Gương mặt Việt ở Triển lãm hoa cúc Kashihara Jingu
Triển lãm bonsai hoa cúc tại đền Kashihara Jingu (tỉnh Nara, Nhật Bản) do Hiệp hội Hoa cúc Nhật Bản tổ chức diễn ra từ ngày 20-10 đến 20-11.
Đã 10 năm kể từ lần đầu có tác phẩm bonsai hoa cúc dự triển lãm, anh Nguyễn Văn Quảng là người Việt đồng thời là người nước ngoài duy nhất bền bỉ với loại hình nghệ thuật này trên đất Nhật.
Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế/Chỉ em là đã khác với em xưa (thơ Xuân Quỳnh). Thuận theo thơ và thuận theo tự nhiên thì như thế. Nhưng uốn ươm cho ra được bonsai hoa cúc lại không hề nhịp nhàng tuần tự kiểu sen tàn cúc lại nở hoa. Cho đến nay, bonsai hoa cúc vẫn chủ yếu chỉ người Nhật “chơi” được. Và để nhận được giải thưởng từ Hội trưởng Hội Hoa cúc Nhật Bản, được Báo Mainichi của tỉnh Nara đến phỏng vấn, anh Nguyễn Văn Quảng phải trải qua nhiều lần… “trắng hoa”.
“Hai năm đầu tiên tham dự triển lãm bonsai hoa cúc tôi đều thất bại. Người thầy Nhật dạy bonsai đã chỉ ra sai lầm của tôi chính là yêu cây quá, chăm bẵm tưới tắm nhiều khiến cho rễ không cần vươn dài vẫn hút được dinh dưỡng. Cái cây không thể tồn tại với bộ rễ quá ngắn. Đây cũng là bài học vừa uốn cây vừa làm người”.
Ở những triển lãm nghệ thuật như thế này, điều thú vị là ở chỗ ta thấy được sự đổi thay của tác phẩm nghệ thuật theo từng ngày trưng bày. Khi Hội trưởng Hội bonsai hoa cúc gửi thư tới hội viên mời tham gia triển lãm cũng là lúc cây cúc mà anh Nguyễn Văn Quảng đang nâng niu ươm uốn từ những kệ giá kê trong chỗ đỗ xe chật hẹp phía trước nhà mình (ở huyện Goseshi thuộc cố đô Nara) chuẩn bị nở hoa.
Chơi bonsai thân gỗ phải ươm trồng từ lúc còn trẻ may ra đến già mới thấy thành quả. Có khi vài đời người mới hoàn thiện được một cái cây trăm năm tuổi. Nhưng tại sao người Nhật lại tâm đắc với bonsai hoa cúc? Quảng lý giải: “Là vì với bonsai hoa cúc thì chỉ trong một năm, người ta đã có thể thấy được thành quả. Vẻ đẹp của triển lãm bonsai hoa cúc cũng là vậy: các tác phẩm sẽ từ từ nở hoa và bung sắc tỏa hương suốt từ 20-10 đến 20-11 hàng năm”.
Anh Nguyễn Văn Quảng thích bonsai từ khi còn ở Việt Nam. Thấy đẹp thì thích chứ chưa mày mò tự ươm uốn bao giờ. Năm 2006, anh sang Nhật làm công nhân, định cư ngay trên quê hương của môn nghệ thuật này nên sở thích ban đầu ấy có cơ hội bén rễ nảy mầm. “Tình cờ đi xem một triển lãm bonsai ở đây, tôi gặp được người thầy Nhật đầu tiên. Thầy bảo thích thì thầy dạy cho. Vỡ ra nhiều bài học, nhưng chủ đạo vẫn là thuật ngữ wabi sabi mà thầy muốn tôi thấm nhuần. Wabi là sự hoàn hảo, còn sabi là khuyết điểm. Nhìn vào một tác phẩm bonsai thất bại thầy vẫn tìm ra được thứ để khen. Mỗi khuyết điểm có vẻ đẹp riêng của nó, chẳng qua người ta chưa nhìn ra mà thôi”, anh Quảng bày tỏ.
Và người ta có thể chi cả ngàn, thậm chí cả triệu USD để mua một cây bonsai, tức là mua cái cây đã hoàn thiện rồi mang về ngắm. Còn Quảng lại yêu quá trình nuôi lớn và đắp hình tạo dáng cho cây. Cũng trong cái chỗ đỗ xe chật hẹp trước nhà ấy, Quảng hầu như không có gốc bonsai nào đắt tiền. Những lúc cùng vợ con đi dạo trong rừng, lên núi, khi ra chợ thấy cây phôi nào tuy rẻ tiền nhưng hứa hẹn có thần thái, Quảng sẽ mua hoặc đánh về trồng.
Niềm vui và giá trị tinh thần gặt hái chính từ quá trình tưới tắm, cắt tỉa, thay chậu. Vườn nhỏ thì chơi cây nhỏ chỉ 20cm trở xuống. Thế mà hầu như năm nào anh cũng được mời gửi tác phẩm đi triển lãm, được người yêu bonsai ở địa phương ưu ái trân trọng. Và từ một gốc bonsai còn vươn thêm tầng ý nghĩa khác. Ấy là khi Quảng dự định từ năm sau sẽ giới thiệu các giá trị văn hóa của Việt Nam cộng hưởng trong một chậu bonsai: “Cây bonsai trồng trong chậu gốm sứ Việt vẽ hoa văn trống đồng Đông Sơn, tranh Đông Hồ, tháp Rùa, cầu Long Biên, chùa Một Cột… và đặt trên chiếc đôn gỗ do làng mộc ở Việt Nam gửi sang”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/guong-mat-viet-o-trien-lam-hoa-cuc-kashihara-jingu-post709859.html