Hạ đường huyết và cách xử trí, phòng ngừa

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu quá thấp.

Cơ thể hấp thụ đường qua các thức ăn có nhiều carbohydrates như gạo, khoai tây bánh mì, ngũ cốc, sữa, trái cây, và các loại đồ ngọt. Đường tích trữ trong gan và mô dưới dạng glucogen, sau đó được phân hóa thành glucose để tạo năng lượng cho cơ thể.

Triệu chứng hạ đường huyết thường xảy ra khi đói hoặc xa các bữa ăn, tương ứng thời gian tác dụng tối đa của thuốc (insulin hoặc sulfamid hạ đường huyết) đối với bệnh nhân đái tháo đường. Triệu chứng trên cải thiện nhanh khi cung cấp glucose tức thời.

Hạ đường huyết thường gặp khi bệnh nhân đái tháo đường đang được điều trị tích cực bằng insulin hay thuốc uống nhóm sulfonylureas, có thể xảy ra do những nguyên nhân sau: ăn quá ít, ăn muộn hay bỏ bữa, tiêm quá liều insulin, những thuốc hạ đường huyết uống: như nhóm sulfonylureas (diamicron, amaryl,...) và meglitinides, tăng hoạt động hay tập thể dục quá mức, uống quá nhiều rượu, suy thận,...

Nguyên nhân khác: do nghiện rượu, hạ đường huyết trong bệnh lý gan, thận; insulinoma, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng,...

Một số triệu chứng khi hạ đường huyết.

Một số triệu chứng khi hạ đường huyết.

Dấu hiệu cảnh báo hạ đường huyết

Ở mức độ nhẹ: Dấu hiệu toàn thân: Bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi thể lực lẫn tinh thần, buồn ngủ, chóng mặt, vã mồ hôi (dấu hiệu rất quan trọng trong giai đoạn này). Ở hệ tiêu hóa thì cảm giác đói bụng và co thắt vùng thượng vị, có thể nôn hoặc tiêu chảy. Trên hệ tim mạch cũng bị ảnh hưởng với cảm giác hồi hộp, nhịp tim nhanh hoặc ngoại tâm thu; tăng huyết áp; đau vùng trước tim kèm rối loạn nhịp hoặc dạng đau thắt ngực.

Ở hệ hô hấp, xuất hiện cơn khó thở dạng hen. Hệ thần kinh sẽ xuất hiện cơn chuột rút, dị cảm đầu chi và quanh môi, nhức đầu thường xuyên hoặc kịch phát; rối loạn điều tiết, nhìn đôi, run lạnh (dễ nhầm do nhiễm trùng). Ngoài ra, bệnh nhân còn có triệu chứng ở tâm thần kinh như rối loạn nhân cách và tính khí với các biểu hiện: kích thích, vui vẻ, liến thoắng hoặc đôi khi buồn bã hoặc nóng tính. Nếu giai đoạn này phát hiện kịp thời và xử trí bằng các thức uống có chứa đường, dấu hiệu lâm sàng cải thiện nhanh và các triệu chứng kể trên sẽ qua nhanh.

Ở mức độ nặng: Có thể xảy đến đột ngột hoặc xảy ra trên nền các biểu hiện lâm sàng của hạ đường huyết nhẹ kể trên. Trong giai đoạn này biểu hiện lâm sàng chủ yếu là về tâm thần kinh như: sững sờ, đờ đẫn, cơn trầm cảm với xu hướng tự sát, kích động, hoang tưởng, ảo giác, mất ý thức thoáng qua; cứng hàm (dấu hiệu quan trọng dễ nhầm với uốn ván); động kinh toàn thể hoặc khu trú dạng Bravais-Jackson, liệt nửa người, khu trú, rối loạn tiểu não - tiền đình như chóng mặt, rối loạn vận động (dễ nhầm tai biến mạch máu não). Giai đoạn này sử dụng glucose ưu trương đường tĩnh mạch trực tiếp hơn là cho đường uống, bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh.

Đối với trường hợp hôn mê do hạ đường máu: Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng thường không tương ứng với nhau. Khởi đầu thường không đột ngột, kèm co cơ, co giật, tăng phản xạ gân xương, co đồng tử, cứng hàm, đổ nhiều mồ hôi, kèm nét mặt đỏ bừng và hồi phục sau khi truyền glucose sớm trước khi qua giai đoạn không phục hồi (với hôn mê sâu, thương tổn não không hồi phục và tử vong nếu hạ glucose máu nặng và kéo dài). Do vậy, khi bệnh nhân có dấu hiệu này, cần cấp cứu ngay để tránh biến chứng nặng nề, thậm chí dẫn đến tử vong.

Phòng ngừa hạ đường huyết

Không nên nhịn đói, hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nên nhịn ăn mà hoạt động thể lực quá mức. Nhất thiết không được bỏ bữa sáng, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh mạn tính, cơ thể yếu. Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ về chế độ dùng thuốc và chế độ ăn uống điều trị bệnh đái tháo đường. Loại bỏ các yếu tố nguy cơ như kiêng khem quá mức, bỏ ăn vì mệt mỏi hoặc do các bệnh lý khác... Thường xuyên kiểm tra đường huyết tại các cơ sở y tế hoặc có thể tự làm kiểm tra tại nhà bằng cách theo dõi đường máu mao mạch theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Cần có chế độ tập luyện thường xuyên, phù hợp đối với từng người theo tư vấn của bác sĩ điều trị để đảm bảo sức khỏe. Luôn luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt có đường... trong túi, trong cặp để lúc xảy ra hạ đường huyết là có thể dùng ngay.

ThS.BS. Lê Văn Lam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-duong-huyet-va-cach-xu-tri-phong-ngua-n188420.html