GS.TS NGUYỄN XUÂN THẮNG - GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HCM: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG TRONG BỐI CẢNH MỚI

Sáng ngày 18/9, phát biểu đề dẫn, gợi ý một số nội dung trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị các đại biểu và các nhà khoa học thảo luận, đóng góp ý kiến quý báu để giúp nền kinh tế Việt Nam ứng phó tốt với những thay đổi đang diễn ra rất nhanh, bảo đảm ổn định vĩ mô, tìm ra những động lực và nguồn lực mới để phát triển nhanh và bền vững trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Diễn đàn Kinh tế - Xã hội của Quốc hội năm 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” là dịp để các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách cùng các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi tìm kiếm các giải pháp tiếp tục duy trì ổn định, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Chúng ta đang đứng trước tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh, nhiều biến động, bất ổn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo. Tuy đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đa số nước đã nới lỏng các quy định phòng, chống dịch song trên thực tế, dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, hệ lụy đối với các mặt đời sống xã hội còn nặng nề. Đặc biệt, môi trường phát triển và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới thật sự đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cuộc xung đột Nga-Ucraina đã tạo ra cú sốc địa - chính trị sâu rộng, đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng. Giá năng lượng tăng vọt, lạm phát chi phí đẩy trên toàn cầu. Một số quốc gia, khu vực đã xuất hiện tình trạng “siêu lạm phát”, chứng kiến chỉ số CPI tăng cao nhất trong nhiều thập niên. Nguy cơ “vừa lạm phát, vừa đình trệ” đang diễn ra, với biểu hiện rõ nét là tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, xuất hiện những cảnh báo về một “siêu chu kỳ vĩ mô” mới đầy thách thức: lạm phát cao hơn, thâm hụt lớn hơn, biến động vĩ mô mạnh hơn và chu kỳ kinh tế diễn ra nhanh hơn. Thị trường tài chính, thương mại và đầu tư toàn cầu đang chuyển sang một trạng thái mới với hai đặc trưng lớn: thời kỳ lãi suất thấp đã qua và thời kỳ đồng đô- la mạnh đã tới. Nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng hơn, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết và thiên tai khắc nghiệt,…đang hiện hữu rất quan ngại ở nhiều nước.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn, gợi ý một số nội dung trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn, gợi ý một số nội dung trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, điều hết sức đặc biệt là, ngược dòng bên ngoài, kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh và trong gần 9 tháng qua tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng rất khả quan, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát có hiệu quả lạm phát, về cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn và được dự báo có mức tăng trưởng lạc quan 7,5% trong năm 2022. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Trước những biến động khó lường cả về kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới, nếu không có sự chuẩn bị để ứng phó kịp thời, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có nguy cơ gặp nhiều khó khăn như đã diễn ra cách đây hơn 10 năm, thậm chí nghiêm trọng hơn sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009.

Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Từ những phân tích trên, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Cụ thể:

(1)- Về xuất khẩu. Sức ép lạm phát chi phí đẩy có xu hướng giảm nhờ giảm giá dầu thô và giá các đầu vào chiến lược của nền kinh tế, nên giá các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có dự địa để nâng cao khả năng cạnh tranh. Mặc dù đạt được kết quả tích cực trong những tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm tốc do suy giảm kinh tế của các đối tác nhập khẩu chính, nhất là ba nền kinh tế lớn – Mỹ, EU và Trung Quốc.

(2)- Về đầu tư. Tuy chiếm tỷ lệ không quá cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng vốn đầu tư công lại có vai trò rất quan trọng, là nguồn vốn “mồi” để dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và các dòng vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tạo ra những hệ lụy dây chuyền, đang ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Khó khăn sẽ gia tăng nếu dòng vốn đầu tư gián tiếp đảo chiều nhanh chóng khi mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng mạnh.

(3)- Về tiêu dùng trong nước. Đây là động lực có nhiều tiềm năng và đang tỏ ra vững vàng nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Cầu nội địa đã phục hồi rất mạnh nhờ việc khắc phục được cơ bản các đứt gãy của nền kinh tế trong nước và nhờ kết quả triển khai Chương trình Phục hồi kinh tế - xã hội. Đây là gói kích thích kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mức sống, an sinh xã hội, giữ vững niềm tin. Trong ngắn hạn, sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành dịch vụ hướng nội (du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, nhất là hàng không…) đang tạo nền tảng tăng trưởng khá vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam.

n định kinh tế vĩ mô, ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi nhanh chóng là chìa khóa để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục “lội ngược dòng” thành công.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: n định kinh tế vĩ mô, đồng thời ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi nhanh chóng là chìa khóa để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục “lội ngược dòng” thành công và duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động. Thực tiễn trước đây đã chứng tỏ rằng, chỉ khi các chỉ số vĩ mô được giữ ổn định, nền kinh tế mới hội đủ năng lực chống chịu, có dư địa để chủ động ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất ngờ và phục hồi nhanh chóng sau các biến động đó.

Đối với chính sách tiền tệ, lạm phát hiện nay vẫn đang ở mức thấp. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", các ngân hàng thương mại vẫn duy trì mức chênh lệch vừa phải giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tỷ giá Việt Nam đồng so với đồng Đô-la Mỹ đang chịu nhiều sức ép do xuất khẩu có thể giảm tốc. Lãi suất trong nước cũng có thể sẽ tăng lên trước áp lực tăng lãi suất trên toàn cầu. Các thị trường tài sản như chứng khoán và đặc biệt là bất động sản cần thích ứng với mặt bằng lãi suất mới. Các doanh nghiệp lớn sử dụng đòn bẩy tài chính cao (có tỷ lệ vay vốn cao) từng được hưởng lợi khi lãi suất thấp trong hai năm đại dịch vừa qua, cần thích ứng với việc mặt bằng lãi suất tăng, dòng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, huy động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn hơn (do các quy định chặt chẽ) trong khi một khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2022-2024.

Đối với chính sách tài khóa, thu ngân sách năm 2021 không bị ảnh hưởng nhiều và vẫn đạt dự toán; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước/GDP năm 2021 được giữ ở mức khoảng 4%; tỷ lệ nợ công/GDP năm 2021 giảm xuống còn trên 43%, thấp hơn nhiều mức trần dưới 60% GDP Quốc hội cho phép; và nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách tuy có tăng so với năm 2020 nhưng vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Tuy nhiên, cũng cần tính đến rủi ro bên ngoài có thể tác động xấu đến tăng trưởng làm giảm nguồn thu và tăng chi ngân sách nhà nước.

Đối với quản lý, điều hành giá cả thị trường, cần hết sức chú trọng quản lý giá nhiều mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, theo đó tác động rất lớn tới ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là kiềm chế lạm phát. Cần giải quyết căn cơ, đồng bộ ở cả 3 khâu: sản xuất, nhập khẩu và phân phối, kết hợp với hỗ trợ bình ổn giá cả thị trường. Xử lý của Việt Nam trong cơn chấn động giá xăng dầu vừa qua trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới rơi vào khủng hoảng là bài học kinh nghiệm quý về việc quản lý giá cả theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát, điều tiết hợp lý của Nhà nước để bảo đảm ổn định vĩ mô, không để ảnh hưởng tới sản xuất, an sinh xã hội.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhìn ở góc độ tổng thể với tầm bao quát dài hạn hơn, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay quản lý giá cả, mà còn nằm ở việc tháo gỡ những điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành thông suốt, các doanh nghiệp tự tin đưa ra các quyết định kinh doanh và đầu tư, khơi thông dòng chảy trên thị trường và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội.

Tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công liên tục chậm là câu chuyện “dài nhiều kỳ” về sự lãng phí, có tiền mà không tiêu được, có nguyên nhân quan trọng là chưa tháo gỡ được các nút thắt về cơ chế, chính sách, nhất là các thủ tục về giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực thật sự và sự thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm…trong việc triển khai các dự án lớn.

Hoạt động của thị trường tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán hiện nay còn nhiều rủi ro bởi thiếu vắng sự giám sát an toàn hệ thống, về sở hữu chéo, về giao dịch thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật … Lĩnh vực bất động sản vẫn tồn tại những bất cập liên quan đến các quy định về xác định giá đất, đấu giá đất, đấu thầu dự án, về quản lý loại hình bất động sản hỗn hợp, về quy trình, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư và triển khai các dự án, chính sách hỗ trợ cân đối nguồn cung về nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, v.v.

Toàn cảnh Phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022.

Toàn cảnh Phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022.

Mục tiêu phát triển thị trường lao động – việc làm đồng bộ, hiện đại và thông suốt cần được thực hiện tích cực hơn nữa. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đảm đương tốt vai trò bảo vệ người lao động trước các cú sốc kinh tế và phi kinh tế. Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động - việc làm, đưa hoạt động đào tạo nghề phát triển về chất giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: Khắc phục những điểm nghẽn nói trên là điều kiện quan trọng để mở rộng dư địa chính sách, gia tăng tính chủ động trong điều hành kinh tế vĩ mô, giải phóng các nguồn lực, đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục lộ trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững. Đó là: (i) chuyển đổi từ nâu sang xanh, trong có việc chuyển dịch năng lượng trong khi vẫn phải đảm bảo an ninh năng lượng; (ii) thực hiện cải cách tiền lương, tăng thu nhập và các khoản phúc lợi cho người lao động trong khi lực lượng lao động đã tăng chậm lại đáng kể; và (iii) tiếp tục thực hiện các đột phá về hạ tầng, chuyển đổi số, xã hội số...

Gỉai phóng các nguồn lực, mở rộng các động lực tăng trưởng trong nước để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh rằng, giải phóng các nguồn lực và mở rộng các động lực tăng trưởng trong nước cần trở thành cách tiếp cận mới để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, có nhiều tác động tiêu cực, khó lường. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đã nêu 3 vấn đề nổi bật cần tiếp tục tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn, nhằm đưa ra những giải pháp để kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển:

(1)- Tiếp tục cải cách thể chế, tập trung vào 3 điểm đột phá. Đó là hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp luật về quản lý đất đai, nhất là các quy định liên quan đến công tác định giá, đấu giá đất và phát triển thị trường bất động sản để khai thác hiệu quả nguồn lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện cơ chế đối tác công tư để phát huy vai trò của nền kinh tế tư nhân và tăng cường phân cấp, phân quyền, giao các địa phương có đủ điều kiện chủ động thực hiện các dự án đầu tư, tháo gỡ vướng mắc vè thủ tục, quy định để các địa phương sớm triển khai, hoàn thành các dự án trọng điểm, như sân bay, cảng biển, các công trình hạ tầng khác.

(2)- Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, mở rộng sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội sau đại dịch. Triển khai có hiệu quả gói phục hồi kinh tế-xã hội, tập trung vào các lĩnh vực cấp bách và có khả năng hấp thụ tốt nhanh và lan tỏa tốt, như chi cho đầu tư hạ tầng đã hoàn thành cơ bản các thủ tục, nhất là các dự án có tính liên vùng, các chương trình trợ cấp, hỗ trợ người lao động.

(3)- Mở rộng không gian phát triển bên trong nền kinh tế, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ và mở ra một không gian mới, động lực mới cho sự phát triển vùng, các địa phương trong vùng và nền kinh tế quốc gia. Đặc biệt, ưu tiên tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai đầu tàu kinh tế của cả nước gắn liền với các vùng xung quanh như: Vùng Thủ đô Hà Nội - Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng TP. Hồ Chí Minh – Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam Bộ. Chú trọng mở ra một số tuyến và điểm đột phá phát triển như các tuyến hành lang kinh tế dọc các trục giao thông, tuyến cao tốc, các khu kinh tế cửa khẩu…

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị các đại biểu và các nhà khoa học phát biểu trên tinh thần trách nhiệm, trao đổi thẳng thắn, cung cấp luận cứ khoa học thực tiễn, kiến nghị, đề xuất cho Quốc hội, Chính phủ đưa ra các quyết sách quan trọng nhằm củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, ứng phó tốt với những thay đổi đang diễn ra rất nhanh, bảo đảm ổn định vĩ mô, tìm ra những động lực và nguồn lực mới để phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội Việt Nam, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cao nhất trong năm 2022, tạo tiền đề để bước sang năm bản lề 2023 nhằm bứt phá, thực hiện thắng lợi kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.

Lan Hương - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=68539