Hà Giang: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 ước đạt gần 17 nghìn tỷ đồng
Theo Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Giang, năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá hiện hành) ước đạt 16.996,4 tỷ đồng, tăng 9,48% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Lĩnh vực nông nghiệp ước đạt 15.175,02 tỷ đồng, tăng 9,89%; lâm nghiệp ước đạt 1.666,52 tỷ đồng, tăng 6,35%; thủy sản ước đạt 154,86 tỷ đồng, tăng 6,4%.
4/4 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, cụ thể: Giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha canh tác ước đạt 63 triệu đồng, đạt 100% Kế hoạch (KH), tăng 1 triệu đồng so với năm 2023; tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp chiếm 36,14%, đạt 107,9% KH, so với năm 2023 tăng 3,34%; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 59,3%, đạt 100% KH, so với năm 2023 tăng 0,4%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 96,19%, đạt 101,5% KH, so với năm 2023 tăng 2,61%.
UBND tỉnh Hà Giang cho biết, năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm vụ 2021-2025 và KH phát triển kinh tế - xã (KT-XH) hội 5 năm. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phấn đấu chỉ tiêu đạt trên 41,8 vạn tấn tổng sản lượng lương thực có hạt; giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 63,5 triệu đồng; duy trì ổn định tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp đạt 35%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%; duy trì ổn định tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,2%.
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2025 của ngành NN&PTNT, tỉnh Hà Giang yêu cầu ngành NN&PTNT tiếp tục xây dựng các Kế hoạch cụ thể hóa triển khai thực hiện 4 Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2025 liên qua đến các lĩnh vực của ngành.
Cụ thể, tập trung quyết liệt chỉ đạo khung thời vụ khép kín; định hướng về cơ cấu giống cây trồng cho các huyện, thành phố; hướng dẫn xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu để các huyện chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn; đẩy mạnh công tác thâm canh, đưa giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ; nâng cao giá trị canh tác trên đơn vị diện tích, linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đổi mới hoạt động công tác khuyến nông, khuyến lâm.
Tiếp tục phát triển các vật nuôi theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, thông qua chính sách hỗ trợ; kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; nâng cao năng lực quản lý khai thác các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt sau đầu tư; làm tốt công tác phòng chống thiên tai.
Theo dõi sát diễn biến thời tiết để hướng dẫn các địa phương chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tại gây ra; duy trì công tác trực phòng chống lụt bão để chỉ đạo, hướng dẫn người dân phòng chống, khắc phục hậu quả; tập trung, quyết liệt triển khai các chương trình trọng tâm của tỉnh và phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của các địa phương.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ngành; tham mưu, đề xuất việc mở lại thị trường tiêu thụ trâu, bò với tỉnh Vân Nam Trung Quốc nhằm tăng cường trao đổi giữa cư dân biên giới 2 bên; tổ chức thẩm định, đánh giá các tiêu chí thôn, xã nông thôn mới; các huyện cần quan tâm, chủ động phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc thù của tỉnh, phát triển kinh tế nông nghiệp theo đúng hướng./.