GS.TS Trần Văn Chứ: Mấu chốt phải kiểm soát được chất lượng đào tạo y và sư phạm
Ngành y và ngành sư phạm là hai ngành quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Phải có chính sách hỗ trợ để đảm bảo chất lượng đào tạo của hai nhóm ngành này. Đó là chia sẻ của GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp khi trao đổi về vấn đề giáo dục đại học hiện nay.
Theo GS. Trần Văn Chứ, chất lượng giáo dục ĐH là tổng hòa của nhiều yếu tố. Từ người thầy, người học, đến cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ cho công tác giảng dạy. Đầu tiên, muốn chất lượng tốt thì đội ngũ giảng viên phải có chất lượng.
Chất lượng đội ngũ được thể hiện ở 3 yếu tố: tâm – đức – năng lực. Nhưng để đạt được điều này, phải đảm bảo được đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ giảng viên, đội ngũ phục vụ. Cha ông ta vẫn nói “có thực mới vực được đạo”.
Trong bối cảnh thực tế, nhà nước chưa thể hỗ trợ được nguồn lực cho các trường, các trường công lập đang trả lương cho đội ngũ giảng viên theo quy định ngạch bậc, trong khi trường ngoài công lập được trả lương theo khối lượng công việc. Tuy vậy, vẫn có nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập cho giảng viên, điều này, GS. Trần Văn Chứ cho rằng phụ thuộc lớn vào sự năng động của từng trường.
Nhưng quan trọng hơn cả, đó là tạo ra môi trường giáo dục thông thoáng để đội ngũ nhà giáo phát triển tài năng, giảng viên cảm thấy hứng thú khi dạy học. “Vật chất có thể không bằng nhưng phải có được môi trường giáo dục thúc đẩy nhà giáo phát huy năng lực”, GS. Trần Văn Chứ nói.
Bên cạnh đó, yếu tố người học cũng quyết định chất lượng nguồn nhân lực sau này. Đầu vào có tốt thì việc chuyển tải kiến thức của các trường đến người học sẽ hiệu quả hơn. Ngay từ bây giờ, GS.Trần Văn Chứ đề nghị Bộ GD&ĐT cũng cần cân nhắc khống chế chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ của các trường. Nên có chính sách để phân luồng một cách triệt để sau khi tốt nghiệp THPT để tránh lãng phí nguồn lực vật chất và thời gian của xã hội.
“Kiểm soát” được chất lượng sư phạm, y tế
GS. Trần Văn Chứ cũng cho hay ngành y và ngành sư phạm là hai ngành quan trọng nhất của mỗi đất nước. Phải có chính sách hỗ trợ hoặc đảm bảo chất lượng. Cần phải có chính sách, đầu tư nguồn lực để tạo điều kiện cho sinh viên học được thực hành tiếp cận trang thiết bị máy móc hiện đại, tiếp nhận được kiến thức chất lượng ngay từ đầu.
Nhà nước cần kiểm soát được chất lượng của 2 ngành này. Bởi vì, y tế là để đảm bảo sức khỏe cho con người, còn sư phạm, đó là bộ máy cái để đào tạo nên con người. Là người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH có trường phổ thông nên GS. Trần Văn Chứ hiểu rất rõ vấn đề này. Ông cho rằng chất lượng giáo dục phổ thông như thế nào của mỗi quốc gia đều phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ sinh viên sư phạm ra trường.
Hiện nay, chính sách hỗ trợ học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm chưa đủ hấp dẫn để thu hút người giỏi vào học sư phạm. Vì vấn đề vị trí việc làm, thu nhập sau khi tốt nghiệp của nhà giáo đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. Tại sao giáo viên phải dạy thêm? Câu hỏi này không khó để trả lời. Sự cào bằng trong đánh giá giáo viên cũng đang là rào cản để các nhà giáo có tâm, có tầm phấn đấu. Bởi họ không có động lực khi những đánh giá giáo viên hiện nay không đi kèm với chính sách khuyến khích giáo viên giỏi phát huy năng lực của mình.
Kính mời bạn đọc góp ý, hiến kế, nêu các ý tưởng đề xuất về cải cách giáo dục, những tâm tư gửi gắm đến Tân Bộ trưởng Giáo dục với mong muốn đổi mới, thúc đẩy sự phát triển cho ngành giáo dục nước nhà. Mọi thông tin xin gửi về hộp thư: http://www.online@baotienphong.com.vn.