Gương sáng trong đồng bào công giáo
Để vùng đồng bào có đạo thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng các phong trào thi đua yêu nước, cán bộ mặt trận xã, trưởng ban công tác mặt trận thôn là 'cầu nối' quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền và các chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo.
Cơ sở sản xuất nước mắm tạo việc làm cho 5 – 7 giáo dân của Trưởng Ban Đoàn kết công giáo thị xã Nghi Sơn Nguyễn Văn Chữ.
Từ sự ủng hộ của các chức sắc, chức việc và sự tham gia tích cực của bà con đồng bào công giáo, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” đã mang lại hiệu quả thiết thực, lan tỏa sâu rộng, xuất hiện ngày càng nhiều gương sáng điển hình tiên tiến, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc bền vững tại địa phương.
Là phó ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ an ninh xã hội số 8 phố Tây Sơn 1, phường Phú Sơn, phó ban đoàn kết công giáo TP Thanh Hóa, ông Trần Mạnh Quán luôn nêu gương trong công tác và lối sống. Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 7 - 9 lao động là con em giáo dân, với mức thu nhập bình quân từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng, ông luôn hăng hái, nhiệt tình tham gia công tác xã hội và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do thành phố và địa phương phát động. Ông cùng ban công tác mặt trận phố phối hợp với chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền, chuyển tải những nội dung của việc xây dựng tổ dân phố kiểu mẫu, phường văn minh đô thị đến từng ngõ phố, từng hộ gia đình để mọi người dân được biết và thực hiện; vận động, quyên góp tiền thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, giúp đỡ hộ nghèo, động viên học sinh khó khăn; tích cực tham gia công tác thanh tra, giám sát cộng đồng. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của phố Tây Sơn 1 đạt 63 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,9%. Phố đạt danh hiệu phố văn hóa. Năm 2020, phố Tây Sơn 1 đã xóa hết hộ nghèo, tiến tới xây dựng phố kiểu mẫu.
Trên cương vị là Trưởng Ban Đoàn kết công giáo thị xã Nghi Sơn, ông Nguyễn Văn Chữ luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chủ động sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng, tìm thị trường để phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương có mức thu nhập ổn định. Ông cùng các vị linh mục, tu sĩ, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ vận động bà con giáo dân đóng góp trên 14,5 tỷ đồng, hàng trăm ngàn ngày công, nguyên vật liệu, hiến đất... bê tông hóa đường giao thông nông thôn, trục chính nội đồng; xây dựng các công trình phúc lợi; tham gia ủng hộ bà con các vùng bị thiên tai Quan Sơn gần 1 tỷ đồng; quyên góp, ủng hộ quỹ vì người nghèo với số tiền 115 triệu đồng. Phối hợp vận động Nhân dân, gia đình, dòng họ và được sự hỗ trợ của MTTQ xã và thị xã xây mới được 21 nhà Đại đoàn kết, với số tiền 1.171 triệu đồng và sửa chữa 2 nhà trị giá 30 triệu đồng... Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, đồng bào công giáo thị xã Nghi Sơn đã và đang góp phần vào sự phát triển, tiến bộ và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” ngày càng vững mạnh.
Một tấm gương sáng tiêu biểu khác trong đồng bào công giáo là giáo dân Bùi Văn Thời ở xã Quảng Phú (Thọ Xuân). Chúng tôi đến thăm khu đồi Chè - một vùng đồi bạt ngàn cam của giáo dân Bùi Văn Thời đúng lúc anh đang tất bật với công việc hàng ngày. Tay nâng niu những quả cam căng tròn, vàng óng, anh Thời chia sẻ: “Năm 2017, tôi bắt đầu đưa cây cam V2, cam Đường Canh vào trồng ở khu đồi Chè. Trong tổng số hơn 1.500 cây cam, năm nay tôi chỉ cho ra bói khoảng 200 cây để khảo nghiệm năng suất. Hiện nay, mỗi cây cam cho năng suất từ 30 đến 40 kg. Phải từ năm thứ 5, cây cam mới cho năng suất cao, từ 80 đến 1 tạ/cây. Nếu giá cam ổn định khoảng 20.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi năm, đồi cam này cho thu nhập trên 1 tỷ đồng”.
Đây là 3 trong số rất nhiều tấm gương tiêu biểu trong đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh đã và đang từng ngày nỗ lực trong các phong trào thi đua yêu nước, sáng tạo trong những cách làm hay, xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo, thực hiện đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, góp phần làm “đẹp đạo” theo đúng tinh thần “yêu thương” của người công giáo. Ngoài ra, còn rất nhiều tấm gương tiêu biểu khác như: Giáo dân Lê Minh Tâm, ở thôn 8, xã Thọ Xương (Thọ Xuân) với mô hình khôi phục bưởi Luận Văn nức tiếng; hay các giáo dân Nguyễn Văn Lại, Lê Văn Hoạt, Trịnh Đình Mạnh, Lê Trọng Thường ở huyện Yên Định là những điển hình trong phát triển kinh tế trang trại, với thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm; giáo dân Nguyễn Văn Thiên ở huyện Nông Cống, chủ cơ sở sản xuất chiếu cói, mỗi năm thu nhập khoảng 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương;...
Với tinh thần đoàn kết, đồng hành, gắn bó, đồng bào giáo dân trong tỉnh ngày càng phát huy tinh thần yêu nước, cùng với các tầng lớp Nhân dân chăm lo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nhờ vai trò “cầu nối” của cán bộ mặt trận xã, thôn. Qua đó đã tạo niềm tin của đồng bào công giáo đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/guong-sang-trong-dong-bao-cong-giao/135297.htm