Gương sáng nữ anh hùng Lao động ngành Giao thông vận tải
Có những người trở thành anh hùng khi cầm súng ra mặt trận,nhưng cũng có người là anh hùng khi trên tay chỉ có cuốc, xẻng và sức lao động của mình.
Huyền thoại Cao Bằng
Dành trọn tuổi thanh xuân cống hiến cho ngành GTVT, từ một cô gái nghèo trở thành nữ Anh hùng Lao động, bà Hoàng Thị Miên (trú tại tổ 25, phường Sông Hiến, TP. Cao Bằng) là một tấm gương tiêu biểu trước thời kỳ đổi mới. Ở những đoạn đường gian khổ, khắc nghiệt nhất lúc bấy giờ đều ghi dấu ấn của nữ công nhân sửa chữa đường bộ, đêm ngày bám đường, nổ mìn phá đá, bảo đảm mạch máu giao thông luôn được thông suốt. Câu chuyện về nữ Anh hùng Lao động Hoàng Thị Miên năm xưa giống như một huyền thoại, cho đến bây giờ mỗi khi nhắc lại đều khiến mọi người cảm thấy nể phục.
Năm 1960 khi vừa tròn 20 tuổi, bà Miên đã tình nguyện nộp đơn lên xã đi làm công nhân thủy lợi điện lực Sam Luồng, huyện Hòa An. Đến năm 1962, bà chuyển công tác sang Hạt 7, cung đường Cao Lù, Ty GTVT Cao Bằng với công việc phá đá làm đường. Từ năm 1969 - 1980, bà được ban lãnh đạo tin tưởng giao làm Cung trưởng Cung Cao Sơn, Hạt 7, đoạn bảo dưỡng Đường bộ, Ty Giao thông.
Nhớ về những ngày tháng gian nan, vất vả đó, bà Miên không khỏi xúc động: “Những ngày bắt đầu mới đi làm, tổ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, không có máy móc như bây giờ, chỉ có những dụng cụ lao động hết sức thô sơ là cuốc, xẻng, búa, rìu và thuốc nổ để phá đá, làm đường. Tổ sản xuất của tôi hầu hết là nữ, được giao nhiệm vụ quản lý cung đường Cao Sơn dài hơn 10km chủ yếu là đèo dốc quanh co, nhiều đoạn cua gấp khúc và không có rãnh thoát nước nên vào mùa mưa lượng nước từ trên núi cao đổ xuống xói mòn hết nền mặt đường. Chị em làm việc lúc bấy giờ rất vất vả. Vào thời điểm khi có chiến tranh, tôi cùng với các chị em vẫn cố gắng ở lại bám trụ cung đường phục vụ chiến đấu. Đó là thời điểm yêu cầu việc mở đường, thông đường phải hoàn thành sớm nhất. Những cung đường lúc đó bị sạt lở nghiêm trọng, tôi cố gắng chỉ huy và động viên chị em nỗ lực lấy đá kè đường, đảm bảo đường đi lại được khai thông nhanh chóng, kịp thời phục vụ chiến đấu”.
Đứng trước những khó khăn, bà luôn sát sao, động viên anh chị em hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đoạn đường được giao và cũng chính lúc gian khó ấy, nhiều sáng kiến mới độc đáo của nữ tổ trưởng Hoàng Thị Miên ra đời. Theo đó, để rải mặt đường và vá “ổ gà”, bà Miên nghĩ ngay đến việc tận dụng nguồn đất thải từ mỏ thiếc Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình, kết hợp với việc đưa những tảng đá lớn lên xe cải tiến đến hiện trường rồi mới đập nhỏ. Cách làm đó vừa giúp chị em trong đội tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, vừa bớt những khâu trung gian, rút ngắn thời gian công việc. Những lúc mưa to, bà huy động chị em trong tổ ra kiểm tra mặt đường, chỗ nào đất sạt lở thì hót và cào đất, cho đất chảy theo dòng nước mưa, làm như vậy năng suất tăng lên gấp hai, gấp ba lần so với công đăng ký, lại bảo đảm mặt đường không bị xói mòn.
Trong suốt quãng thời gian 25 năm gắn bó với ngành GTVT cho đến lúc nghỉ hưu, ở đâu, lúc nào bà Hoàng Thị Miên cũng là người cán bộ gương mẫu, nhiệt tình với công việc và chia sẻ mọi khó khăn với đồng nghiệp. Bản thân bà Miên đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, tiêu biểu như 9 năm liền được Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen, 8 năm liền đạt Chiến sỹ thi đua và được UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tặng nhiều bằng khen. Tháng 8/1985, bà được Nhà nước tuyên dương là Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa. Tháng 01/1986, bà được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Với bà, đây là phần thưởng, đồng thời cũng là động lực để tiếp tục có những đóng góp xây dựng quê hương ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Bác Hồ căn dặn.
Người vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ
Người phụ nữ có được vinh dự lớn đó là Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, sinh năm 1940, quê ở xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cuối năm 1965, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc hòng phá hoại các cơ sở kinh tế, quốc phòng, chặn đứng sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Hưởng ứng phong trào tình nguyện gia nhập Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước do Ban Bí thư Trung ương Đoàn phát động, cô gái trẻ Nguyễn Thị Kim Huế đã làm đơn xin nhập ngũ vào lực lượng thanh niên xung phong.
Trên tuyến đường 12A khốc liệt, Tiểu đội 6 thuộc C759 do bà Nguyễn Thị Kim Huế làm Tiểu đội trưởng gồm 16 chị em, được giao phụ trách đảm bảo giao thông đoạn từ Nam cầu La Trọng đến Bãi Dinh. Đoạn đường này rất hiểm trở, một bên là đèo cao, một bên là vực sâu, suốt ngày đêm địch đánh phá khốc liệt, trơ trụi không còn một bóng cây, lán trại phải dựng trong rừng sâu để tránh bị đánh phá.
Cuối năm 1965, khi cấp trên có chủ trương thành lập Trung đội quyết tử cho tuyến đường huyết mạch 12A, bà Nguyễn Thị Kim Huế là người xung phong gia nhập đầu tiên. Bà được tín nhiệm giao trọng trách Trung đội trưởng. Ở trung đội quyết tử, mỗi lần ra mặt đường đều phải làm những công việc cận kề với cái chết như phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu sống hướng dẫn xe qua. Vì vậy trước khi đi làm nhiệm vụ, bà và các chị em khác đều được làm “lễ truy điệu sống”!
Năm 1966, tại km21, đường 12A, không quân Mỹ dội bom, bắn phá ròng rã 45 ngày đêm bằng B52. 24 đồng đội của bà đã ngã xuống, bản thân bà Huế cũng đã bao lần bị bom dập vùi nhưng người nữ Trung đội trưởng ấy đã dũng cảm chỉ huy, trở thành điểm tựa tinh thần để đồng đội kiên cường bám trụ, bảo vệ vững chắc con đường huyết mạch ra chiến trường. Với bản tính gan dạ và dày dạn kinh nghiệm, được điều đi phá bom từ trường ở những trọng điểm lửa dọc sông Gianh như đường Ba Trại, phà Gianh… nhưng ở nơi nào, Nguyễn Thị Kim Huế cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với những thành tích và chiến công trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ngày 01/01/1967, Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Kim Huế - nữ cựu thanh niên xung phong đầu tiên của lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Càng vinh dự hơn khi bà được 5 lần ra Hà Nội báo công và gặp Bác Hồ. Năm 1995, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6 thuộc C759 anh hùng về nghỉ hưu với thương tật vĩnh viễn 25%