Gửi tình yêu thương ra Trường Sa
Tập thơ 'Thư con gửi Trường Sa' của tác giả Hồng Diệu gồm 33 bài thơ, do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành là món quà dành tặng các cán bộ, chiến sĩ Hải quân, BĐBP và những người đã, đang gắn bó với biển, đảo quê hương. Tác giả Hồng Diệu đã mượn lời con trẻ, những câu chuyện gia đình để gửi tình yêu thương, lòng biết ơn, trân trọng từ đất liền tới các cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi, nhất là tại quần đảo Trường Sa, đồng thời, mong muốn tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi sóng gió, nỗi lo toan thường nhật, cống hiến hết mình cho lý tưởng cao đẹp mà các anh đang theo đuổi. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả Hồng Diệu để biết rõ hơn tâm tình cũng như những điều chị muốn gửi gắm tới các chiến sĩ ngoài đảo xa.
- Xin chào Hồng Diệu, bạn đã sáng tác về Trường Sa lâu chưa?
- Tôi bắt đầu sáng tác về người lính từ năm 2015. Tập thơ đầu tiên của tôi là “Những dặm sóng yêu thương”, viết về người lính và hậu phương người lính. Sau khi tham gia các hoạt động hướng về biển, đảo, được tìm hiểu nhiều hơn về hoàn cảnh của người lính cũng như hậu phương người lính thì tôi quan tâm tới một góc nhỏ nữa, đó là con của người lính. Những em bé cũng chịu nhiều thiệt thòi, thiếu vắng tình cảm, sự chăm sóc của người cha, cùng với đó là nỗi nhớ nhung da diết. Tôi muốn chia sẻ với người lính và các con của họ những nỗi niềm đó. Đó cũng là lý do tôi viết tập thơ “Thư con gửi Trường Sa”.
- Đọc “Thư con gửi Trường Sa”, người đọc có cảm giác tác giả rất hiểu các em bé, lời thơ tựa như những trang nhật ký của con trẻ viết trong những ngày xa bố với những lời nhắn gửi yêu thương...
- Bố tôi là bộ đội. Từ bé, tôi cũng phải xa bố cho nên những tâm tư, tình cảm của các em nhỏ có cha là bộ đội, tôi có thể cảm nhận được một phần nào. Tôi cũng chứng kiến sự hy sinh của mẹ dành cho bố khi bố công tác xa. Vì đã trải qua và cảm nhận được sự thiếu vắng của người cha trong gia đình nên tôi dễ dàng tiếp cận, đồng cảm với các em nhỏ có cha là bộ đội.
Tôi cũng tham gia Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” - Một câu lạc bộ hoạt động có những chương trình gắn kết với biển, đảo như: “Bố ở đảo xa con ở nhà có bạn” chẳng hạn hoặc là “Tết Trung thu”... Những hoạt động đó giúp cho tôi có thể tìm hiểu thêm những câu chuyện, những hoàn cảnh của người vợ lính và con của người lính. Do đó, tôi có thể hiểu hơn về các cháu cũng như hiểu hơn về tình cảm và sự hy sinh vất vả của người vợ lính để có thể chuyển thể thành thơ.
- Tôi nhận thấy, thơ của chị vừa chân thực, giản dị, nhưng lại đi sâu vào lòng người bởi cách diễn đạt rất trong trẻo: “Hôm nay bác Truyền hình đến nhà ta ba ạ/ Con nói với bác rằng con đang rất nhớ ba/ Ba có nghe không tiếng con học Ê, A/ Và tiếng mẹ hát ru con mỗi tối”. Cách diễn đạt đó có phải là một sự lựa chọn để phù hợp với đối tượng độc giả chính mà chị hướng đến?
- Tôi là con của người lính và cũng có con nhỏ nữa, nên tôi đặt vị trí của mình vào các nhân vật đó để có thể nói ra cảm xúc của mình. Hơn nữa, tôi cũng muốn hướng cho con mình có một tình yêu dành cho biển, đảo, dành cho người lính cũng như dành cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh vất vả, khó khăn hơn mình nên dùng ngôn từ của trẻ con cho dễ hiểu và dễ tiếp cận.
- Trong số hàng nghìn bài thơ chị đã sáng tác, nhiều bài thơ đã được phổ nhạc như: “Bình yên ngày mới”, “Phía ấy Hoàng Sa”, nằm trong album “Sôi lên hào khí Việt Nam” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Ca khúc “Võ Nguyên Giáp trên ngọn sóng Biển Đông” (nhạc Hồ Hoàng); ca khúc: “Bố yêu con” (nhạc Nguyễn Minh Châu); “Thương về nơi đầu sóng” (nhạc Thanh Hải), “Lính nhà giàn” (nhạc Thanh Dũng)... Có những tác phẩm đã đoạt giải cao trong các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật đề tài biển, đảo và người chiến sĩ. Chị ấn tượng nhất với bài hát nào?
- Có rất nhiều bài thơ của tôi được phổ nhạc. Trong số đó, hầu hết những bài thơ viết cho các bé được các nhạc sĩ cảm thụ và nắm được cái hồn của bài thơ rất nhanh. Và rồi họ chuyển thể thành bài hát. Một may mắn nữa là tôi được gặp những người nhạc sĩ cũng viết về biển, đảo. Vì cùng quan tâm đến một đề tài nên họ dễ dàng cảm nhận hơn. Nói thật, để nói là thích nhất bài nào thì cũng hơi khó vì bài nào tôi cũng cảm thấy hồn thơ của tôi được nâng lên trong bài hát.
Bài nào cũng thích nhưng có lẽ tôi thích nhất là bài hát “Thư con” của nhạc sĩ An Thuyên và bài “Áo cha” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Trong bài “Thư con”, tôi viết về một bạn nhỏ viết thư gửi cho cha ngoài đảo xa đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, như là một lời động viên của con dành cho cha. Còn bài “Áo cha” lại là món quà của người lính gửi về cho con và người con đã cảm nhận được tình yêu bao la cũng như sự thiêng liêng trong chiếc áo của người cha cùng niềm tự hào về người cha của mình đã hy sinh hạnh phúc của bản thân để bảo vệ Tổ quốc.
- Sắp tới, chị vẫn tiếp tục viết về đề tài này chứ?
- Vâng, cảm xúc về người lính trong tôi luôn dạt dào. Tôi vẫn đang miệt mài viết và hy vọng trong tương lai sẽ có thêm những tác phẩm mới dành tặng cho người lính.
- Trân trọng cảm ơn chị!
Nguyên Nhi (Thực hiện)
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gui-tinh-yeu-thuong-ra-truong-sa-post437464.html