồng tôi có duyên gặp bác sĩ Tiến thì tôi đã nuôi hy vọng trở lại”.

Người vợ vừa dứt lời ông N. - 57 tuổi (chồng bà S.) chia sẻ: “Nhờ bàn tay vàng của bác sĩ Tiến vợ chồng chúng tôi như được hồi xuân khi nhận tin vui. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao lúc đó lại nói bác sĩ Tiến có đôi bàn tay vàng, nhưng tôi cảm nhận được rất rõ sự quan tâm, chăm sóc, đặc biệt là trình độ chuyên môn giỏi của bác sĩ Tiến. Con trai tôi năm nay đã lớn rồi, tất cả nhờ vào bác sĩ Tiến”.

Đối với vợ chồng hiếm muộn, bác sĩ Tiến không khác gì vị “cứu tinh” đối với cuộc đời họ. Ngoài hoạt động trong lĩnh vực Y tế, bác sĩ Tiến còn được biết là người thầy giáo giỏi khi còn tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến tâm sự: “Tôi còn nhớ trường hợp điều trị thành công bệnh hiếm muộn gần đây là đôi vợ chồng ở Hà Nội, họ cưới nhau đến 21 năm rồi mà không có con. Người vợ đã chữa chạy khắp nơi nhưng vẫn không có kết quả. Sau khi nghe thông tin tôi đã cầm điện thoại lên và gọi ngay cho người vợ và bảo không được bỏ cuộc. Tiếp xúc với 2 vợ chồng này tôi cảm thấy được ước muốn có con của họ lớn vô cùng nên tôi đã nỗ lực tìm các phương pháp điều trị phù hợp, đến nay họ đã được đón đứa con đầu lòng chào đời”.

Khi phóng viên nhắc đến trường hợp của vợ chồng bà S. ở Cát Bà (Hải Phòng), GS.TS Nguyễn Viết Tiến nở một nụ cười hạnh phúc và nói: “Đây là tấm gương về lòng tin cho những gia đình hiếm muộn ở Việt Nam”.

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến để chữa trị bệnh hiếm muộn cần hiểu được từng chi tiết của người bệnh: Phải xét nghiệm, nghiên cứu những kỹ thuật mà người ta đã từng làm cho bệnh nhân, các loại thuốc bệnh nhân từng sử dụng, liều lượng, kết quả được bao nhiêu trứng, bao nhiêu phôi... từ đó mới tính toán được nên dùng kỹ thuật nào cho phù hợp với cơ địa của người bệnh.

Không những nổi tiếng trong phẫu thuật sản khoa, GS.TS Nguyễn Viết Tiến còn giỏi về chuyên môn thụ tinh trong ống nghiệm cho các cặp vợ chồng vô sinh. Lúc còn ở cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế ông đã phải hạ bút ký giấy cho khá nhiều cặp vợ chồng được làm thụ tinh trong ống nghiệm dù trong túi họ không có một đồng nào.

Đằng sau tướng mạo ung dung, tự tại mà chúng ta thường hay biết về GS.TS Nguyễn Viết Tiến thì ít ai biết về sự tất bật trong công việc của ông. Có lẽ với GS.TS Nguyễn Viết Tiến 24 giờ mỗi ngày là không đủ để ông vừa quản lý, vừa làm công việc chuyên môn, đào tạo, nghiên cứu khoa học,…

Cũng vì điều đó mà gần hai mươi năm nay, từ ngày ông bén duyên với công nghệ y học về thụ tinh trong ống nghiệm, không ngày nào GS.TS Nguyễn Viết Tiến bước chân về nhà trước 23 giờ khuya. Ông ít được ăn tối ở nhà, những bữa tối quây quần với gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Tất cả những buổi tiếp xúc với bệnh nhân bác sĩ Tiến đều rất nhẹ nhàng. Tôi không thấy Bác sĩ Tiến cáu gắt cho dù bận như thế nào. Giọng nói bác sĩ luôn truyền cảm, ấm áp như người thầy giáo đang giảng bài trên bục giảng. Đây là điều mà chúng tôi cần phải học hỏi ở bác sĩ Tiến. Hình ảnh đi sớm về muộn của bác đã rất quen thuộc đối với chúng tôi” - Một vị bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Thiên An cho biết.

Năm 2002 sau khi hoàn thành xong chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi sản khoa và kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Mỹ, bác sĩ Tiến đã bắt tay ngay vào việc triển khai phục vụ bệnh nhân hiếm muộn tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Đây là lý do ra đời Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia mà tiền thân là đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản thuộc khoa phụ II, Bệnh viện Phụ sản Trung ương do bác sĩ Tiến làm giám đốc. Cũng bắt đầu từ đó, những ca thụ tinh thành công trong ống nghiệm đã tạo niềm hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn ở Việt Nam.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/gsts-nguyen-viet-tien-nguoi-mang-niem-vui-cho-nhieu-gia-dinh-hiem-muon-d167040.html