Gửi tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ có được bảo hiểm tiền gửi?

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Tại cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các chuyên gia kinh tế để trao đổi về chính sách ngoại tệ và lãi suất tiền gửi bằng đồng đô la Mỹ, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã chỉ đạo xuyên suốt việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chống đô la hóa, từng bước chuyển dần quan hệ huy động – cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán, từ đó nâng cao vị thế của VND.

Việc áp dụng chính sách lãi suất USD 0% là một trong các giải pháp đồng bộ mà NHNN triển khai để ổn định thị trường ngoại hối, neo kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế VND. Nhờ chính sách này, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định.

Tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế giảm mạnh (tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán giảm từ mức 11,06% năm 2014 xuống khoảng 6,05% tính đến tháng 6/2024; tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng có xu hướng giảm).

Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá cao việc áp dụng chính sách lãi suất USD 0% do NHNN đã và đang triển khai thực sự phát huy hiệu quả, qua đó góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, giảm tỷ lệ đô la hóa, tăng dự trữ ngoại hối theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra - đó là chống đô-la hóa trên lãnh thổ Việt Nam, bảo vệ giá trị đồng Việt Nam bên cạnh các mục tiêu vĩ mô khác.

Để thực hiện mục tiêu này cần sự phối hợp đồng bộ các chính sách về lãi suất, tín dụng, kiểm soát lạm phát, tỷ giá và cả BHTG - công cụ chính sách được Chính phủ, NHNN sử dụng nhằm góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn và huy động tiền gửi cho đầu tư phát triển, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.

Quy định không bảo hiểm đối với ngoại tệ nhằm thực hiện chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam.

Quy định không bảo hiểm đối với ngoại tệ nhằm thực hiện chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 18, Luật Bảo BHTG: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này”.

Bên cạnh đó, Điều 19 Luật BHTG quy định tiền gửi không được bảo hiểm bao gồm:

“- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng (TCTD) của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính TCTD đó.

- Tiền gửi tại TCTD của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính TCTD đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

- Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia BHTG phát hành”.

Như vậy, tiền gửi bằng ngoại tệ không thuộc đối tượng được BHTG. Điều này phù hợp với chủ trương chống đô la hóa, ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá mà Chính phủ, NHNN đã đề ra.

Quy định không bảo hiểm đối với ngoại tệ nhằm thực hiện chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam, khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng, từ đó góp phần củng cố lại việc dùng tiền Việt Nam ở trong nước nhằm bảo vệ đồng tiền Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của số đông người gửi tiền.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ và khoảng 650.000 lao động xuất khẩu Việt Nam đang hoạt động tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Lượng kiều hối về Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đạt trên 190 tỷ USD, riêng năm 2023, lượng kiều hối cả nước ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022. 6 tháng đầu năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đã đạt gần 5,2 tỷ USD, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Hương Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gui-tien-tiet-kiem-bang-ngoai-te-co-duoc-bao-hiem-tien-gui-155639.html