Hà Giang: Đến 2025 không còn nhà tạm, nhà dột nát

Phấn đấu đến cuối năm 2025, Hà Giang sẽ hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân

Hà Giang là địa phương vùng cao biên giới, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao của cả nước. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Hà Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở, nhất là nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân luôn được quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Ngay sau khi phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước" được Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Hà Giang đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hà Giang; các huyện, thành phố đã phát động khởi công triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát; chủ động ứng trước kinh phí để hỗ trợ triển khai làm nhà ở cho người có công.

Hà Giang đã hỗ trợ xóa hơn 2.000 căn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh. Ảnh: Anh Thư

Hà Giang đã hỗ trợ xóa hơn 2.000 căn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh. Ảnh: Anh Thư

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và toàn thể nhân dân, nhiều ngôi nhà tạm, nhà dột nát đã được sửa chữa, xây mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm.

Tại huyện Quản Bạ có tổng số 50 hộ nằm trong diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ngay sau lễ phát động của tỉnh, huyện đã khẩn trương, chủ động ra quân sớm và chỉ đạo các xã, thị trấn vào cuộc quyết liệt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuẩn bị các điều kiện khởi công xây dựng nhà mới.

Huyện Đồng Văn - 1 trong 4 huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang - hiện có 89 hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở đủ điều kiện; 44 hộ ảnh hưởng thiên tai và gần 500 hộ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa nhà tạm. Xã Ma Lé (huyện Đồng Văn) có 10 hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Theo kế hoạch, các gia đình ở Ma Lé được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng nhà ở đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, các gia đình sẽ được chính quyền địa phương, cộng đồng giúp đỡ thêm về vật liệu, ngày công và phấn đấu hoàn thành nhà mới trước Tết Nguyên đán 2025.

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, tỉnh Hà Giang đã xây dựng được 2.175 nhà/tổng số 10.688 hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có 2.009 nhà xây mới, 166 nhà sửa chữa.

Đồng thời phát động sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động, các hội, đoàn thể, cộng đồng… tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, góp phần lan tỏa phong trào thi đua trong xã hội, chung tay, góp sức ủng hộ.

Tính đến nay, tỉnh Hà Giang đã huy động hiệu quả nhiều nguồn lực với số tiền ủng hộ là 265,5 tỷ đồng; vận động nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp cho các huyện. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phân bổ và công khai nguồn kinh phí hỗ trợ cho các huyện, thành phố thực hiện xây mới, sửa chữa và cấp bù cho các hộ dân thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhiều huyện cũng đã dùng kinh phí xã hội hóa tự vận động để hỗ trợ bổ sung cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn xây nhà bếp, công trình vệ sinh…

Những ngôi nhà tạm được thay thế bởi ngôi nhà vững chãi. Những ngôi nhà dột nát được sửa chữa thành những ngôi nhà kiên cố để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của người dân. Những ngôi nhà ấy được xây nên bởi sự đoàn kết, sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị vì “mái ấm cho đồng bào mình”.

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá về đích, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; đồng thời là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, Ban Chỉ đạo các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức thực hiện việc triển khai ở cơ sở, đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thi công. Việc triển khai xây dựng nhà ở gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, đảm bảo chất lượng công trình.

Bên cạnh đó, Hà Giang sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân làm nhà theo mẫu nhà truyền thống của địa phương; Vận động các lực lượng vũ trang, đoàn viên các hội đoàn thể, cộng đồng dân cư, các nhà hảo tâm hỗ trợ hộ nghèo về ngày công, vật liệu; Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào; Nâng cao nhận thức của người dân thuộc đối tượng hỗ trợ để tích cực tham gia vào chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Số nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều. Để hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, đòi hỏi địa phương phải đổi mới phương pháp huy động nguồn lực theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, ngoài huy động nguồn lực từ trung ương, địa phương cần có sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng, trong đó có các doanh nghiệp, cá nhân có điều kiện cùng “chia ngọt, sẻ bùi”. Muốn thực hiện được điều này đòi hỏi sự phát huy vai trò của cá nhân người đứng đầu trong công tác dân vận, cũng như quyết tâm, quyết liệt triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Cùng với đó, cần giám sát chặt chẽ để bảo đảm việc sử dụng nguồn lực dành cho chương trình được hiệu quả, công khai minh bạch, tránh phát sinh tiêu cực, lãng phí, tham nhũng khi thực hiện chương trình.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Xóa hết nhà tạm, nhà dột nát để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tin tưởng, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực, sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững; tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 đã đề ra.

Từ khi bắt đầu phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến nay nhiều bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc rất tích cực. Nhiều mái ấm đã được xây nên bởi sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, về xác định thời gian hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, một số địa phương đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm hơn yêu cầu. Trong đó, tỉnh Bắc Ninh là địa phương đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm nhất (hoàn thành chậm nhất vào ngày 3/2/2025); 7 địa phương xác định hoàn thành trong quý II/2025 (Lào Cai, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tim, Tây Ninh, Long An); 12 địa phương xác định hoàn thành trong quý III/2025 (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau)…

Đây là những cam kết chính trị rất lớn của lãnh đạo địa phương, cũng như sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân cùng chung tay thực hiện đối với người dân còn khó khăn về nhà ở.

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-giang-den-2025-khong-con-nha-tam-nha-dot-nat-373125.html