Gương sáng cựu chiến binh làm giàu từ sản xuất, kinh doanh

Phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, khi rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, hàng trăm cựu chiến binh trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) rất hăng say trong lao động, sản xuất để vượt khó, thoát nghèo trên chính mảnh đất của gia đình. Tiêu biểu trong số đó là ông Nguyễn Văn Lèo và ông Trần Tấn Phong, nhờ chăm chỉ trong lao động thông qua canh tác lúa và buôn bán đã giúp gia đình thoát nghèo, đem lại cuộc sống ấm no, sung túc.

Được Hội Cựu chiến binh huyện Kế Sách giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Lèo, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách. Trò chuyện với chúng tôi bên ly trà nóng, ông Lèo nhớ lại: “Tôi tham gia cách mạng vào năm 1972, đây là thời điểm chiến tranh diễn ra ác liệt nhất. Tôi được phân công nhiệm vụ giữ và phân phát lương tại đơn vị...". Với đóng góp sức mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Lèo được nhận Huân chương Chiến sĩ giải phóng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, hạng nhì, hạng ba.

Ông Trần Tấn Phong, xã An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bên trong cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp của gia đình. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Trần Tấn Phong, xã An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bên trong cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp của gia đình. Ảnh: THÚY LIỄU

Khi hòa bình lập lại, ông Lèo được Nhà nước cấp vài công đất. Khi có đất, ông làm lúa 1 vụ/năm và tăng dần lên 2, 3 vụ/năm, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tích lũy qua từng năm, ông xây dựng được căn nhà cấp bốn. Khoảng 15 năm trở lại đây, ông chuyển cả gia đình ra chợ thị trấn Kế Sách sinh sống. Hiện tại, nguồn thu nhập chính của ông Lèo là bán thức ăn buổi sáng, cho thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Giờ đây, đời sống gia đình ông Lèo đã khấm khá, ấm no, sung túc.

Kể về quá trình vươn lên của mình, cựu chiến binh Trần Tấn Phong, xã An Mỹ, huyện Kế Sách bộc bạch: “Tôi tham gia cách mạng năm 1977 tại Tỉnh đội Hậu Giang. Lúc bấy giờ, tôi làm trong tổ sản xuất với nhiệm vụ chăn nuôi heo, để cung cấp nguồn thực phẩm phục vụ cho các đơn vị quân đội trong và ngoài tỉnh. Công việc chăn nuôi khá vất vả, bởi phải đảm bảo được số lượng heo xuất chuồng đạt năng suất, chất lượng, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 1991, tôi xuất ngũ về địa phương chỉ với chiếc balo mang theo bên mình. Để vươn lên trong cuộc sống, tôi thuê ruộng canh tác lúa. Khi có một số vốn, tôi phát triển mô hình chăn nuôi heo thịt, nuôi heo sinh sản. Lợi nhuận từ chăn nuôi heo, tôi mở cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Nhờ chăn nuôi heo và kinh doanh, gia đình tôi thoát nghèo bền vững, có nguồn thu nhập tốt. Hiện tại, tôi vẫn duy trì buôn bán vật tư nông nghiệp, có nguồn thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng”.

Huyện hội quản lý tổng số 2.314 hội viên, trong đó số hội viên giàu chiếm trên 43%, số hội viên nghèo chỉ còn 7%. Hội viên khá giàu làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo tiêu biểu của Huyện hội là ông Nguyễn Văn Lèo và ông Trần Tấn Phong. "Cả 2 không chỉ tích cực lao động, sản xuất đem lại cuộc sống no đủ cho gia đình, mà còn rất tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Với 2 gương sáng này, Huyện hội thường biểu dương trong các cuộc họp để các hội viên học hỏi làm theo. Trong thời gian tới, để xóa hội viên nghèo, Huyện hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả; đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn, từ các cấp hội và vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội triển khai đến hội viên nghèo để họ mở rộng trồng trọt, chăn nuôi…", đồng chí Nguyễn Hoàng Chuẩn - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kế Sách cho biết.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/guong-sang-cuu-chien-binh-lam-giau-tu-san-xuat-kinh-doanh-67177.html