GV đứng lớp trải lòng khi dạy học sinh chỉ đạt 3-4 điểm/môn trúng tuyển vào 10
Học sinh chỉ đạt 3-4 điểm/môn đã trúng tuyển vào 10 công lập khiến giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn rất vất vả trong khâu quản lí và dạy học.
Người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông đã từng nhiều năm giảng dạy học sinh trúng tuyển vào 10 công lập nhưng các em chỉ đạt 3-4 điểm/môn.
Làm công tác chủ nhiệm và dạy học sinh đầu vào khiêm tốn suốt 3 năm, giáo viên chúng tôi phải trải qua một hành trình đầy gian nan vất vả.
Học sinh yếu đến từ đâu?
Thứ nhất, ở bậc trung học cơ sở, việc đánh giá học sinh lớp 9 cho đến thời điểm này vẫn theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc đánh giá học sinh chủ yếu căn cứ vào kết quả điểm qua các bài kiểm tra thường xuyên (hệ số 1), định kì (giữa kỳ - hệ số 2 và cuối kì - hệ số 3).
Khách quan mà nói, việc kiểm tra đánh giá bao giờ cũng phân loại được theo học lực: giỏi, khá, trung bình, yếu, kém.
Cũng theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT, học sinh thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được lên lớp:
- Nghỉ quá 45 buổi học trong năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại);
- Học lực cả năm loại Kém hoặc học lực và hạnh kiểm cả năm loại yếu;
- Sau khi đã được kiểm tra lại một số môn học, môn đánh giá bằng điểm có điểm trung bình dưới 5,0 hay môn đánh giá bằng nhận xét bị xếp loại Chưa đạt, để xếp loại lại học lực cả năm nhưng vẫn không đạt loại trung bình.
- Hạnh kiểm cả năm xếp loại yếu, nhưng không hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện trong kỳ nghỉ hè nên vẫn bị xếp loại yếu về hạnh kiểm.
Tuy vậy, nhiều đồng nghiệp của người viết dạy bậc trung học cơ sở chia sẻ, hầu hết các nhà trường rất "sợ" cho học sinh không đạt yêu cầu theo quy định ở lại lớp. Vậy nên, cuối năm thầy cô tìm mọi cách cho các em lên lớp.
Việc cho các em lên lớp cũng chỉ cần vài ba "kĩ thuật" đơn giản như: giới hạn nội dung kiểm tra lại chỉ vài bài học. Trước lúc kiểm tra, giáo viên bộ môn ôn tập "sát" kiến thức cho học sinh. Sở dĩ nói ôn tập "sát" vì đề kiểm tra nhiều lúc chỉ cần học sinh thay số vào công thức là có ngay đáp số.
Học sinh được lên lớp chủ yếu là do bệnh "thành tích"; rồi chỉ tiêu thi đua năm sau cao hơn năm trước "đè" nặng lên các nhà trường hoặc giáo viên vì tình thương hại học sinh, phụ huynh.
Thứ hai, ngày nay, nhiều loại hình vui chơi, giải trí nở rộ, nhất là game online (trò chơi trực tuyến) khiến một bộ phận không nhỏ học sinh mất ăn, mất ngủ, hao tâm tổn lực, hoang phí thời gian lao vào thế giới ảo mà không hề biết chán, khiến các em sao nhãng, bỏ bê việc học.
Thứ ba, ở các đô thị, do cha mẹ, người thân quá bận công việc dẫn đến thiếu sự quan tâm đến con em cũng khiến học sinh học tập yếu kém.
Một học sinh lớp 10 từng chia sẻ với tôi rằng, mỗi ngày em được gặp ba mẹ khoảng vài ba tiếng sau 18 giờ. Tuy vậy, sau bữa ăn tối, mạnh ai nấy lướt điện thoại thông minh chứ ba mẹ, con cái cũng rất ít khi trò chuyện hay hỏi han con cái học hành thế nào.
Ngoài ra, rất nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế khó khăn thì thường phó mặc việc học tập của con em cho giáo viên. Ở lớp, một giáo viên bộ môn cũng chỉ dạy các em vài ba tiết/tuần, thầy cô giáo chủ nhiệm sinh hoạt lớp 1-2 tiết thì rất khó quan tâm toàn diện học sinh.
Dạy học sinh yếu giáo viên rất vất vả
Nhiều năm dạy học sinh chỉ đạt 3-4 điểm/môn đã trúng tuyển vào 10 công lập, tôi nhận thấy giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, kể cả giám thị rất vất vả trong khâu quản lí và dạy học. Bởi vì, học sinh học yếu thì thường ý thức kỷ luật cũng không thực sự tốt.
Thứ nhất, trong một tuần học, giáo viên chủ nhiệm có một tiết sinh hoạt lớp, vài ba tiết dạy nên rất khó theo sát những em học sinh top dưới của lớp.
Sau tiết chào cờ sáng thứ Hai, lẽ ra giáo viên chủ nhiệm sẽ dành một tiết để sinh hoạt lớp thì thầy cô phải xử lí những em học sinh vừa học kém vừa vi phạm kỉ luật trường, lớp như: đi học trễ, nghỉ học không xin phép, mặc sai đồng phục, không học bài cũ...
Đối với những học sinh vi phạm kỉ luật có hệ thống thì giáo viên chủ nhiệm phải cho các em viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh làm việc riêng. Riêng đối với học sinh vi phạm kỉ luật nặng hơn, ví dụ, các em đánh nhau thì phải ra hội đồng kỉ luật.
Trước khi đưa sự việc học sinh vi phạm ra hội đồng kỉ luật thì giáo viên chủ nhiệm, học sinh, phụ huynh học sinh, giám thị và lãnh đạo nhà trường phải họp để xem xét hành vi rất mất công sức, thời gian.
Một giáo viên chủ nhiệm lớp 10 đã từng chia sẻ với tôi rằng, một năm làm giáo viên chủ nhiệm có nhiều học sinh học yếu và vi phạm kỉ luật, cô đã có dấu hiệu bị trầm cảm. Hiểu chuyện, lãnh đạo nhà trường đã kịp thời động viên cô, không để cô phải làm chủ nhiệm nữa, và may mắn đến nay cô giáo cũng đã ổn định tâm lí.
Thứ hai, giáo viên bộ môn rất nhọc nhằn khi dạy học sinh khi điểm thi tuyển sinh của những em chỉ đạt mức từ 3-4 điểm/môn.
Trong quá trình dạy học sinh lớp 10, tôi từng bắt gặp nhiều em đọc văn bản cứ ấp a ấp úng, thậm chí gặp một số từ khó thì có em vẫn không đọc được. Nhiều em viết một đoạn văn ngắn nhưng sai hàng chục lỗi chính tả, ngữ pháp.
Một số đồng nghiệp dạy các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học cho biết thêm, học sinh học yếu thường chỉ làm được yêu cầu nhận biết, một ít phần thông hiểu - tức là chỉ đạt ngưỡng 2-3 điểm.
Một giáo viên dạy môn Tiếng Anh lớp 10 tâm sự với tôi rằng, học sinh có hàng chục năm học ngoại ngữ nhưng kiểm tra, thi cử thì nhiều em vẫn đánh lụi trắc nghiệm vì không thuộc từ vựng, ngữ pháp.
Riêng phần vận dụng, chỉ ở mức đơn giản, cho dù có dạy đi dạy lại thì nhiều em vẫn không làm được, học trước quên sau. Người thầy dù có cố gắng bao nhiêu chăng nữa thì cũng có lúc nản chí.
Riêng học sinh học yếu ở lớp 10 nếu các em không có tinh thần học tập tăng lên, nỗ lực hết sức với sự hỗ trợ của thầy cô, gia đình kèm cặp thì lên lớp 11, 12 khả năng học tập các em cũng rất khó cải thiện nhiều. Đáng nói, học sinh lớp 12 nếu trượt tốt nghiệp thì giáo viên gặp rất nhiều áp lực từ phụ huynh học sinh rồi lãnh đạo nhà trường và cả dư luận xã hội.
Đơn vị tôi đang công tác đã từng có nhiều học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông bị điểm liệt (dưới 1 điểm) ở các môn thi trắc nghiệm, kể cả môn tự luận Ngữ văn khiến thầy cô chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Chuyện học sinh thi bị điểm liệt là hi hữu, vì theo nguyên tắc, các em chỉ cần đánh một phương án trong 4 phương án A, B, C, D là có thể đạt điểm cao nhất lên tới 2,5/10 điểm. Vậy mà các em vẫn bị điểm liệt để thấy giáo viên dạy học sinh yếu rất lao lực, lao tâm.
Một trong những giải pháp góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những học sinh chỉ đạt 3-4 điểm/môn vẫn trúng tuyển lớp 10 công lập đó là phải học thật, kiểm tra đánh giá thật. Cùng với đó, cần mạnh phải cho học sinh ở lại lớp và phân luồng sau trung học cơ sở thì sẽ giải được bài toán khó khăn này.