Hà cớ gì mà người ta lại 'chạy sô'?
Không hiểu sao gần đây trong giao tiếp, đặc biệt là trên báo chí tiếng Việt ta thấy rất hay xuất hiện từ 'chạy sô'. Đây là tổ hợp từ ghép song tiết nhưng mang 'quốc tịch' của cả 2 ngôn ngữ Việt - Anh.
Từ chạy thì có lẽ mỗi người Việt ta đều đã rõ quá rồi. Đó là động tác (của người hay động vật có chi) di chuyển thân thể bằng những sải bước nhanh. Còn từ sô thì phiên cách đọc một từ tiếng Anh: show (đọc chính xác phải là [Şou = sâu]), có nghĩa là “buổi biểu diễn (nghệ thuật)” hay “suất diễn”.
Tất cả các buổi trình diễn, giới thiệu một tiết mục hay chương trình nghệ thuật nói chung (kịch, phim, ca nhạc, thời trang...) thì người Anh đều dùng show để gọi. Nhưng người Việt thì dùng nghiêng hẳn về lĩnh vực ca múa nhạc. Có lẽ do thị trường âm nhạc của chúng ta đang hết sức sôi động. Các chương trình ca nhạc lớn nhỏ chiếm một thời lượng lớn trên mọi sân chơi giải trí và phương tiện truyền thông.
Giở bất kỳ một tờ báo, một tờ tạp chí (nhất là tạp chí dành cho giới trẻ) nào trên sạp là ta lập tức bắt gặp hàng loạt các gương mặt ca sĩ: nam nữ, già trẻ, Ta, Tây, Nhật, Hàn... đủ loại. Nhưng sao tự nhiên hà cớ gì mà người ta lại sáng tạo ra cụm từ chạy sô nghe lạ tai thế nhỉ?
Đây bắt nguồn từ hiện tượng ca sĩ, diễn viên (hay người mẫu thời trang...) nào đó tận dụng thời gian để tham gia biểu diễn nhiều chương trình khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định.
Trừ các liveshow riêng biệt, thường thì một ca sĩ chỉ hát một vài bài cho một chương trình. Chẳng có ca sĩ nào (dù ca sĩ hạng xoàng) lại phung phí thời gian ngồi trọn từ đầu chí cuối trong buổi diễn đó cả. Các “sao” càng nổi danh thì thời gian càng quý. Vậy là họ phải tận dụng khai thác tối đa khả năng “tác nghiệp”.
Với cátxê (tiếng Pháp: cachet = tiền thù lao biểu diễn) cao ngất trời, có ca sĩ đã nhận lời diễn ba bốn địa điểm trong một đêm (sân khấu, truyền hình, nhà hát, nhà hàng khách sạn...). Dĩ nhiên, các điểm diễn phải khá gần nhau và được bố trí sao cho thích hợp. Nhưng dù có thích hợp đến mấy thì “đương sự” cũng phải “vắt chân lên cổ” mà chạy mới kịp. Có ca sĩ vừa hát xong, còn chưa kịp thở, thậm chí chưa kịp nhận hoa, đã vội vã chào khán giả rồi “lặn” luôn.
Chạy sô tức là cố gắng thu xếp để tranh thủ tham gia nhiều chương trình liên tiếp gối nhau một cách tốt nhất về khả năng có thể tận dụng. Tất nhiên, biểu diễn theo kiểu “ăn xổi” - fast food - như vậy thì chất lượng không thể cao là cái chắc.
Thế nhưng, điều đáng nói là từ chạy sô đã lập tức “chạy” vào nhiều lĩnh vực hoạt động khác chẳng liên quan gì đến biểu diễn nghệ thuật. Chẳng hạn, có người nói, nhiều sếp bây giờ trong một buổi sáng chạy sô hết cuộc họp này đến cuộc họp khác (cứ lĩnh phong bì, nhận tài liệu và nếu cần, phát biểu mấy câu chúc tụng là có thể “chạy” được rồi). Rồi nhiều khi, được ngày đẹp, bao nhiêu người phải hối hả chạy sô đám cưới (vài ba đám mời mà một “cái bụng” không thể ăn mấy cỗ cùng một lúc, vậy là phải chạy mừng cho xong và cuối cùng dừng ở một đám cần thiết nhất).
Rồi cảnh các giáo viên đua nhau chạy sô cho các lò luyện thi đại học cấp tốc cuối khóa. Ngày Tết, bao nhiêu cán bộ phải “méo mặt” chạy sô cái khoản chúc Tết các sếp. Bao nhiêu sếp là bấy nhiêu “quà”/ Mà là quà thật là “lung linh”. Lại phải lần mò đến nhà mới xong. Hơn nữa sếp có phải lúc nào cũng ở nhà để mà “nhận” chúc mừng cho đâu. Không gặp được sếp thì áy náy quá. Rồi ngày 8-3 hàng năm cũng vậy. Sẽ có ối chàng “ga-lăng” phải nát óc tính toán chạy sô chúc tụng sao cho đẹp lòng các nàng đây! Ái chà, chạy sô kiểu này quả là mệt quá.
Mệt nhưng chắc chắn chẳng bao giờ họ được nhận một đồng thù lao “cátxê” đâu. Chỉ có tốn thêm thì có!
PGS-TS. Phạm Văn Tình
(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ha-co-gi-ma-nguoi-ta-lai-chay-so-36969.html