Gượng dậy sau trận lụt

Mưa đã tạm dứt nhưng nước lụt vẫn bủa vây nhiều vùng của tỉnh Quảng Bình. Người dân hy vọng nước rút nhanh để bắt tay vào công cuộc tái thiết cuộc sống

Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến 17 giờ ngày 29-10, do ảnh hưởng của bão số 6 (Trami), mưa lớn kéo dài đã khiến hơn 32.000 ngôi nhà tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và TP Đồng Hới chìm trong nước. Các ngôi làng bị cô lập, giao thông bị chia cắt, diện tích hoa màu bị ngập úng nặng (tạm thống kê) rất lớn.

Ngày 29-10, nhiều nơi vẫn bị ngập sâu

Ngày 29-10, nhiều nơi vẫn bị ngập sâu

Khốn khó

Vào tối 29-10, hàng ngàn hộ gia đình tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh vẫn vật lộn trong cơn lụt dữ dội kéo dài 2 ngày qua. Nước ngập làng mạc, nhà cửa khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Nhiều hộ dân đang chênh vênh trong biển nước, chỉ biết chờ từng phút nước rút hẳn để dọn dẹp.

Xen lẫn sự lo lắng trong ánh mắt chị Nguyễn Thị Lan (43 tuổi, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy) là tia hy vọng khi nước đã rút được gần nửa mét. Nhà chị ngập sâu tới 1,5 m. Mỗi lần nước đổ về, gia đình chị đều rơi vào cảnh bấp bênh. Nước trên sông Kiến Giang dâng lên cuồn cuộn khiến đồ đạc, tài sản trong nhà bị ngập, hư hỏng phần lớn, vật nuôi bị cuốn trôi theo dòng nước. Dù đã quen với cảnh lụt lội nhưng chị vẫn không khỏi xót xa khi nhìn ngôi nhà bị nước dữ tấn công.

Lực lượng chức năng kịp thời cứu vớt bé gái bị nước cuốn trôi

Lực lượng chức năng kịp thời cứu vớt bé gái bị nước cuốn trôi

Khác với tình cảnh của chị Lan, tại một số địa phương ở huyện Quảng Ninh, nước đã rút dần về sông Long Đại, người dân "rũ bùn đứng dậy" để dọn dẹp nhà cửa. Nhà anh Trần Văn Nghĩa (44 tuổi, xã Xuân Ninh) bị ngập gần 1 m. Khi nước rút, nhìn sân nhà ngập trong bùn đất, rác thải; không ít đồ đạc, vật nuôi đã trôi theo dòng nước thấy mà xót xa!

"Nhà mất đàn gà gần 100 con, nhiều đồ đạc ngập nước ướt sũng vì không kịp kê lên cao. Dù thiệt hại về tài sản không nhỏ nhưng quan trọng nhất là gia đình tôi vẫn an toàn. Nước rút là chúng tôi bắt tay vào dọn dẹp, mong cuộc sống sớm trở lại bình thường" - anh Nghĩa tâm sự.

Sớm ổn định cuộc sống người dân

Bên cạnh việc khẩn cấp cứu trợ người dân, chính quyền địa phương đang triển khai các biện pháp dài hạn để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết địa phương đã thành lập các điểm tiếp nhận cứu trợ để phân phối lương thực, thực phẩm, áo phao và nhu yếu phẩm cho người dân bị cô lập.

Lực lượng chức năng đang tiếp tế lương thực cho người dân

Lực lượng chức năng đang tiếp tế lương thực cho người dân

Theo ông Sơn, huyện Lệ Thủy đã huy động toàn bộ lực lượng cứu hộ để tiếp cận những khu vực ngập sâu, các nhu yếu phẩm đã được cung cấp kịp thời đến tay người dân. Tuy nhiên, hiện nước lụt tại địa phương rút rất chậm, gây khó khăn lớn cho công tác cứu trợ. Chính quyền đã khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển bằng ghe thuyền để tránh nguy hiểm, trừ những trường hợp khẩn cấp về y tế.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, cho biết nhiệm vụ trước mắt là bảo đảm an toàn cho người dân vùng thiên tai. Các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai và khôi phục sản xuất sẽ được triển khai ngay khi nước rút.

"Tình trạng mất mùa, thiệt hại tài sản và nguy cơ dịch bệnh sau lụt đang là những vấn đề khiến người dân lo lắng. Chúng tôi đang phối hợp với các lực lượng chức năng để bảo đảm nhu yếu phẩm và chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng lũ" - ông Tuấn cho hay.

Trong ngày 29-10, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kiêm Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lụt. Ông Trần Thắng đánh giá cao tinh thần chủ động của các đơn vị trong việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ"; việc huy động kịp thời lực lượng, phương tiện ứng cứu và hỗ trợ người dân tại các vùng bị cô lập, chia cắt. Các biện pháp sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt, khu vực có nguy cơ sạt lở đất và vùng hạ du hồ chứa cũng đã được tiến hành kịp thời; cập nhật chính xác thiệt hại để tham mưu kịp thời trong việc lãnh đạo và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, ông Trần Thắng yêu cầu các lực lượng tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tổ chức cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt tại các khu vực bị chia cắt và có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, công tác điều phối cứu trợ, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả và ổn định sau thiên tai phải được triển khai nhanh chóng, bảo đảm đúng đối tượng và minh bạch.

Mưa lụt làm 4 người chết và mất tích

Mưa lụt đã làm hơn 32.000 ngôi nhà tại Quảng Bình bị ngập, trong đó huyện Lệ Thủy chịu thiệt hại nặng nhất với hơn 19.000 ngôi nhà chìm trong nước, Quảng Ninh hơn 12.000 ngôi nhà. Mưa lụt cũng đã làm chết 1 người và 3 người mất tích. Hiện công tác tìm kiếm người mất tích vẫn đang được triển khai.

Bài và ảnh: HOÀNG PHÚC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/guong-day-sau-tran-lut-19624102920401957.htm