Thực hiện mô hình 'Nuôi lợn nái luân chuyển', Hội LHPN xã Linh Hồ (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) đã góp phần giảm số hội viên hộ nghèo trên địa bàn từ 380 hộ (năm 2017) xuống còn 163 hộ (năm 2020), số hộ cận nghèo từ 514 xuống còn 382 hộ.
Linh Hồ (huyện Vị Xuyên) là một xã miền núi, đồng bào dân tộc tiểu số chiếm số đông, việc phát triển kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, dẫn dến số hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn luôn cao.
Để có thể nâng cao mức thu nhập của phụ nữ nơi đây, Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã triển khai thí điểm mô hình “Nuôi lợn nái luân chuyển” tại xã Linh Hồ.
Theo đó, tháng 9/2015, được sự tài trợ của một tổ chức nước ngoài, Hội LHPN tỉnh Hà Giang chọn mua 27 con lợn nái giống, loại lợn nái đen địa phương có sức đề kháng cao, dễ nuôi, phù hợp với thời tiết khí hậu vùng cao, có giá trị kinh tế cao… để trao cho 27 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở xã Linh Hồ.
Sau khi số lợn nái này đẻ lứa đầu, hội viên nhận nuôi có trách nhiệm lựa chọn con nái có chất lượng giống tốt nhất trong đàn (tầm 3 tháng tuổi, nặng khoảng 10kg) để luân chuyển (trao tặng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn khác ở gần nhà, rồi cứ thế tiếp tục luân chuyển cho tới khi hết những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn). Thời gian luân chuyển trung bình từ 8-10 tháng/lần.
Chia sẻ về quá trình triển khai mô hình này, bà Vi Thị Lành, Chủ tịch Hội LHPN xã Linh Hồ, cho biết, những năm đầu triển khai vì giá thịt lợn rẻ nên các chị em không ai muốn nhận. Tuy nhiên, kể từ 3 năm trở lại đây khi thịt lợn có giá trị cao, chị em đã tham hưởng ứng và thấy được những ích lợi từ việc nuôi lợn nái luân chuyển.
Cụ thể, từ 27 con ban đầu, đến nay Hội LHPN xã Linh Hồ đã thực hiện được 6 đợt luân chuyển với tổng cộng 210 con lợn nái giống được chuyển tới 210 hội viên phụ nữ. Không chỉ dừng lại ở đó, phụ nữ xã Linh Hồ còn trao tặng cho một số hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở các xã, thị trấn khác như xã Ngọc Minh (5 con), thị trấn Vị Xuyên (2 con).
Một trong những hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhận nuôi lợn luân chuyển, đồng thời cũng là Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Tát Hạ, chị Nguyễn Thị Hoàng (37 tuổi, dân tộc Tày) cho hay, từ 2 con được tặng ban đầu, đến nay Chi hội đã luân chuyển được 10 con, góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn thôn từ 6 hộ xuống còn 1 hộ. Chị Hoàng nhận nuôi lợn luân chuyển từ năm 2018, đến nay đã phát triển thành 4 con lợn nái, trung bình mỗi năm lợn đẻ 2 lứa, mỗi lứa 8 con. Với giá con giống 2 triệu đồng/con, trung bình mỗi năm chị Hoàng thu nhập từ mô hình này đạt khoảng 100 triệu đồng. Thị trường chủ yếu ở trên địa bàn, các xã lân cận và cho cả các khách tham quan, du lịch đến Hà Nội.
“Từ chỗ phải ở tranh vách đất, từ khi triển khai mô hình này, gia đình tôi đã xây được căn nhà mái bằng. Ngoài ra, số tiền từ việc bán lợn, chúng tôi còn dùng để mua tủ lạnh, máy giặt, máy lọc nước”, chị Hoàng cho biết. Vợ chồng chị Hoàng có 2 người con đều được ăn học đầy đủ, cháu đầu hiện nay học lớp 12, cháu út năm nay lên lớp 5.
Nhận thấy hiệu quả tích cực từ mô hình này, sau khi thí điểm thành công ở xã Linh Hồ, đến nay Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã triển khai rộng rãi tới 11 huyện, thành phố. “Cho tới nay, trên toàn tỉnh đã hình thành 100 tổ nuôi lợn nái luân chuyển, mỗi tổ trung bình có 10 hộ hội viên”, bà Hoàng Thị Vần, Ban Gia đình - Xã hội (Hội LHPN tỉnh Hà Giang), thông tin.