GS.VS Phạm Minh Hạc: Chỉ có Việt Nam mới có ngày tri ân các nhà giáo đặc biệt như thế!

'Đời sống xã hội phát triển ngày càng hiện đại, nhưng tinh thần hiếu học, tình cảm thầy trò thiêng liêng vẫn luôn được gìn giữ và phát huy từ ngàn năm qua, điều này còn được thể hiện trong Ngày Nhà giáo Việt Nam' - GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ.

Nhân Kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, PV Báo GĐ&XH có cuộc trao đổi với GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, truyền thống tôn sư trọng đạo xưa và nay.

Truyền thống tôn sư học đạo có từ ngàn năm

Xin ông cho biết, vì sao lại có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11?

- Đối với phạm vi quốc tế, ngày 20/11/1958 được lấy là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Còn tại Việt Nam, vào ngày 28/9/ 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tôi là giáo viên từ những năm 60, nhưng đến năm 1982 mới có Ngày Nhà giáo Việt Nam. Vào những ngày này, tôi được những sinh viên, bạn bè chúc mừng, tôi rất lấy làm vui vào tự vào về nghề giáo. Đặc biệt, sáng ngày 19/11, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm và chúc sức khỏe tôi nhân ngày nhà giáo, tôi rất cảm động.

Ông có cảm nhận thế nào về ngày truyền thống nhà giáo Việt Nam?

- Tôi chưa rõ trên thế giới có nước nào có riêng ngày nhà giáo không, nhưng ở Việt Nam ngày 20/11 là ngày vui của hàng triệu người giáo viên. Nhưng đây cũng là dịp để nhắc nhở trách nhiệm của ngành giáo dục, của nhà giáo đối với đất nước, với học sinh.

Tôi còn nhớ, vào năm 1992, tôi được bên Mỹ mời sang làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ tại New York, có một người hỏi vì sao nước ông nghèo, mà sao giáo dục lại có những kết quả tốt như vậy? Tôi chỉ trả lời rằng truyền thống giáo dục Việt Nam đã cứu nền giáo dục Việt Nam. Tôi được cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt.

Truyền thống giáo dục đấy cụ thể là gì, thưa ông?

- Truyền thống giáo dục đó trước tiên đó là truyền thống hiếu học. Chính bản thân tôi thấy nhiều bạn bè tôi cùng học, làm việc thời đó - lứa tiến sỹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đào tạo - đều là những học trò nghèo, xuất thân từ gia đình bình dân, nhưng vì hiếu học nên rất thành công trong công việc.

Gần đây, ở Sơn La hay một số tỉnh miền núi có những em được giải quốc tế. Đấy là điều đáng mừng, nó cho thấy giáo dục cần sự quan tâm đến những học sinh nhiều vùng miền khác nhau, những người giỏi có ở khắp nơi chứ không phải là nơi có điều kiện.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đến thăm, chúc mừng GS.VS Phạm Minh Hạc vào sáng 19/11. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đến thăm, chúc mừng GS.VS Phạm Minh Hạc vào sáng 19/11. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Có những người thầy yêu quý học trò như con

Tinh thần "tôn sư trọng đạo" được cho là có hàng nghìn năm nay, những tinh thần ấy được thể hiện như thế nào?

- Các sách lịch sử giáo dục đã viết rất nhiều, ngày xưa truyền thống đó thấm nhuần từ đời này sang đời khác, chưa biết từ bao giờ nhưng đã rất lâu rồi. Có những người học trò coi người thầy suốt đời, như cha mẹ, luôn quan tâm, đến lúc thầy mất vào các ngày giỗ thầy đều đi bộ rất xa để về…

Cái đặc biệt của người thầy xưa đó là những người học trò nghèo được thầy nhận, nuôi ngay trong nhà của mình. Có những thầy giỏi truyền nghề cho học sinh hiếu học, trong khi chưa chắc đã truyền cho con mình. Đó là một truyền thống tốt đẹp, có từ rất lâu.

Trong bối cảnh xã hội phát triển hiện đại như ngày nay, truyền thống thầy - trò liệu có bị mai một?

- Tôi còn nhớ, lúc tôi khoảng 12 tuổi, tôi biết tiếng Pháp, được chọn đi làm thư ký phiên dịch. Lúc đó có một thầy giáo quen bố mẹ tôi, nhận tôi và 7 người khác nuôi dạy trong nhà. Kèm cặp tôi đến lúc thi qua tiểu học rồi vào trung học. Nuôi nấng học trò ăn học thành tài chắc chỉ có Việt Nam mới có rất nhiều người thầy như vậy. Ngày trước nghèo lắm, có bát cơm manh áo là đáng quý.

Ngày nay, tôi chưa biết chuyện tình cảm thầy trò nặng về vật chất đến đâu, nhưng tôi thấy ở miền núi, vào những ngày này vẫn có những học sinh mang hoa cỏ dại đến tặng cô, đó là một tình cảm chân thật.

Ngày nhà giáo này không có nơi nào là không tổ chức, đều có sự quan tâm của các cấp, các ngành, phụ huynh và học sinh. Theo tôi, những truyền thống tốt đẹp của cha ông đã được giữ lại và phát huy một cách đầy đủ. Kinh tế thị trường có thể ảnh hưởng ở chỗ này chỗ khác, nhưng truyền thống tôn sư trọng đại, uống nước nhớ nguồn của người Việt luôn được gìn giữ.

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: Q.Huy

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: Q.Huy

Cần sàng lọc, loại bỏ nhà giáo không xứng đáng

Vào ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều người lại nghĩ về nhiều giáo viên ngày nay còn khó khăn vất vả do đồng lương chưa tương xứng, ông nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi tìm hiểu, ở các nước phát triển, lương của họ rất cao, hàng chục ngàn USD một năm, trong khi ở Việt Nam là chỉ vài nghìn đô/năm, tính ra rất thấp. Nhưng dù có thiếu thốn, các thầy cô khắc phục chia sẻ cùng những người dân để vượt qua, bám trụ với nghề và với học sinh.

Hiện nay chúng ta có hàng triệu giáo viên, nhiều giáo viên ở thành phố kinh tế eo hẹp, chăm lo cho con cái ăn học, nhiều người còn phải làm thêm… như thế ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.

Tôi lấy ví dụ, một người lái máy bay lương đến 200 triệu đồng/tháng, trong khi giáo viên ra trường chỉ là hơn 3 triệu đồng/tháng. Như vậy quá thấp, phụ cấp có nhưng không đáng kể. Có nhiều giáo viên lên miền núi, dành dụm cả năm mới đủ tiền về quê, thậm chí còn không đủ, phải chi tiêu dè xẻn. Giáo viên có lương, phụ cấp thâm niên nhưng rất thấp.

Hiện nay, ngành giáo dục xảy ra các sai phạm trong thi cử, đạo đức nhà giáo, chúng ta cần phải làm gì để khắc phục điều này?

- Ttiêu cực điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, các phiên tòa cũng đã xét xử, để xảy ra trong ngành giáo dục như vậy là rất xấu hổ và đau lòng. Nhưng đội ngũ giáo viên hiện nay lên đến 1,4 triệu giáo viên, chỉ có khoảng rất ít là 1% chẳng hạn, cũng chưa đại diện cho thế hệ giáo viên hiện nay.

Theo tôi, không có cách nào khác là phải loại trừ, có tỉnh đã hỏi tôi để giải bài toán giáo viên kém chất lượng, tôi nói thẳng là phải loại trừ, không thể để trong ngành những giáo viên không xứng đáng. Số lượng giáo viên không đủ khả năng làm nhà giáo cần sàng lọc xem số lượng là bao nhiêu. "Con sâu bỏ rầu nồi canh", ta nên kiên quyết hơn.

Chương trình mới bắt đầu thực hiện từ năm 2020 với lớp đầu tiên là lớp 1, sau đó là các lớp tiếp theo. Chương trình cũng đặt ra vai trò của người thầy rất quan trọng, các trường sư phạm đang chuyển mình, tôi mong họ phải đi trước để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Quang Huy (Thực hiện)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/gsvs-pham-minh-hac-chi-co-viet-nam-moi-co-ngay-nha-giao-dac-biet-nhu-the-20191120003010445.htm