GS-TS Võ Tòng Xuân: 'Nên nhập Tết cổ truyền vào tết Tây cho phù hợp xu hướng'
Chỉ còn 3 tuần nữa không khí Tết náo nức khắp mọi nơi. Một lần nữa, Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân giữ quan điểm nhập Tết cổ truyền vào Tết dương lịch theo xu hướng phát triển của xã hội. Ông đã dành cho báo điện tử Petrotimes một cuộc phỏng vấn độc quyền về vấn đề gây tranh luận sôi nổi này.
Thưa GS-TS Võ Tòng Xuân! Những năm trước, ông từng lên tiếng kêu gọi bỏ Tết nguyên đán, nhập vào Tết dương lịch, ý kiến của Giáo sư bị khá nhiều người phản đối gay gắt. Chỉ còn vài ngày nữa lại đến Tết cổ truyền, nay Giáo sư còn tiếp tục giữ quan điểm của mình?
Vâng, cách đây 14 năm, tôi có chia sẻ vấn đề này trên một tờ báo. Đề xuất của tôi đã làm bùng nổ một làn sóng tranh luận rất sôi nổi. Đông đảo người Việt của chúng ta ở trong nước cũng như ở hải ngoại rất phẫn nộ, nhưng cũng có không ít người hoan nghênh.
Tổng hợp lại sau đó, số người không đồng ý chiếm đa số. Các năm kế tiếp người Việt ta vẫn còn tranh luận dữ dội nhưng phần phản đối dường như ngày càng ít hơn.
Đề xuất của tôi không gì mới lạ đối với các quốc gia chung quanh ta. Tôi nghĩ đó là xu hướng tất yếu.
Vẫn tiếp tục giữ quan điểm bỏ Tết, Giáo sư có thể giải thích lý do?
Vì dân tộc các nước giàu có phải làm việc rất tích cực để không bỏ lỡ cơ hội thu nhập cao. Thậm chí như Singapore là quốc gia có đa số là người Tàu, ngày nghỉ Tết âm lịch chính thức của họ chỉ là mùng Một và mùng Hai, các công sở đều đi làm lại từ mùng Ba. Nếu năm nào ngày mùng Một rơi vào Thứ bảy hay Chủ nhật thì công sở được nghỉ thêm một ngày.
Cá biệt có những người Singapore “ăn Tết” quá 2 ngày là những người làm nghề thương mại, biểu diễn lễ hội, buôn bán. Thành phần này ăn tết kéo dài hơn đa số là để thu hút du khách đến xài tiền, để họ có cơ hội thu lợi nhuận.
Dân tộc các nước nghèo như các bộ lạc ở châu Phi, Lào, Campuchia vẫn ăn Tết cổ truyền của họ theo tập quán của họ vì đa số không có việc làm.
Những người phản đối Giáo sư kêu gọi bỏ Tết cho rằng: Tết dương lịch là của phương Tây, còn Tết nguyên đán là của dân tộc. Không thể nào bỏ truyền thống ngàn năm để lấy ngày của phương Tây làm mốc đón mừng năm mới. Giáo sư nghĩ sao?
Qua thời gian, ông cha ta đã nhờ văn hóa của các triều đại nước Tàu xa xưa đã tiến bộ lần lần, mặc dù bị đô hộ cả ngàn năm vẫn thoát ra ách đô hộ, xây dựng đất nước Việt.
Rồi Tây đến đô hộ, mình lại học được văn hóa Tây phương, nhưng vua chúa ta chỉ học nửa vời, không tin được ngọn đèn bên Tây treo ngược đầu xuống đất mà vẫn cháy. Trong khi hoàng đế Nhật Bản tiếp thu ngay những văn hóa đó, tạo điều kiện cho nước Nhật hùng mạnh như bây giờ.
Tôi nghĩ rằng, ngay lúc này nhiều người trong chúng ta vẫn còn bảo thủ, chưa dám có phán quyết cơ bản đổi mới hành động để mọi người đều hướng về sự phát triển đất nước còn chậm tiến, mà chỉ nghĩ đến cái thú vui, lợi lộc của riêng mình.
Tình trạng này từ từ sẽ chấm dứt khi đến lúc nào đó trong tương lai, mọi người lao động Việt Nam đều có việc làm để có thu nhập cao, các công chức ở các Bộ Ngành của Nhà nước đều bận rộn lo công việc xây dựng đất nước, không có thì giờ đâu nữa để hưởng Tết cổ truyền đến cả tháng. Đến ngày ấy nước Việt Nam cũng sẽ hành động như Nhật Bản, Singapore, và các nước Tây phương giàu có.
Nhưng không khí háo hức chuẩn bị đón Giao thừa kéo dài gần suốt tháng Giêng thì ngày tết Tây làm sao có được? Cái không khí chờ đợi, chuẩn bị đó cũng hay chứ, thưa Giáo sư?
Đúng là cái không khí đó hay thật, nhưng nếu ta có việc làm ra tiền, thì không ai dại gì cứ vui chơi mãi.
Và lý do dân mạng phản ứng Giáo sư nhiều nhất: Ngày Tết là ngày mọi gia đình có dịp tề tựu đầy đủ nhất. Quần quật cả năm chỉ được nghỉ vài ngày. Chính những ngày Tết làm cho tình thân gia đình thiêng liêng hơn. Giáo sư có ý kiến gì?
Chúng ta không bỏ giờ phút thiêng liêng đó. Chúng ta sum họp vào ngày mùng Một là được rồi.
Nếu như bỏ Tết, dĩ nhiên lịch âm cũng sẽ bị người dân lãng quên dần. Trong khi, đối với nhiều gia đình Việt Nam, ngày giỗ, cưới hỏi, đám tang… người ta đều lấy âm lịch làm dấu mốc. Giáo sư có nghĩ là rất khó bỏ truyền thống đón Tết nguyên đán?
Tôi không bao giờ nói “bỏ Tết”, chỉ nói nhập Tết cổ truyền và Tết dương lịch vào cùng. Nếu đón tết như xưa nay, thì truyền thống ta vẫn giữ, nhưng không kéo dài lê thê trước Tết và sau Tết. Ta đón Tết. Chỉ đón Tết gói gọn trong thời khắc giao thừa và nghỉ vào mùng Một là đủ.
Nói đi thì cũng phải nói lại. Dấu mốc Giao thừa gây áp lực rất lớn cho nhiều người: Công ty phải lo thưởng cho nhân viên, nợ nần phải trả, dành dụm tiền để mua sắm… Nhiều người “xả láng” trong những ngày Tết, đến khi hết Tết lại trở nên trắng tay, thậm chí nợ nần. Làm cả năm, ăn dồn mấy ngày tết cho bằng người ta.
Đúng như thế đó. Và nhiều người Việt có công ăn việc làm đàng hoàng cũng nghĩ như thế. Cứ quen tật xài tiền xả láng thì cứ nghèo mãi, rồi nhiều người sinh ta trộm cắp, cướp của giết người. Báo chí ngày nào cũng đưa tin những tệ nạn này, nhất là ở nông thôn.
Nhiều bạn trẻ cho rằng, Tết bây giờ chán. Cái không khí náo nức Tết chỉ còn vài ngày trước giờ Giao thừa, qua mùng Một là đã gần như hết tết nhưng phải nằm nhà chờ cho… đến ngày đi làm. Giáo sư thấy Tết có đang dần mai một?
Rõ ràng ngày Tết kéo dài chỉ thích hợp cho những người rảnh rỗi, không việc làm, hoặc người làm việc hụ hợ. Người có việc làm và làm việc với cả lương tâm của mình luôn luôn thấy thì giờ của mình quá ít, không thể có thì giờ vui chơi kéo dài được.
Nhưng không thể bỏ, nhập Tết nguyên đán vào Tết dương lịch ngay được. Theo Giáo sư thì chúng ta đón tết thế nào mới hợp xu hướng phát triển?
Chúng ta không bỏ Tết, mà nên ăn Tết vào ngày dương lịch vì lúc đó các nước Tây phương cũng nghỉ Tết.
Ở nước ta trong thời gian 10 năm trở lại đây tôi thấy Chính phủ có cho cử hành ăn Tết tây như các nước Tây phương (vui giao thừa, đếm lùi, bắn pháo hoa) và Chủ tịch nước chúc Tết toàn dân. Rồi đến Tết âm lịch lại tốn ngân sách một lần nữa để bắn pháo hoa đêm giao thừa, rất tốn kém.
Tết dương lịch cũng chỉ nghỉ 1 ngày, nhưng tùy thuộc quốc gia theo giáo phái nào trong công giáo mà họ kết hợp Lễ Giáng sinh để nghỉ.
Thời gian nghỉ Tết do đó thay đổi từ 2 ngày đến tối đa là 8 ngày. Các nước Á châu giàu (Nhật, Singapore) nghỉ Lễ Giáng sinh 1 ngày, Tết dương lịch 2 ngày, và Tết âm lịch 1-2 ngày rất nghiêm túc. Họ cử hành Tết dương lịch bằng dự lễ giao thừa, đếm lùi 9-0, bắn pháo hoa và lời Chúc Mừng Năm Mới của vị nguyên thủ quốc gia, thế là xong...
Ở độ tuổi của Giáo sư, lẽ ra người ta thường hoài cổ. Giáo sư lại luôn thích cải tiến, những điều mới mẻ, hiện đại. Giáo sư có thể giải thích điều này?
Tôi học tập thói quen từ lâu “mỗi ngày phải có một sáng kiến mới” để đóng góp cho xã hội. Chúng ta phải hướng tới trước để thấy cuộc đời còn cần đến mình. Nhìn lùi lại để rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa, chứ không bao giờ tự mãn.
Xin cám ơn Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân về những chia sẻ thẳng thắn!
Lê Ngọc Dương Cầm thực hiện