H&M: Gần 5.000 cửa hàng toàn cầu, nhưng lùm xùm cũng nhiều không kém
Trong quá khứ, H&M đã nhiều lần phải xin lỗi về những bê bối liên quan đến phân biệt chủng tộc và văn hóa.
Thời trang nhanh đang trở thành ngành công nghiệp bùng nổ, khi các nhà bán lẻ luôn sẵn sàng tung ra thị trường các mặt hàng may mặc trong thời gian kỷ lục.
H&M được coi là cái tên tiên phong của phong trào này. Dù dính vào nhiều vấn đề gây tranh cãi như cáo buộc phân biệt chủng tộc, bị tẩy chay ở Trung Quốc và Việt Nam, hãng thời trang Thụy Điển vẫn thương hiệu thời trang nhanh ăn nên làm ra nhất trên thế giới.
Ở các nước phương Tây, hầu hết mọi người đều có ít nhất một bộ quần áo của H&M hoặc ít nhất đã từng bước vào một trong các cửa hàng của hãng. Sự thành công của công ty đến từ việc cung cấp đa dạng quần áo và phụ kiện với mức giá rất thấp.
Khởi nguồn là cửa hàng chuyên đồ săn bắn và câu cá
Năm 1946, Erling Persson mở một cửa hàng quần áo phụ nữ ở Thụy Điển có tên là Hennes. Trong tiếng Thụy Điển, từ này có nghĩa là "Hers". Khoảng hai năm sau, Persson mua một cửa hàng trang phục săn bắn và câu cá, có tên là Mauritz Widforss. Doanh nhân này kết hợp hai thương hiệu lại để bán cả quần áo nam và nữ. Cửa hàng mới đó có tên Hennes and Mauritz – viết tắt là H&M.
Ngày nay, H&M Group đã mở rộng trên toàn cầu với 4.743 cửa hàng tại hơn 50 quốc gia. Mặc dù thành lập ở Thụy Điển nhưng Mỹ mới là nơi công ty có nhiều cửa hàng nhất với con số 543. Thương hiệu này đã có mặt ở tất cả các nơi trên thế giới, bao gồm cả ở Síp, Ma Cao, Tasmania và Iceland.
Theo truyền thống, mỗi khi mở thêm cửa hàng mới, các nhân viên của cửa hàng sẽ cùng nhau thực hiện điệu nhảy flashmob để chào mừng. Khi một cửa hàng mở cửa tại Australia vào năm 2015, hơn 100 nhân viên đã có màn biểu diễn sôi động trước những khách hàng đang chờ đợi ngoài cửa.
Đối với một số nhà bán lẻ, như The Gap, phải mất đến sáu tháng để thiết kế và sản xuất các mẫu mã mới, nhưng đối với H&M, họ chỉ mất hai tuần. Tại trụ sở chính ở Stockholm, H&M thuê các nhà thiết kế am hiểu xu hướng thời trang để áp dụng vào các sản phẩm mới.
Các nhà cung cấp trên khắp thế giới giúp đưa sản phẩm đến các cửa hàng chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Điều này giải thích tại sao luôn có quần áo mới mỗi khi khách hàng bước vào cửa hàng H&M.
Mặc dù được biết đến là thương hiệu có giá cả phải chăng, H&M vẫn có cửa hàng COS, nơi bán các sản phẩm cao cấp hơn với mức giá đắt hơn. COS là viết tắt của Collection of Style. H&M cũng sở hữu các thương hiệu khác như Weekday, H&M Home và Arket.
Trong thời đại phụ nữ đấu tranh cho các vai trò lãnh đạo, hội đồng quản trị của H&M nổi tiếng là chiếm đa số phụ nữ với 7/11 thành viên.
Những cú phốt của H&M
Mặc dù có các chính sách đề cao môi trường và giữ hình ảnh thương hiệu tích cực, công ty Thụy Điển vẫn không thoát khỏi những tranh cãi và bê bối trong vài năm qua. Vào năm 2018, H&M tung ra một quảng cáo có hình ảnh cậu bé người Mỹ gốc Phi mặc áo hoodie có dòng chữ "Chú khỉ ngầu nhất trong rừng".
Cộng đồng mạng đã chỉ trích H&M, gọi đây là hành vi phân biệt chủng tộc và thiếu tế nhị. H&M đã gỡ hình ảnh xuống và xin lỗi vì quảng cáo.
"Sự cố này là ngẫu nhiên, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không xem xét vấn đề một cách cực kỳ nghiêm túc hoặc hiểu được sự khó chịu mà nó gây ra", đại diện H&M nói vào thời điểm đó. "Chúng tôi đã gỡ hình ảnh xuống và loại bỏ mẫu quần áo được đề cập khỏi kệ hàng. Giờ đây, chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn điều này tái diễn trong tương lai".
Trong quá khứ, H&M từng đối mặt với cáo buộc về chiếm đoạt văn hóa, cũng như phải loại bỏ một chiếc mũ lông vũ giả vào năm 2013 khỏi các cửa hàng ở Mỹ và Canada sau khi nhận được lời phàn nàn rằng phụ kiện này chế nhạo văn hóa thổ dân bản địa.
Vì những tranh cãi trên mà năm 2018, thương hiệu tuyên bố đã thuê một "nhà lãnh đạo toàn cầu chuyên về tính đa dạng và bao trùm”.
Mặc dù từng tuyên bố vào năm 2013 rằng mục tiêu của hãng là mang đến cho công nhân nhà máy trên khắp thế giới một mức lương khả quan, H&M vẫn phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt về vấn đề lương bổng và điều kiện làm việc trong các nhà máy.
Vào năm 2016, các báo cáo được công bố tại các nhà máy ở Campuchia cho biết, công nhân tại đây phải chịu đựng các điều kiện làm việc không đúng với cam kết. H&M cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích về điều kiện làm việc tại các nhà cung cấp ở Bangladesh.