Gượng dậy nơi tâm bão số 9
Quảng Ngãi là nơi tâm bão số 9 đổ bộ, cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất. Ngành chức năng và người dân đang chung tay khắc phục hậu quả.
Tan hoang sau bão
Gia đình ông Phạm Chánh Hưng (57 tuổi) là hộ kinh doanh tiệc cưới, có khoảng 100 m2 nhà mái tôn dựng ven quốc lộ 1. Trước khi bão số 9 đổ bộ, ông đã chằng chống, cột dây những nơi xung yếu trong nhà.
Tuy nhiên, cơn bão quá mạnh khiến cho nhiều mái tôn, đồ đạc bị thổi bay. Tình cảnh của gia đình ông chỉ là một trong số hàng chục nghìn hộ dân ở Quảng Ngãi sau bão.
Ngày 28/10, bão số 9 đổ bộ vào Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung, có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/h), giật cấp 13.
Tâm bão đi vào tỉnh Quảng Ngãi, gây thiệt hại nặng nề: 13 người bị thương, 165 nhà dân sập, hơn 84.000 nhà và gần 300 trụ sở cơ quan tốc mái, hư hỏng...
Cơn bão khiến 151 điểm trường học bị tốc mái. Ghi nhận tại thị xã Đức Phổ, nhiều ngôi trường tan hoang, đồ dùng dạy học, trang thiết bị hỏng nặng.
Thầy Bùi Văn Bi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phổ Văn, cho biết cơn bão đã khiến 26 máy tính bị mưa ướt, khả năng hỏng rất cao nhưng nhà trường chưa thể kiểm tra do chưa có điện.
Khoảng 3.000 cuốn sách cùng 5 kệ sách của thư viện trường hỏng hoàn toàn do dính mưa và bị sắt, thép làm gãy đổ.
Hàng loạt trụ, cột điện lưới quốc gia và đường dây diện đổ, hư hỏng khiến hầu hết địa phương của tỉnh Quảng Ngãi bị mất điện nhiều ngày qua.
Theo thống kê sơ bộ của Công ty điện lực Quảng Ngãi, có hàng trăm trụ bị gãy đổ.
Dọc theo tuyến quốc lộ 1, đoạn qua khu vực thị xã Đức Phổ và nhiều xã ngoại thành ven TP Quảng Ngãi, hàng loạt ngôi nhà tốc mái, xơ xác.
Người dân kể lại, cơn gió kinh hoàng của bão số 9 khiến họ thất thần, bất lực nhìn tài sản, nhà cửa bị hư hỏng. Họ chưa từng thấy cơn bão nào mạnh như vậy.
Cuộc sống đảo lộn
Tại gia đình có người chết do bão ở thôn Hòa Thọ (xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành), mọi thứ chìm trong không khí xót thương. Ông Nguyễn Văn Hiệp (39 tuổi) - một người dân trong thôn - không may tử nạn khi đang chằng chống nhà ở vào trưa 27/10, ngay trước khi cơn bão số 9 đổ bộ.
Vừa khóc, bà Yến (vợ ông Hiệp) chỉ tay về hướng mái tôn bị vỡ, nơi ông Hiệp rơi xuống đất, dẫn đến tử vong.
Bà Lê Thị Lý (76 tuổi), ngụ xã Bình Long (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) trầm ngâm trong căn nhà trống hoác sau bão. Bà đang thắp nén nhang cho người cha quá cố của mình.
Cơn bão qua để lại mọi thứ hoang tàn. Nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà, là nơi thờ tự người quá cố bị dột.
Vài chục năm sống ở đất Quảng Ngãi, bà nói mình chưa bao giờ trải qua cơn bão mạnh như vậy. Những ngày qua, bà phải ngủ nhờ ở một nhà thờ họ gần đó.
“Tôi già rồi, lại mất nhà, khổ quá. Sắp tới tôi cũng không biết làm sao để sửa chữa ngôi nhà của mình. Nhiều ngày qua, tôi sống bằng những gói mì tôm láng giềng cho”, bà Lý nói.
Chị Dương Thị Minh, cùng ngụ xã Bình Long, cũng rơi vào cảnh ngặt nghèo. Căn nhà của chị bị tốc mái hoàn toàn sau bão.
Trong gió mạnh, chị và con trai nhỏ phải cố chạy tránh những mảng tôn. "Tôi và con an toàn sau bão đã là phước lớn, tuy nhiên ngôi nhà thì hư hỏng gần như hoàn toàn. Tôi nghèo quá không có tiền sửa chữa", chị Minh vừa khóc vừa nói.
Mất điện do bão, người dân Quảng Ngãi chật vật với đêm tối. Mọi hoạt động sản xuất ngưng trệ. Đời sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.
Bí thế, họ tìm đến cửa hàng mua máy phát điện với giá cao hơn ngày thường. Tại trung tâm TP Quảng Ngãi, các khu vực có điện, hoặc những nơi có máy phát chật kín người đến nhờ sạc điện thoại và các thiết bị điện tử thiết yếu.
Bà My, ngụ thị xã Đức Phổ, trở về căn nhà của mình sau bão. Cúp điện, mọi sinh hoạt diễn ra trong bóng tối, hoặc qua ánh sáng từ chiếc điện thoại của một ai đó còn nguồn pin. Nước cũng không có để mọi người đủ dùng.
Bà My bảo có nằm mơ cũng không tưởng tượng ra mình và người thân phải rơi vào tình huống khó khăn như vậy.
Chung tay khắc phục
Gặp lại ông Hưng sau cơn bão dữ, ông thất thần nhìn mọi thứ tan hoang. "Chưa bao giờ gặp phải cảnh ngôi nhà bỗng chốc bị cuốn phăng hết phần mái như vậy", ông than.
Để bảo toàn tính mạng, ông phải trốn trong nhà vệ sinh nhiều giờ liền, tránh tôn bay vào người. "Người còn là của còn", ông nói và cho biết dù xót xa, ông phải khẩn trương khắc phục để sớm trở về nhà của mình.
Cơn bão đi qua để lại những thiệt hại nặng nề. Gượng dậy sau đó, ngành chức năng và người dân chung tay khắc phục những thiệt hại.
Một sáng sau bão, thầy Phan Quốc Huy cùng nhiều thầy cô giáo trường THPT Trần Quang Diệu, thị xã Đức Phổ, đã có mặt tại trường theo lời kêu gọi của thầy hiệu trưởng để hỗ trợ dọn dẹp. Nhìn khắp nơi đều là mái tôn, bê tông đổ nát nằm vương vãi, cây cối đổ rạp kín cả khoảng sân, thầy Huy không nói nên lời.
Điện không có, thầy Huy và mọi người chỉ có thể dọn dẹp cây cối, dây điện để đảm bảo an toàn. 20 năm giảng dạy cho không biết bao thế hệ học sinh, thầy Huy chưa từng thấy ngôi trường nào bị tàn phá khủng khiếp đến vậy dù cho bao trận bão đã đi qua.
Những căn nhà hư hỏng được người dân khẩn trương sửa chữa. Mọi người gia cố lại phần mái tôn, tiếp tục chằng chống, cắt dọn cây xanh đổ ngã.
Dọc theo các tuyến đường chính về thị xã Đức Phổ và trung tâm TP Quảng Ngãi, dễ thấy hình ảnh người dân sửa nhà, dọn dẹp mọi thứ sau bão.
Những tấm tôn bị gió bão cuốn, nằm án ngữ trên tuyến quốc lộ 1 địa phận phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, được ngành chức năng và người dân thu dọn để xe cộ lưu thông. Công việc này mất nhiều giờ mới hoàn thành.
Bão số 9 đã làm 199 cột trung áp và 104 cột điện hạ áp bị gãy, làm nghiêng 195 cột trung áp và 105 cột hạ áp, hỏng 03 TBA, 174 cách điện cùng nhiều vật tư thiết bị trên lưới điện tỉnh Quảng Ngãi.
Sáng 30/10, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã điều động lực lượng xung kích gồm 21 cán bộ, công nhân và 1 xe cẩu, nâng, 1 xe bán tải… cùng các vật tư, thiết bị lên đường làm nhiệm vụ hỗ trợ, khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra tại Quảng Ngãi.
Hơn 10 giờ mỗi ngày, tổ sửa chữa điện của anh Nguyễn Văn An (gồm 6 người), thuộc Công ty điện lực Quảng Ngãi di chuyển xuyên suốt dọc các tuyến đường của huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, sửa chữa cột điện và đường dây dẫn bị hỏng. Theo anh An, đây là một trong số những huyện lưới điện bị hư hỏng nặng nề sau bão.
"Chúng tôi chưa từng gặp tình huống này. Làm việc dù mệt nhưng chúng tôi nỗ lực để hoàn thành công việc. Chúng tôi biết mong mỏi của người dân, nên phải cố gắng làm việc ngày đêm", anh An chia sẻ.
Tổ của anh An là một trong số hàng chục tổ chữa điện trong toàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo Công ty điện lực Quảng Ngãi, một số đơn vị điện lực tỉnh bạn như Bình Thuận cử 33 cán bộ điện lực hỗ trợ sửa chữa, Công ty điện lực Đắk Lắk cũng đang điều người và vật tư ngành điện sang hỗ trợ Quảng Ngãi...
Trong và sau bão số 9, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi điều động nhiều xe đến các vùng ảnh hưởng nặng của bão để kịp thời sơ tán, cứu hộ người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/guong-day-noi-tam-bao-so-9-post1147345.html