GV vùng khó cần bằng khen cấp tỉnh, bộ để xét NGƯT: Không dễ nhưng cần thiết

Đó là chia sẻ của Nhà giáo ưu tú Vũ Thị Ý về tiêu chuẩn trong xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn.

Những tiêu chuẩn nới lỏng trong xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú tại Nghị định 35/2024/NĐ-CP đối với giáo viên giảng dạy tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (vùng đặc biệt khó khăn) là sự khích lệ, động viên giúp họ bám trường, bám lớp.

Cụ thể, điểm mới của Nghị định 35 là thay đổi các tiêu chí mới trong xét duyệt danh hiệu Nhà giáo ưu tú với nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục công tác từ 15 năm trở lên tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo đó, tại điểm h, khoản 3 (Điều 8, Nghị định 35) quy định về tài năng sư phạm có nêu: Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục có 15 năm trở lên liên tục công tác tại các trường, điểm trường ở vùng xa xôi hẻo lánh thuộc thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của địa phương;

Vận động được nhiều người học đến trường và duy trì sĩ số học sinh được cấp huyện khen thưởng thì hội đồng cấp huyện căn cứ đề xuất của cơ sở giáo dục để bình xét và lựa chọn không quá 01 nhà giáo hoặc cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục tiêu biểu cho mỗi đợt xét. Đối tượng quy định tại điểm này không phải thực hiện tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều 8.

Như vậy, trong xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú đối với cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục công tác tại vùng đặc biệt khó khăn đã có sự ưu tiên khi quy định là 15 năm trở lên, tức giảm 5 năm so với khoản 5, Điều 9, Nghị định 27 quy định với đối tượng trên từ 20 năm trở lên.

Bên cạnh đó, tại điểm a, khoản 4 (Nghị định 35) quy định về công lao và thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục có nêu: "Nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đã 03 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; 01 lần được tặng bằng khen theo công trạng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước".

Trong khi đó theo quy định cũ tại khoản 3, Điều 9 (Nghị định 27/2015/NĐ-CP) quy định về tiêu chuẩn danh hiệu Nhà giáo ưu tú có nêu: "Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Đã 05 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 05 lần được tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 05 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng".

Như vậy, so với khoản 3, Điều 9 (Nghị định 27/2015/NĐ-CP), tại điểm a, khoản 4 (Nghị định 35/2024/NĐ-CP) quy định với đối tượng trên đã được giảm 2 lần danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, và bắt buộc phải là giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên. Đồng thời, điểm mới của Nghị định 35 là yêu cầu đối tượng nêu trên phải 1 lần được tặng bằng khen cấp bộ, ban, ngành...

Bên cạnh đó, Nghị định 35 cũng bổ sung quy định tiêu chuẩn đối với giáo viên công tác từ 5 năm trở lên tại vùng đặc biệt khó khăn. Giáo viên phải đáp ứng tiêu chuẩn như tham gia biên soạn 1 tài liệu bồi dưỡng hoặc tham gia biên soạn 1 báo cáo chuyên đề thuộc cấp bộ, tỉnh, sở, ban, ngành hoặc tác giả 2 sáng kiến cơ sở...

Đồng thời, giáo viên công tác từ 5 năm trở lên phải 3 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; 1 lần được tặng bằng khen theo công trạng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước.

Nghị định cũng có điểm mới là nhân đôi thời gian công tác đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn.

Về nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Vũ Thị Ý (giáo viên Trường phổ thông bán trú tiểu học Xín Cái, Mèo Vạc, Hà Giang, là 1 trong 917 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú vào năm 2021) kể lại lần cô được xét. Theo đó, khi cấp trên gửi văn bản xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, cô đã xem các tiêu chí của bản thân đã đạt được hay chưa.

Theo đó, cô Ý đã đạt 8 lần chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên giỏi cấp tỉnh, bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen. Nhận thấy đủ tiêu chuẩn, cô đã nộp hồ sơ để xét tuyển.

Để đạt được những thành tích nêu trên, cô Ý cho hay, đó là điều không hề dễ dàng, khi công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, cha mẹ ít có sự quan tâm tới con cái trong việc học hành, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn...

Đối với giáo viên như cô Ý, bản thân cô phải tự tìm tòi, mày mò phương pháp giảng dạy qua sách, tài liệu để giúp học sinh dễ hiểu bài.

"Giáo viên phải đến vận động học sinh đến trường vào thời điểm mỗi kỳ nghỉ lễ, đầu năm học mới hoặc những lúc người dân đi làm nương. Nếu giáo viên không tâm huyết, không có học sinh đến lớp", cô Ý chia sẻ

Trong giảng dạy, cô Ý thường lấy những dẫn chứng thực tế từ cuộc sống để khơi dậy sự hiếu học của học sinh. Giả dụ, hình ảnh người dân không biết chữ sẽ phải điểm chỉ khi thực hiện thủ tục hành chính, hay như hình ảnh của công nhân viên chức có công việc ổn định, được xã hội tôn trọng trong khi đó trái ngược với hình ảnh gia đình của các em...

Nhà giáo ưu tú Vũ Thị Ý đến từng nhà ở các thôn, bản vận động các gia đình tạo điều kiện cho con đến trường. (Ảnh: Báo Hà Giang)

Về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú đối với giáo viên công tác từ 15 năm tại vùng đặc biệt khó khăn, Nghị định 35 đã miễn tiêu chuẩn yêu cầu giáo viên tham gia biên soạn 1 tài liệu bồi dưỡng - 1 báo cáo chuyên đề cấp sở, bộ, ban ngành hoặc tác giả 2 sáng kiến cơ sở... cô Vũ Thị ý nhận định đây là điều thuận lợi cho giáo viên để cố gắng cho quá trình phấn đấu.

Đối với đối tượng nêu trên phải có 3 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; 1 lần được tặng bằng khen theo công trạng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, cô Vũ Thị Ý tiêu chuẩn về 1 lần được bằng khen cấp bộ là khó đối với giáo viên vùng cao, tuy nhiên đây là điều để khẳng định với xã hội về năng lực của giáo viên.

Đối với tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn từ 5 năm trở lên, cô Ý nhận định đây là những tiêu chuẩn khó với giáo viên, trong đó là các giáo viên trẻ, những người mới có một quãng thời gian ngắn làm quen với môi trường giảng dạy, kinh nghiệm chưa có nhiều.

"Nếu công tác từ 5 năm trở lên, giáo viên cũng khó để đạt tiêu chuẩn về 3 lần là chiến sĩ thi đua cơ sở, 1 lần nhận bằng khen của bộ... vì giáo viên còn đang tìm tòi truyền tải kiến thức tới học sinh", cô Vũ Thị Ý nhận định.

Đã công tác tại vùng đặc biệt khó khăn được 12 năm, cô Hà Thị Tình (Trường Mầm non Hải Hồ, xã Tả Ngảo, Sìn Hồ, Lai Châu) cảm thấy phấn khởi khi Nghị định 35 ưu tiên nhân đôi thời gian công tác với giáo viên vùng đặc biệt khó khăn. Đó là sự ghi nhận từ nhà nước đối với những giáo viên đang trải qua những khó khăn, vất vả, thiếu thốn.

Đối với các tiêu chuẩn về thành tích trong xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, cô Tình chia sẻ, đối với bằng khen cấp Bộ, ở trường cô công tác có phó hiệu trưởng nhà trường đã nhận được.

Với tiêu chuẩn chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên phải đạt về sáng kiến kinh nghiệm, chất lượng học sinh và tham gia các hoạt động trong ngoài lớp.

Về tiêu chuẩn tham gia biên soạn tài liệu bồi dưỡng hoặc có báo cáo chuyên đề cấp Sở, tỉnh, bộ ban, ngành hoặc có sáng kiến cơ sở, cô Tình nhận định, giáo viên địa phương có thể đạt về tiêu chuẩn sáng kiến cơ sở.

Công tác giảng dạy tại vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình đến nay đã 20 năm, cô Xa Thị Hương (Trường mầm non Vầy Nưa, Đà Bắc, Hòa Bình) chia sẻ, cô từng một lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và giáo viên giỏi cấp huyện, khi biết thông tin về những tiêu chuẩn mới có sự ưu tiên trong xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, bản thân cô cảm thấy rất vui mừng bởi sự quan tâm của nhà nước.

Đối với tiêu chuẩn về bằng khen của Bộ, ban, ngành, cô Hương cho biết, ở trường cô đang công tác hiện chưa có ai đạt được.

Bản thân cô Hương từng giảng dạy tại điểm trường nằm ở đảo nhỏ. Để đến được trường, cô phải đi thuyền, có hôm trời đen kịt mưa giông sắp ập xuống, cô vội vã chèo thuyền vào trong bờ tránh trú.

Do là địa phương vùng đặc biệt khó khăn, nên nhiều giáo viên được luân chuyển đến đơn vị công tác và sau đó khi đủ thời gian để có thể thuyên chuyển, họ sẽ chuyển đi trường khác.

Bởi vậy, cô nhận thấy, những tiêu chuẩn mới trong xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn là sự động viên, khích lệ tinh thần to lớn để giáo viên cố gắng bám trường, bám lớp.

Chia sẻ thêm về công việc, cô Hương cho hay, hết giờ lên lớp về nhà, cô sẽ soạn giáo án, sổ sách. Khi không bận các công việc đó, cô lại tự làm các đồ dùng, dụng cụ học tập cho các bé. Để có vật liệu, cô Hương phải đi nhặt những đồ dùng ve chai, các vật liệu phù hợp để làm xoong, ấm chén, tủ, giường… cho học sinh của mình. Bên cạnh đó, cô còn tranh thủ phụ giúp chồng chăm nom lồng bè cá trên sông Đà.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gv-vung-kho-can-bang-khen-cap-tinh-bo-de-xet-ngut-khong-de-nhung-can-thiet-post242992.gd