Gửi tuổi trẻ cho biển
Trong khi phần lớn người trẻ nỗ lực vươn lên với mong muốn mai sau có một cuộc sống an nhàn thì Nguyễn Quốc Ngữ (sinh năm 1997), trú tại thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng lại gửi gắm tuổi thanh xuân trong môi trường quân ngũ để chuẩn bị hành tranh cho những thử thách giữa nghìn trùng sóng gió. Rời ghế Học viện Hải quân với danh hiệu thủ khoa, Quốc Ngữ đã sẵn sàng vươn ra biển lớn.
Thủ khoa thầm lặng
Những ngày này, thông tin Nguyễn Quốc Ngữ trở thành thủ khoa đầu ra của Khóa 60 Học viện Hải quân được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội khiến những người thân quen nức lòng. Nhiều người đã liên lạc với Quốc Ngữ để gửi lời chúc mừng. Đón nhận tình cảm ấy, Ngữ rất vui mừng nhưng có chút ngại ngùng. Thực ra, anh không muốn thông tin quá nhiều về thành quả vừa gặt hái được. Đối với Quốc Ngữ, danh hiệu thủ khoa chỉ là một mốc son nhỏ trong cuộc đời mình, bản thân cần nỗ lực nhiều hơn nữa để vươn tới những đỉnh cao.
Việc Nguyễn Quốc Ngữ tốt nghiệp thủ khoa không khiến nhiều người thân quen ngạc nhiên. Bởi từ lâu, Ngữ là tấm gương hiếu học. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nền nếp, từ nhỏ Quốc Ngữ đã được ba mẹ động viên, tạo điều kiện đèn sách. Sự “chắp cánh” ấy đã góp phần giúp Ngữ luôn có ý thức chăm chỉ học hành, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tốt nghiệp THPT, Quốc Ngữ trúng tuyển vào Học viên Hải quân với 24,5 điểm. Một cánh cửa mới mở ra đối với chàng trai trẻ.
5 năm theo học tại Học viên Hải quân, Nguyễn Quốc Ngữ không đặt cho mình mục tiêu trở thành thủ khoa hay đạt danh hiệu này, giải thưởng nọ, chỉ cố gắng để tiến bộ hơn từng ngày. Bên cạnh đó, Quốc Ngữ còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của học viện. Nhờ thế, 5 năm liền, lớp trưởng Quốc Ngữ đạt danh hiệu học viên giỏi với tổng điểm trung bình toàn khóa đạt 8.34, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chính ủy Quân chủng Hải quân tặng bằng khen; đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân”, “Gương mặt tiêu biểu của Học viện Hải quân”…
Trong học tập, những thử thách chưa bao giờ làm khó Nguyễn Quốc Ngữ. Trước đây, từng có thời gian, Quốc Ngữ chưa toàn tâm, toàn ý với bộ môn Tiếng Anh. Vì thế, khi được chọn là đại diện sinh viên Học viện Hải quân tham dự chương trình giao lưu đối ngoại với sinh viên nước bạn, Ngữ không thực sự tự tin. Tự nhủ bản thân phải thay đổi, Quốc Ngữ đã lao vào tự học, rồi yêu thích Tiếng Anh. Năng lực được khẳng định, Ngữ được bầu làm Phó Chủ nhiệm CLB Ngoại ngữ của Học viện Hải quân. Tham gia kỳ thi Olympic Tiếng Anh cấp học viện, Quốc Ngữ từng hai lần đạt giải Ba và được góp mặt trong đội tuyển thi Olympic Tiếng Anh toàn quân. “Điều ý nghĩa nhất đối với tôi là không còn ngại ngùng, lo lắng khi tham gia các chương trình giao lưu đối ngoại với các bạn trẻ nước ngoài. Tôi tự tin hơn rất nhiều khi giới thiệu đất nước, quê hương và ngôi trường mình theo học”, Quốc Ngữ chia sẻ.
Không ngại sóng gió
Gửi gắm giấc mơ cho Học viện Hải quân, Nguyễn Quốc Ngữ đã chọn con đường binh nghiệp như ba mình nhưng theo một lối đi khác. Ba của Ngữ hiện đang công tác Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo Cồn Cỏ. Từ nhỏ, anh em Quốc Ngữ đã quen với ngôi nhà thường xuyên vắng bóng ba. Hơn ai hết, mẹ con Ngữ biết công việc của ba và đồng đội hết sức vất vả. Bằng chứng là mỗi lần trở về, ba thường gầy và đen hơn. Vậy mà, ba Ngữ rất hiếm khi nói về những khó khăn, thử thách trong công việc. Thay vào đó, ông kể nhiều về những câu chuyện vui trong quân ngũ, tình quân dân như để gieo một “hạt mầm” trong trái tim Ngữ.
Ấp ủ ước mơ khoác chiếc áo lính từ “hạt mầm” do ba gieo nên Nguyễn Quốc Ngữ sớm quyết tâm bước vào môi trường quân đội. Chỉ khác với người ba của mình, Quốc Ngữ chọn Học viện Hải quân để theo học. Quyết định chọn màu áo hải quân để gắn bó của Quốc Ngữ khiến người thân vừa mừng, vừa lo. Mừng bởi Ngữ quyết tâm, tự tin với con đường mình đã chọn. Lo lắng vì Ngữ có thể sẽ đối diện với nhiều thách thức, khó khăn.
Tiên lượng mọi điều chờ đợi mình phía trước nhưng Nguyễn Quốc Ngữ vẫn quyết tâm gửi gắm tuổi trẻ cho biển, thi đỗ vào Học viện Hải quân. Quốc Ngữ kể, trước khi bước vào học viện, Ngữ và các tân binh khác phải trải qua khóa đào tạo nguồn sĩ quan kéo dài 5 tháng tại Trường Sĩ quan Lục quân II. Sau 5 tháng đào tạo nguồn sĩ quan, Quốc Ngữ giảm tới 15 kg, nước da chuyển sang màu đồng khiến mẹ gần như không nhận ra khi đón con về ăn tết. Bù lại, Ngữ rắn rỏi, vững vàng hơn, không e ngại gian khó.
Từ ngày bước vào lớp chỉ huy tàu cảnh sát biển, Học viện Hải quân, tình yêu biển, yêu màu áo hải quân càng rõ nét hơn trong Nguyễn Quốc Ngữ. Ngoài trang sách, Ngữ cùng bạn bè đã có nhiều chuyến đi biển ngắn ngày để hiểu thêm về công việc của những người lính hải quân và nhiệm vụ mà mình sắp gánh vác. Thử thách về cả thể chất, tinh thần khiến không ít học viên mệt nhoài lại trở nên nhẹ nhàng với Quốc Ngữ. “Không hiểu sao mỗi lần nhìn thấy biển là mọi mệt mỏi, nỗi buồn trong tôi vơi đi hết. Mỗi lần trở về nhà, tôi lại đi xe máy về biển, đôi khi chỉ để lắng nghe tiếng sóng. Tôi thấy yêu và muốn cống hiến tuổi trẻ để bảo vệ biển, đảo của quê hương, đất nước”.
Những ngày này, Nguyễn Quốc Ngữ đang chờ quyết định phân công công tác từ Bộ Quốc phòng. Thông thường, những học viên như Ngữ sẽ được biên chế làm thuyền phó một tàu quân sự hoặc cảnh sát biển. Cùng với đồng đội, Ngữ sẽ chuyên tâm làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển Việt Nam; tham gia tìm kiếm, cứu nạn; hợp tác quốc tế… Quốc Ngữ biết, giữa nghìn trùng, sóng gió về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng sẽ khắc nghiệt hơn. Thế nhưng, Ngữ sẽ không e ngại. Từ lâu, Quốc Ngữ đã nguyện gửi tuổi trẻ, cuộc đời mình cho biển, đảo của Tổ quốc.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=151760