Gượng dậy sau lũ dữ

Sáng 12-9, chúng tôi trở lại thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang)-nơi trước đó xảy ra sự cố vỡ đê.

Mặc dù nước trong thôn đã rút nhiều, một số gia đình bắt đầu quay về để dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường... nhưng điều lo lắng nhất với người dân nơi đây là hầu hết các gia đình bỗng chốc rơi vào cảnh “trắng tay” bởi hoa màu, ao cá... đều đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.

 Vị trí xảy ra sự cố vỡ đê tại thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: qdnd.vn

Vị trí xảy ra sự cố vỡ đê tại thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: qdnd.vn

Cuộc sống của người dân thôn Sài Lĩnh vốn rất bình yên, no đủ, thế nhưng chỉ trong chốc lát, cơn lũ đã cuốn phăng tất cả khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh "trắng tay". Hôm nay, nước đã bắt đầu rút, nhưng trên các con đường trong thôn vẫn ngập bùn đất, cây cối phủ kín một màu đỏ của bùn. Những khuôn mặt đượm buồn của người dân thôn Sài Lĩnh khiến ai thấy cũng xót xa, thương cảm.

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Tạo ở đội 3, thôn Sài Lĩnh khi anh đang cùng người em xúc từng xẻng bùn từ trong nhà ra ngoài, múc từng xô nước để lau rửa đồ đạc, nền nhà. Nhìn ngôi nhà của mình tan hoang sau cơn lũ bằng đôi mắt thất thần, anh Tạo nói với chúng tôi: “Mất hết rồi! Gia đình tôi trắng tay rồi! Xót quá các anh ạ!”.

Nhà anh Tạo cách chân đê chưa đầy 100m, cả gia đình 4 người chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng trồng hoa màu, 5 sào ao nuôi cá cùng vài con trâu, mấy chục con gà. Từ chiều 10-9, khi nghe thông báo của cơ quan chức năng về việc tuyến đê gặp sự cố, anh Tạo chạy vội ra bờ đê nhờ một số dân quân và anh em họ hàng đến nhà, dùng những tấm lưới cao quây lấy ao cá, di chuyển đồ đạc, đàn gia súc, gia cầm cùng toàn bộ người thân lên ngôi nhà nhỏ ở trên cao. “Lúc ấy, tôi cầu mong các lực lượng chức năng có thể khắc phục được đoạn đê, bởi nếu đê xảy ra sự cố, nước tràn vào thì sẽ ngập hết ao cá, hoa màu...”.

Mong mỏi là thế, nhưng đến đêm, toàn bộ ao cá, ruộng vườn của gia đình anh Tạo chìm trong biển nước. Đặc biệt, ngôi nhà mới xây trị giá hàng trăm triệu đồng của anh đã bị ngập quá nửa. Lúc nước mới tràn vào, tiếc đàn cá chỉ còn hai tháng nữa là có thể thu hoạch, anh Tạo định quay về xem có vớt vát được ít nào không, nhưng vợ anh thấy nguy hiểm nên không đồng ý. Theo tính toán của anh Tạo, đợt lụt vừa qua, chỉ riêng ruộng vườn và ao cá, gia đình anh đã thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Khi chúng tôi hỏi: “Mất hết như thế, thời gian tới gia đình sẽ sinh sống như thế nào?”, anh Tạo ngập ngừng: “Bao năm tích cóp sắm sửa được ít đồ đạc, giờ gia đình thành tay trắng. Buồn hơn cả là quần áo cùng sách vở, cặp sách, đồ dùng học tập của các con bị hỏng. Tôi mong chính quyền sớm có những chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Nếu được vay vốn, tôi sẽ cố gắng làm lại ao cá, ruộng vườn, phát triển kinh tế lại từ đầu”.

Vừa nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau cơn lũ khủng khiếp, ông Vũ Văn Hảo, ở đội 4, thôn Sài Lĩnh nghẹn ngào kể với chúng tôi: “Nhìn thấy ruộng vườn, ao cá của mình chìm trong nước lũ mà tôi không cầm được nước mắt. Gia đình tôi mất sạch rồi, chẳng còn gì nữa, không biết rồi vợ chồng, con cái sống sao đây. Bao nhiêu công sức, mồ hôi và cả nước mắt của vợ chồng tôi đổ hết vào ao cá, bây giờ nhìn cảnh ao trống không mà xót xa. Mặc dù khi đê vỡ, được bộ đội và dân quân đến tích cực hỗ trợ gia đình tát ao bắt cá, nhưng nước lũ tràn mạnh, ao sâu nên không thu được bao nhiêu”. Toàn bộ tài sản của gia đình ông Hảo tập trung vào ruộng vườn, 4 ao nuôi cá trắm, mè, trôi... Vậy mà chỉ sau một đêm, 7 sào ruộng trồng sắn, 5 sào ruộng trồng lúa và 4 ao cá của gia đình ông bị “xóa sổ” hoàn toàn. Giờ đây trong ao chỉ còn lại rác hòa lẫn trong dòng nước đục ngầu bùn đất. Toàn bộ số cá trong các ao ước khoảng 700-800kg, trong đó có những con nặng tới 5-6kg đều bị cuốn theo dòng nước lũ. Nếu như không bị lũ cuốn đi thì chỉ hơn một tháng nữa, gia đình ông Hảo đã có gần 100 triệu đồng từ bán cá.

Gia đình anh Tạo, ông Hảo chỉ là hai trong số gần 100 gia đình ở đội 3, đội 4, thôn Sài Lĩnh bị nước lũ cuốn trôi toàn bộ hoa màu, ao cá... Nhưng trong lúc khó khăn, họ được chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang và nhân dân trong vùng đến giúp dọn dẹp, thu gom bùn đất để có thể sớm quay về nhà. Những việc làm đó khiến ai cũng cảm thấy ấm lòng vì nhận được sự quan tâm của mọi người trong lúc hoạn nạn.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Âu Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng cho biết: “Sau khi nước rút trong sáng 12-9, chính quyền địa phương đã tổ chức đến các gia đình kiểm đếm, thống kê số lượng, diện tích hoa màu, thủy sản của người dân bị thiệt hại để báo cáo cấp trên có những biện pháp hỗ trợ. Đồng thời, xã đã huy động lực lượng, động viên bà con nhanh chóng dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, vận chuyển đồ đạc trở lại để người dân sớm ổn định cuộc sống”.

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN - CHƯƠNG THỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/guong-day-sau-lu-du-794108