Gửi đến đội tuyển Đức: Euro 2024 sẽ chỉ là 'nháp' thôi
Khi đội tuyển Đức đang để Colombia dẫn trước với tỉ số 2-0, ống kính máy quay bắt gặp hình ảnh một Fan của 'Cỗ xe tăng' đang cười toe toét. Nếu vừa tỉnh dậy sau cơn hôn mê từ năm 2016, bạn sẽ hoài nghi với nụ cười này. Nhưng chúng ta đều rất tỉnh táo và biết rằng, đây là nụ cười của sự cay nghiệt và đầy gượng ép.
Tận cùng nỗi đau
Định nghĩa về sự khủng hoảng của một đội bóng là gì?. Đó là thành tích thi đấu bết bát. Đó là việc mất phương hướng trong lối chơi. Đó là lục đục trong nội bộ, dẫn đến đánh mất niềm tin vào nhau. Và tất cả những yếu tố trên đều đang hiện hữu ở đội tuyển quốc gia Đức.
Sau đỉnh cao là chức vô địch World Cup 2014, “Cỗ xe tăng” đã bị loại ở vòng bảng 2 kỳ World Cup liên tiếp và cũng dừng chân ở vòng 1/8 EURO 2020.
Phong độ ở thời gian gần đây của họ cũng thực sự thê thảm. Ở 5 trận gần nhất, Đức thắng 1, thua 3, hòa 1. Và họ thua những ai?. Thua Colombia, thua Ba Lan - những đối thủ chưa bao giờ được xem là đồng cân đồng lạng với đội tuyển Đức.
Những kết quả trên là không thể chấp nhận được khi trên ngực áo của “Những cỗ xe tăng” được thêu 4 ngôi sao hào nhoáng. Vâng, đây là đội bóng đã 4 lần vô địch thế giới, giành đủ các danh hiệu quốc tế mà FIFA công nhận (World Cup, Confederations Cup và Olympic).
Chính vì phong độ trồi sụt này, mà những ngày qua truyền thông trong nước và quốc tế gọi đội tuyển Đức là “xe tăng tuột xích”, “nhịp cầu đã gãy”,....
Tất nhiên, ở những thời điểm nào đó Đức chơi vẫn ổn, vẫn đường nét (điều này khiến nhiều người vẫn không tin đội tuyển Đức đang khủng hoảng), nhưng sự vật vờ, thiếu bản lĩnh, luống cuống trong những thời khắc khốn khó khiến cho “những cố xe tăng” bị mắc kẹt và chìm nghỉm xuống hố sâu.
Vắng bóng một thủ lĩnh
Vai trò của thủ lĩnh, một người đội trưởng trong bóng đá là câu chuyện ai cũng hiểu rõ. Nhưng đối với trường hợp của đội tuyển Đức, vai trò của người thủ lĩnh phải nâng lên ở tầm đặc biệt.
Thứ nhất, đội tuyển Đức là sự pha trộn của rất nhiều dòng máu khác nhau, với chính sách nhập tịch cầu thủ của quốc gia này. Điểm tích cực của chính sách này là việc thu hút nhân tài đóng góp cho đội tuyển. Nhưng sự hoài nghi về tinh thần thi đấu cũng là rất lớn.
Thậm chí, sau chuỗi ngày thi đấu bết bát của đội tuyển Đức, truyền thông quốc tế còn mỉa mai rằng, những cầu thủ nước này đang làm “nghĩa vụ quốc gia bắt buộc”.
Thứ hai, đội tuyển Đức là tập hợp của rất nhiều những ngôi sao. Mà lẽ đời, tài giỏi thì thường đi với cái tôi lớn (vấn đề của Ozil hay Toni Kroos đã qua là ví dụ điển hình). Để dung hòa cái tôi trong một tập thể cần phải có người thủ lĩnh đích thực.
Thủ lĩnh không nhất thiết là người có chuyên môn giỏi nhất, cũng chẳng phải mặc định là ngổ ngáo hay hiền lành. Thủ lĩnh là phải phát ra tiếng nói của sự đoàn kết, thống nhất và cái uy mà ai cũng nể trọng.
Lịch sử bóng đá Đức không thiếu những thủ lĩnh ở nghĩa huyền thoại. Đó là những Lothar Matthaus, Franz Beckenbauer, Oliver Kahn,… - những người đã được gán với các danh xưng mỹ miều và cũng góp phần làm nên cái gọi là “tinh thần Đức”. Nhưng đó là câu chuyện của lịch sử, còn hiện tại thì chẳng một ai ở đội tuyển Đức tiệm cận với hai chữ “thủ lĩnh”.
Mũi giáo cùn…
Như đã nói, đội tuyển Đức có những thời điểm thi đất hoàn toàn áp đảo, nhưng sau cùng họ vẫn gục ngã (như trận thua trước Hàn Quốc và Nhật Bản ở 2 kỳ World Cup gần nhất, khiến Đức bị loại ở vòng bảng) bởi một lý do rất đơn giản – Đức đang thiếu một số 9 thực thụ.
Thời điểm này, bóng đá Đức không hề thiếu những tiền vệ tài năng từ Gorzetka, Kimmich, Gundogan, Musiala, Gnabry,... Có thể nói, Đức nằm trong top 3 đội tuyển có hàng tiền vệ mạnh nhất thế giới. Nhưng cứ đến 20m cuối sân của đối thủ là lối chơi của Đức lại bí bách, luẩn quẩn.
Bóng đá thế giới thời điểm này cũng đang thiếu một số “số 9 thật”, một trung phong cắm có thể kết liễu được đối phương (điều này là hệ quả của một quãng thời gian “đào thải” số 9 thực). Tuy nhiên, không thể phó mặc cho yếu tố khách quan và đội tuyển Đức đang phải trả giá với “mũi giáo cùn” của mình.
Những mảnh ghép được lắp vào vị trí trung phong trên hàng công của đội tuyển Đức từ Kai Havertz, Timo Werner là sự chắp vá, gượng ép và thi đấu thiếu ổn định. Họ đơn giản chưa đủ đẳng cấp để lĩnh xướng hàng công của “Cỗ xe tăng”.
Lời chia tay của Klose đã nhấn chìm Đức vào khủng hoảng và lẽ ra Lewandowski nên mang trong mình dòng máu Đức. Hai câu nói tưởng như xàm xí này lại đang phác họa nên vấn đề của nền bóng đá Đức ở thời điểm hiện tại.
Euro 2024 sẽ chỉ là “nháp” thôi
Vẫn còn rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng của đội tuyển Đức. Và nhiều người còn dẫn vào cả “luật nhân quả”, cả cái gái gọi là “yếu tố tâm linh”.
Kể từ khi đối xử có phần “phũ” với Ozil, khiến cầu thủ này phải giã từ đội tuyển, nền bóng đá Đức bị “ám” thực sự. Nó đến từ cái vận đen mà khó ai có thể giải thích, như tình huống bóng tưởng chừng như đã đi hết đường biên ngang trong trận thắng của Nhật Bản trước Tây Ban Nha chẳng hạn - tình huống trực tiếp tiễn Đức về nước.
Sau đây một năm nữa, Đức sẽ là quốc gia chủ nhà cho ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu. Nhưng thử hỏi, với đường đi nước bước như hiện tại, viễn cảnh nào sẽ chờ đợi đội tuyển Đức ở Euro 2024?.
Người bi quan sẽ nghĩ ngay đến việc Đức chẳng thể tiến sâu. Lạc quan hơn thì sẽ nghĩa theo hướng, bóng đá Đức đang có thế hệ trẻ đầy tài năng (đây chính là sự sống của một nền bóng đá).
Nhưng, lạc quan hay bi quan cũng phải dựa trên nền tảng thực tiễn. Và thực tiễn chỉ ra rằng, tại Euro 2024 sắp tới, người Đức chưa thể vội vã với những tham vọng của mình, bóng đá Đức phải cần thời gian để trở về với đỉnh cao.
Cho nên, để cho nhẹ nhõm tâm trí, những người yêu bóng đá Đức hãy rỉ tai nhau nói rằng: “Euro 2024 sẽ chỉ là nháp thôi”!.
Thắng Nguyễn
Nguồn ảnh: Internet