Gửi tấm lòng qua những phần quà ý nghĩa
Chương trình về nguồn Thắp sáng ngọn lửa tri ân do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức đã trao nhiều phần quà đến người dân Quảng Trị
Tháng 7 - tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người không tiếc máu xương của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc - là thời điểm con dân mọi miền Tổ quốc tới mảnh đất anh hùng Quảng Trị để được thắp nén hương lên các phần mộ liệt sĩ. Đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam đã thực hiện chương trình về nguồn "Thắp sáng ngọn lửa tri ân" tại tỉnh Quảng Trị với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Lan tỏa tình yêu quê hương
Ngày 20-7 là ngày thứ 2 đoàn công tác trong chuyến đi về nguồn đến với tỉnh Quảng Trị. Tham gia chuyến đi có ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Danh dự chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc"; ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam…
Tại huyện Cam Lộ, đoàn đã ghé thăm, trao 2 nhà tình nghĩa, 2 con bò giống với tổng kinh phí 200 triệu đồng; tặng biểu trưng 50 suất quà (1 triệu đồng/suất) và 30 chiếc xe đạp cho người nghèo, gia đình cựu thanh niên xung phong và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trao 80 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho người dân nghèo ở huyện Hướng Hóa và huyện Gio Linh. Ông Trần Trọng Dũng chia sẻ: "Nhắc đến Khe Sanh - Hướng Hóa là nhớ đến mốc son chói lọi đầy hào hùng của dân tộc ta, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hôm nay chúng tôi rất xúc động khi trở về trên con đường 9 lịch sử, chứng kiến được nhiều sự đổi thay".
Tại huyện Hướng Hóa, Báo Người Lao Động đã trao bảng tượng trưng 5.000 lá cờ Tổ quốc từ hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương" thuộc chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" tặng các chiến sĩ biên phòng và đồng bào vùng biên giới.
Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng, Chính trị viên - Phó Đồn Biên phòng Hướng Phùng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Thông qua hoạt động này đã tăng cường tình đoàn kết giữa lực lượng bảo vệ biên giới với đồng bào dân tộc. Chúng tôi sẽ giao tận tay từng lá cờ đến bà con nhân dân để cùng nhau giương cao ngọn cờ Tổ quốc, để những lá cờ tươi thắm mãi tung bay trên vùng biên giới" .
Ông Phạm Trọng Hổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, đánh giá: "Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" rất thiết thực, có ý nghĩa hết sức đặc biệt, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cho đồng bào và nhân dân huyện Hướng Hóa nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên".
Góp sức đưa trẻ đến trường
Cũng tại huyện Hướng Hóa, Báo Người Lao Động tiếp tục trao 70 suất hỗ trợ kinh phí học tập (1 triệu đồng/suất) cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo hiếu học vùng biên giới. Những phần hỗ trợ này thuộc chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" do ông Trương Hòa Bình sáng lập và Báo Người Lao Động quản lý, điều hành.
Các em học sinh người dân tộc Pa Kô, Vân Kiều đều được phụ huynh chở đến trung tâm huyện Hướng Hóa từ sáng sớm. Em Hồ Thanh Lâm (6 tuổi; trú xã Pa Nho, huyện Hướng Hóa, bị khuyết tật từ nhỏ, đôi chân của em bị teo nên không thể đi lại được) tỏ ra rất vui vì lần đầu tiên cậu được rời nhà để theo mẹ và chị về thị trấn Khe Sanh. Dù mất một buổi lên rẫy nhưng chị Hồ Thị Ê (mẹ Lâm - người dân tộc Vân Kiều) nói rằng "sướng cái bụng lắm" vì được nhận tiền để chuẩn bị cho Lâm vào lớp 1. Chị cho biết từ khoản hỗ trợ này sẽ may một bộ áo quần, mua sách vở và thuê thợ đóng 2 chiếc đòn để cháu Lâm đeo vào đôi bàn tay, di chuyển.
Đến nhận hỗ trợ của Báo Người Lao Động còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn ở huyện Hướng Hóa. Trong đó, em Dương Nguyễn Diệu Châu (học sinh lớp 8; xã Tân Hợp) mồ côi cả cha lẫn mẹ; em Hồ A Rô Ma (dân tộc Vân Kiều, học sinh lớp 6; ngụ xã Tân Lập) gia đình có đến 9 anh em...
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa, cho biết toàn huyện có 60 trường học, trong đó có 2 trường tư thục. Học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, cuộc sống khó khăn nên vào đầu năm học, các gia đình phải chạy vạy vất vả lo cho con cái, nhiều em không được đến trường. "70 em được nhận hỗ trợ đều là những bạn có hoàn cảnh rất khó khăn. Số tiền hỗ trợ kịp thời đã động viên các em, giảm gánh nặng cho phụ huynh và góp phần huy động trẻ đến trường".
Cùng ngày, Báo Người Lao Động trao 15 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) từ nguồn chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" cho học sinh huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Như vậy, trong chương trình về nguồn "Thắp sáng ngọn lửa tri ân" do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" của Báo Người Lao Động đã trao 135 suất, trị giá 200 triệu đồng.
Nhà báo Trần Trọng Dũng cho biết trong chương trình "Thắp sáng ngọn lửa tri ân", đoàn đã đi nhiều xã, huyện ở Quảng Trị để trao các phần quà đến người dân. Điều này thể hiện tình cảm của người làm báo luôn hướng về mảnh đất Quảng Trị thiêng liêng, anh hùng.
Tại xã Thuận (huyện Hướng Hóa), Báo Sài Gòn Giải Phóng và Công ty Lê Bảo Minh đã trao tượng trưng 500 triệu đồng để xây dựng một phòng học và trang thiết bị cho học sinh tại điểm Trường Tiểu học Bản 2. Báo Pháp Luật TP HCM tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) và trao tặng 100 suất quà trị giá 400 triệu đồng cho ngư dân; tặng 200 cuốn cẩm nang về đánh bắt hải sản và cùng với các cơ quan báo chí trao 50 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) kèm đồ dùng học tập cho sinh viên, học sinh nghèo hiếu học.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/gui-tam-long-qua-nhung-phan-qua-y-nghia-20230720221900533.htm