Gương vỡ, khó lành?
Mỹ - Triều đã nối lại đàm phán về hạt nhân vào cuối tuần qua sau nhiều tháng bế tắc, nhưng cuối cùng bàn đàm phán vẫn tiếp tục đổ vỡ.
Mỹ - Triều đã nối lại đàm phán về hạt nhân vào cuối tuần qua sau nhiều tháng bế tắc, nhưng cuối cùng bàn đàm phán vẫn tiếp tục đổ vỡ.
Phái đoàn Triều Tiên do Ngoại trưởng Kim Myong Gil dẫn đầu và phái đoàn Mỹ do Đặc phái viên về Triều Tiên Stephen Biegun dẫn đầu lần đầu tiên khởi động các cuộc đàm phán cấp chuyên viên chính thức tại Stockholm, Thụy Điển kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 tại Hà Nội. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Triều Tiên đã bỏ ra ngoài trước khi kết thúc đàm phán. Sau đó, ông Kim Myong-gil tuyên bố cuộc đàm phán đổ vỡ do Washington không đưa ra một đề xuất mới, ngược lại với quan điểm của phía Mỹ rằng cuộc thảo luận diễn ra tốt đẹp và họ đã đưa ra “những ý tưởng sáng tạo” và xem trước một số “sáng kiến mới”.
Trước thất bại này, ông Kim Myong Gil cảnh báo sẽ xảy ra “những sự việc kinh hoàng” nếu Mỹ không quay trở lại bàn đàm phán với sự chuẩn bị kỹ càng. Ông khẳng định các cuộc đàm phán có tiếp tục nữa hay không là tùy thuộc vào Washington. Về đề nghị của Mỹ rằng hai nước sẽ họp lại ở Thụy Điển trong 2 tuần tới nhằm tiếp tục các phiên thảo luận, ông Kim Myong Gil bày tỏ thái độ hoài nghi khi cho rằng, Washington đã không thể đưa ra bất cứ kế hoạch thay thế nào trong 100 ngày qua kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi cuối tháng 6-2019.
Có thể thấy, mâu thuẫn chính hiện nay là ở chỗ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đòi dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt, còn Mỹ tuyên bố có khả năng từng bước dỡ bỏ trừng phạt nếu Bình Nhưỡng cũng dần dần hủy bỏ chương trình hạt nhân của họ. Và những phát biểu cứng rắn, công khai thể hiện sự bất mãn và đe dọa nối lại các hoạt động thử tên lửa hạt nhân và tầm xa của Bình Nhưỡng khiến nhiều người nghĩ đến khả năng nước này đang viện đến các chiến thuật gây sức ép mạnh trong đàm phán hạt nhân. Như một công cụ bổ sung để gây áp lực, ngoài việc phóng tên lửa đạn đạo, Triều Tiên có thể tiến hành những vụ thử hạt nhân mới. Nhưng động thái đó cũng có nghĩa là bùng phát khủng hoảng, dẫn đến những lệnh trừng phạt mới và sức ép quân sự mới.
Bình Nhưỡng rõ ràng đưa ra những yêu cầu tối đa đối với Washington trong chiến lược “được ăn cả ngã về không” phiên bản riêng của Triều Tiên. Với kịch bản này, Triều Tiên sẽ tìm kiếm nhiều nhượng bộ nhất có thể từ phía Mỹ, nếu điều đó không khả thi thì Bình Nhưỡng có khả năng sẽ thỏa hiệp một chút. Nhưng việc đình chỉ trừng phạt để đổi lấy một thỏa thuận nhỏ sẽ là trò hề của cơ chế trừng phạt quốc tế. Và Mỹ sẽ không đưa ra đề nghị vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ vì lợi ích của một thỏa thuận nhỏ với Triều Tiên. Việc dỡ bỏ trừng phạt để đổi lấy tiến triển về phi hạt nhân hóa sẽ đòi hỏi sự phối hợp quốc tế.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_213887_guong-vo-kho-lanh-.aspx