Hà Đức Định - Người cựu binh yêu tiếng Tính, lời Then
'Trong những năm tháng ở chiến trường, chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc, bất kể đi đến đâu, lời Then, tiếng Tính vẫn luôn đi vào giấc mơ, nhắc nhở tôi về quê hương, nguồn cội' - Đó là chia sẻ của Nghệ nhân dân gian Hà Đức Định, cựu chiến binh ở phường Bắc Kạn, tỉnh Thái Nguyên.
Sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc
Cựu chiến binh (CCB) Hà Đức Định sinh năm 1965; năm 1984 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc tại tỉnh Cao Bằng. Năm 1985, khi vừa tròn 20 tuổi, ông chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang, nơi được mệnh danh là “chảo lửa” khốc liệt nhất bấy giờ.

Cựu chiến binh Hà Đức Định thắp hương các đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.
Ông Hà Đức Định nhớ lại: Khi ấy tôi là Tiểu đội trưởng, đồng đội của tôi toàn người trẻ, có người còn chưa từng có bạn gái. Chiến tranh ác liệt, tôi thực sự đã chuẩn bị tinh thần rằng mình sẽ nằm xuống tại đây, cũng như bao người anh em khác đã đi trước. Chúng tôi tuyệt nhiên không một ai sợ hãi hay hối hận, tinh thần ai cũng sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc. Có lần chiếm chốt, giằng co với địch, hai người đồng đội đã hi sinh, tôi ôm súng cố gắng bám trụ và chiến đấu. Cho đến nay, tôi vẫn luôn nghĩ rằng, được sống là một điều may mắn.
Năm 1988, ông Định rời quân ngũ trở về quê hương, xây dựng cuộc sống gia đình. Với tinh thần của người lính, kiên cường, gắn bó với nhân dân, ông luôn tích cực vì lợi ích chung của tập thể. Chính vì vậy, từ năm 1992, ông Định được các tổ chức giao nhiệm vụ, vị trí công tác tại địa phương. Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, CCB Hà Đức Định cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cựu chiến binh Hà Đức Định tâm huyết với hát Then, đàn Tính.
CCB Hà Đức Định hiện công tác tại Hội CCB phường Bắc Kạn. Bản thân ông luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương. Tiêu biểu như năm 2023, gia đình ông đã hiến hàng trăm mét vuông đất, cây cối, hoa màu với tổng giá trị hàng chục triệu đồng để làm đường đi đến các khu kinh tế của nhân dân 2 thôn Khuổi Chang và Tân Thành.
Hết lòng với điệu Then, tiếng Tính
Nhắc về tình yêu với văn hóa dân tộc, người cựu binh trở nên sôi nổi, rộn rã. Ông Hà Đức Định kể, từ ngày bé ông đã được nghe “ké” các cụ hát Then trong những lần đi nương rẫy, hay đơn giản là lúc làm việc nhà. Lúc ấy tiếng hát Then từ chiếc đài cũ là món ăn tinh thần quý báu; các cụ già thường chăm chú lắng nghe và thuộc cũng rất nhanh. Có lẽ vì ấn tượng như vậy, nên với ông Định, tiếng Then luôn được ông trân quý.

Hằng năm, cựu chiến binh Hà Đức Định tổ chức những chuyến hành trình về nguồn cho các học viên.
Với đàn Tính còn là một cái duyên trong Quân đội, ông Định chia sẻ: Năm 1984, tôi đóng quân ở tỉnh Cao Bằng, xung quanh là bản làng người Tày. Chúng tôi vẫn thường vào nhà người dân, thấy các cụ già thường đánh đàn Tính. Tôi thấy rất hay nên đã mày mò học cách đánh đàn, học cả cách làm đàn. Các cụ còn nhiệt tình luyện cho tôi hát Then, từ đó tôi đã gắn bó với lời Then, tiếng Tính cho đến bây giờ.
Với tình yêu da diết, người cựu binh luôn đau đáu mong ước khôi phục lại nét đẹp văn hóa tại quê hương. Sau những tiết mục văn nghệ cấp thôn, xã và cả cấp tỉnh của ông Định, người dân cũng bắt đầu thêm yêu, thêm quý tiếng Tính, lời Then. Từ năm 2009, ông Định đã đứng ra mở lớp học hát Then, đàn Tính cho người dân và học sinh địa phương.
Được tổ chức miễn phí nên địa điểm lớp học thường rất linh động, từ nhà họp thôn cho đến phòng họp ở các trường học. Người cựu binh giản dị lên lớp mang theo cả chục chiếc đàn Tính cho học viên mượn. Cùng với giai điệu êm dịu, ngân nga, các lớp học còn rộn rã tiếng nói cười, nhất là những buổi có học sinh tham dự. Trung bình, mỗi năm ông tổ chức được hai lớp học, mỗi lớp sẽ học trong ba tháng. Tính đến nay, đã có hơn 100 lượt học viên được ông truyền dạy nét văn hóa đặc sắc này.
Để động viên, khích lệ thế hệ trẻ học hát Then, đàn Tính, hằng năm CCB Hà Đức Định còn tự bỏ một phần kinh phí, tổ chức những chuyến hành trình về nguồn cho các học viên nhí. Từ đó thắp lên ngọn lửa yêu thương và tự hào dân tộc trong lứa tuổi học trò.

Không chỉ truyền dạy văn hóa dân tộc, ông Hà Đức Định còn miệt mài chế tác từng chiếc đàn Tính.
Ngoài ra, ông Định thường xuyên viết các tiểu phẩm, kịch ngắn cho nhiều hội thi các cấp. CCB Hà Đức Định còn sáng tác, đặt lời cho các làn điệu dân ca, nhiều bài hát đã được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Bắc Kạn cũ thu thanh phát sóng. Hiện nay, ông Định vẫn đang cần mẫn chế tác nhạc cụ dân tộc, nỗ lực duy trì, khơi dậy, giữ gìn các làn điệu dân ca, bản sắc quý báu của dân tộc.
Ông Ma Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB phường Bắc Kạn, cho biết: Ông Hà Đức Định là một cán bộ CCB gương mẫu, tâm huyết, có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động cộng đồng. Đặc biệt, với sự bền bỉ gìn giữ, phát huy nghệ thuật hát Then – đàn Tính, ông đã trở thành tấm gương lưu giữ bản sắc dân tộc cho cho thế hệ trẻ.
Ghi nhận những đóng góp ấy, năm 2024, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho CCB Hà Đức Định. Với CCB Hà Đức Định, chặng đường gìn giữ văn hóa dân tộc vẫn được lặng lẽ tiếp nối. Người lính Vị Xuyên năm xưa, với lời thề “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”, nay giữ trọn tinh thần ấy qua từng giai điệu quê hương.
Ông bảo, chừng nào còn đủ sức, ông sẽ còn mở lớp, còn truyền dạy, để lời Then, tiếng Tính tiếp tục ngân vang trong lòng những thế hệ mai sau.