Hà Giang chăm lo đời sống cho gia đình người có công

Trong những năm qua, phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa' luôn được cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Giang quan tâm thực hiện. Nhờ đó, đời sống của các gia đình người có công với cách mạng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Tỉnh Hà Giang có hơn 24 nghìn người có công, trong đó có 2.648 người đang được hưởng trợ cấp hằng tháng. Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai trên nhiều phương diện và được xã hội hóa mạnh mẽ.

Triển khai đúng đối tượng các chính sách

Để nâng cao đời sống cho gia đình người có công, cấp ủy, chính quyền các cấp tại Hà Giang đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng đối tượng các chính sách dành cho người có công. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực từ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước để hỗ trợ gia đình người có công phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Theo đó, từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã giải quyết chế độ điều dưỡng luân phiên cho gần 14 nghìn lượt người với số tiền 17 tỷ đồng; chi trả chế độ cho gần 18 nghìn người trực tiếp tham gia bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975 theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ; 57 nghìn người là dân công hỏa tuyến được hưởng chế độ theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng thăm hỏi, tặng quà bệnh binh Nguyễn Văn Luận, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng thăm hỏi, tặng quà bệnh binh Nguyễn Văn Luận, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên.

Ngoài thực hiện tốt việc chi trả chế độ hằng tháng, các địa phương cũng quan tâm hỗ trợ các gia đình người có công cây giống, con giống, tập huấn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nhờ đó, hầu hết gia đình người có công được tiếp thêm động lực, phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Theo số liệu thống kê, trên tuyến biên giới tỉnh Hà Giang còn khoảng 1.400 liệt sĩ vẫn còn nằm lại chiến trường, trong đó tập trung ở các xã biên giới thuộc huyện Vị Xuyên. Mặc dù đã quan tâm thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhưng các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, đặc biệt là nhiều diện tích rừng núi nơi biên giới vẫn chưa được rà phá bom mìn.

Do đó, trong những năm gần đây, tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm đến công tác rà phá bom mìn tại các xã biên giới nhằm tạo quỹ đất sạch để phát triển kinh tế vùng biên, cũng như tạo điều kiện cho công tác cất bốc hài cốt liệt sĩ.

Tăng cường tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên các điểm cao tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Tăng cường tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên các điểm cao tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Cụ thể, tỉnh triển khai dự án “Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ”. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành với hơn 1.700ha đất sạch tại các điểm cao thuộc các xã Thanh Đức, Thanh Thủy, Xín Chải (Vị Xuyên); giai đoạn 2 hiện đang thực hiện rà phá 1.500ha tại xã Minh Tân (Vị Xuyên) và các xã Tả Ván, Nghĩa Thuận (Quản Bạ).

Thời gian trôi qua, liệt sĩ nằm sâu dưới lòng đất khiến công tác tìm kiếm, quy tập gặp nhiều khó khăn. Nhưng anh em trong đơn xác định đây là nhiệm vụ thiêng liêng, thân nhân các liệt sĩ mong ngóng nên dù khó khăn đến đâu chúng tôi cũng cố gắng vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ.

Thượng tá Thào Mí Dính, Đội trưởng Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang

Ngay khi được bàn giao diện tích đất đã sạch vật cản, trên cơ sở nguồn thông tin của các trận đánh, thông tin của người dân và các cựu chiến binh, đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang huy động nhân lực, máy móc thực hiện ngay công tác tìm kiếm.

Từ năm 2018 đến nay, đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang đã tìm kiếm, quy tập được 132 hài cốt liệt sĩ và một mộ tập thể.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm lo người có công

Điểm nổi bật, trong những năm qua tỉnh Hà Giang đã làm tốt công tác xã hội hóa chăm lo cho các gia đình người có công.

Đồng chí Phạm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cho biết, hoạt động tri ân lớn nhất và cũng huy động xã hội hóa được nhiều nhất tại Hà Giang là chương trình xây dựng nhà ở cho hộ cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách và hộ nghèo nơi biên giới.

Chương trình này được triển khai từ năm 2019 đến 2022, chỉ trong vòng hơn ba năm, tỉnh đã huy động xã hội hóa được hơn 400 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 340 nghìn ngày công lao động để xóa nhà tạm cho 6.700 hộ, trong đó có hơn 1.000 hộ cựu chiến binh, gia đình chính sách.

Ông Lộc Đức Sính, nhà ở xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên là cựu chiến binh đã từng có 4 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Xuất ngũ về quê, dù chịu khó làm ăn nhưng do sinh sống trên vùng đất biên giới khó khăn nên cái nghèo đeo bám, ngôi nhà được dựng bằng ván gỗ xuống cấp nhưng không tiền để tu sửa.

Được hỗ trợ xây nhà kiên cố, cựu chiến binh Lộc Đức Sinh, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên yên tâm lao động, sản xuất.

Được hỗ trợ xây nhà kiên cố, cựu chiến binh Lộc Đức Sinh, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên yên tâm lao động, sản xuất.

Năm 2019, tỉnh Hà Giang thực hiện chương trình “Xóa nhà tạm cho cựu chiến binh, gia đình chính sách, hộ nghèo ở các xã biên giới”. Ông Sính được hỗ trợ 60 triệu đồng, người dân giúp công lao động và đã hoàn thành ngôi nhà mơ ước vào cuối năm 2019 với tổng trị giá 100 triệu đồng.

Nếu không có sự hỗ trợ của tỉnh và của người dân, không biết đến bao giờ tôi mới có tiền để xây nhà mới. Từ khi có ngôi nhà xây kiên cố, gia đình tôi yên tâm lao động, sản xuất, đời sống cũng dần được nâng lên.

Ông Lộc Đức Sính, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên

Các phong trào toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công; ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa; xây dựng nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia của cộng đồng, làm đẹp thêm truyền thống dân tộc.

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp được hơn 42 tỷ đồng cho quỹ đền ơn đáp nghĩa. Số tiền quỹ đã hỗ trợ để xây dựng mới gần 400 căn nhà, sửa chữa 151 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền gần 24 tỷ đồng; tặng 1.056 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền 3,2 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ với số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Đoàn viên, thanh niên thường xuyên tham gia vệ sinh môi trường tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên.

Đoàn viên, thanh niên thường xuyên tham gia vệ sinh môi trường tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên.

Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán, dịp 27/7 hằng năm, hỗ trợ người có công khi gặp khó khăn, đau ốm.

Nhờ chăm lo cuộc sống cho người có công nên đến nay, gần 100% gia đình người có công với cách mạng trong toàn tỉnh Hà Giang có cuộc sống từ trung bình trở lên.

KHÁNH TOÀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-giang-cham-lo-doi-song-cho-gia-dinh-nguoi-co-cong-post831089.html