Gục ngã trước cám dỗ
Từ chối món lợi vật chất là thách thức nhưng cũng là cơ hội để thể hiện phẩm chất và đạo đức cá nhân, tuy nhiên, nữ cán bộ đã bất lực và bị cám dỗ nhấn chìm...
Trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), vai trò của nhóm bị cáo thuộc đoàn thanh tra phụ trách việc giám sát và thanh tra tài chính Ngân hàng SCB trở thành tâm điểm của sự chú ý và bàn luận. Trong đó, câu chuyện của bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II được xem là bài học đắt giá đối với cán bộ hiện nay.
Gục ngã trước vật chất
Ngày 5-3-2023, vụ án được xét xử, dư luận lần đầu nhìn thấy rõ hơn hành vi của bị cáo Nhàn khi thừa nhận đã cầm 5,2 triệu USD của chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan. Số tiền hối lộ lớn nhất trong các vụ án từ trước tới nay ấy thực sự gây sốc.
Song, dư luận không chỉ quan tâm đến con số khủng đó mà còn theo dõi thái độ đối diện với trách nhiệm của cựu cục trưởng này.
Hồ sơ vụ án thể hiện giai đoạn năm 2017-2018, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước thành lập một đoàn thanh tra tại SCB.
Lúc này, bà Nhàn được phân công làm trưởng đoàn thanh tra trên.
Vị trí công việc không chỉ đòi hỏi chuyên môn mà còn mang không ít áp lực khác và bà Nhàn đảm nhận trách nhiệm quan trọng trong đánh giá các hoạt động tài chính, báo cáo các vấn đề liên quan đến tuân thủ pháp luật của SCB... Không lâu sau khi nắm quyền trong tay, nữ cán bộ đã bị cám dỗ "tấn công".
Tại tòa, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc SCB, khai để hối lộ cho trưởng đoàn thanh tra, bị cáo đã chia nhỏ 5,2 triệu USD bỏ vào các thùng xốp đựng trái cây. Mỗi lần giao "thùng trái cây", bị cáo đều ngỏ ý nhờ bà Nhàn "giúp đỡ cho SCB tháo gỡ khó khăn với tư cách trưởng đoàn thanh tra" theo như lời căn dặn của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Mất tất cả
Cũng tại tòa, dù thừa nhận cầm số tiền 5,2 triệu USD, song, thay vì đối mặt với trách nhiệm một cách trung thực và dứt khoát, bị cáo Nhàn quả quyết không có chuyện nhận tiền để làm trái với thẩm quyền được giao phó.
Theo bị cáo, bản thân chỉ "nhận tiền thụ động" vì không thỏa thuận trước về việc nhận tiền để sửa kết luận thanh tra, bưng bít sai phạm của SCB. Bị cáo phân trần việc sửa đổi kết luận thanh tra là do thực hiện chỉ đạo của cấp trên - tức bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu phó chánh thanh tra, phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (người đã nhận 39.000 USD của bà Lan).
Chưa hết, bào chữa bổ sung cho mình, bị cáo Nhàn còn nói rằng khi biết bên trong các "thùng trái cây" là tiền, bị cáo đã muốn trả lại nhưng chưa thực hiện được. Sau đó, bị cáo lại khai việc nhận tiền nhằm bảo vệ gia đình do thấy nhiều người liên quan trong vụ án thiệt mạng.
Đây là những lời khai mà HĐXX đánh giá không phù hợp tình tiết khách quan của vụ án. Theo HĐXX, hành vi của bị cáo Nhàn diễn ra trong thời gian dài, có mối quan hệ nhân quả giữa nhận tiền và ra kết quả thanh tra. Lập luận bẻ gãy sự ngụy biện nữa, đó là một số đối tượng trong vụ án chết khi vụ án bị khởi tố chứ không phải thời điểm bị cáo nhận tiền hối lộ như bị cáo khai.
Cũng theo HĐXX, theo lời khai của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, bị cáo Nhàn còn thể hiện sự chủ động khi nhận hối lộ thông qua việc đọc mật khẩu trong nhà cho bị cáo Văn mang thùng xốp vào cất. Sau đó, bị cáo Nhàn đã "xé nhỏ" 5,2 triệu USD để gửi người thân thiết cất giấu. Khi vụ án bị phanh phui, cơ quan chức năng phải đến từng nhà để tịch thu tiền.
Được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Nhàn khóc như một đứa trẻ. Cảm xúc đó có thể vì lo lắng, vì sợ hãi trước phán quyết của tòa án nhưng cũng ít nhiều biểu hiện sự hối hận và tiếc nuối về những hậu quả mà hành vi phạm tội bị cáo gây ra. Tiếc là, đến khi cảm thấy ân hận, xấu hổ thì cũng là lúc sự nghiệp và uy tín đã bị chính bản thân hủy hoại hết.
Những lời cuối cùng, bị cáo xin tòa rộng lượng, đặc biệt xem xét những công sức và năm tháng mà bản thân cùng 11 thành viên đoàn thanh tra đã dành cho sự nghiệp, nhưng giờ đây đã "đổ sông đổ biển"…
Quả thật, số tiền lên tới 5,2 triệu USD là món lợi ích dễ khiến nhiều người mất đi suy nghĩ một cách khách quan để đưa ra quyết định đúng đắn.
Riêng với cán bộ có vai trò, trách nhiệm cao, từ chối cám dỗ là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để thể hiện phẩm chất và đạo đức cá nhân. Tuy nhiên, nữ cán bộ đã không thể vượt qua tình huống thử thách đạo đức khó khăn đó để rồi đánh mất uy tín, danh tiếng và cả lòng tự trọng. Mất tất cả…
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/guc-nga-truoc-cam-do-196240419205529165.htm