Hà Giang luôn đảm bảo thực hiện chính sách tôn giáo và tự do tín ngưỡng
BHG - Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới, điều kiện kinh tế còn khó khăn, đồng bào các dân tộc thật thà, chất phác, một bộ phận còn cả tin nên dễ bị lôi kéo, tác động bởi những thông tin lệch lạc, thiếu căn cứ. Trong khi đó, đời sống tín ngưỡng, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số khá đa dạng, một bộ phận dễ đặt niềm tin tinh thần vào đấng siêu nhiên hay những tôn giáo lạ, do đó có những người dân đã bị lừa gạt, tổn thương do nghe theo các đối tượng xấu trong sinh hoạt tín ngưỡng.
Trong khi đó, một số đối tượng xấu thường lợi dụng các vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo và truyền học đạo trái pháp luật... để chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, chế độ, sự quan tâm của chính quyền tỉnh đối với hoạt động tôn giáo trên địa bàn. Chúng triệt để lợi dụng sự khác nhau về tập tục và nét sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc trong vùng để kích động, chia rẽ; các đối tượng xấu lôi kéo một bộ phận đồng bào có đạo và các phần tử cực đoan đòi “quyền tự trị”, đòi “quyền tự do”… gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, giữa đồng bào lương – giáo, đồng thời tìm cách truyền bá các tôn giáo lạ và xúi giục đồng bào nghe theo như: Đạo Hoàng Thiên Long, đạo Nhân Điện, Pháp Luân Công, tổ chức “Dương Văn Mình”...
Trên thực tế, các cá nhân và tổ chức tôn giáo ở Hà Giang đều được tự do hoạt động theo quy định của pháp luật. Hiện nay, tỉnh Hà Giang đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho tổ chức thuộc các tôn giáo với trên 20.000 tín đồ, gần 120 chức sắc, 50 chức việc, với hàng trăm chi hội và hàng ngàn điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo được cấp đăng ký và công nhận hoạt động trong vùng dân tộc thiểu số. Nhiều các tôn giáo đều có các giáo lý, giáo luật, tạp chí, các trang mạng xã hội... để quảng bá nội dung tôn giáo và phản biện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh thường xuyên quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện để người dân sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật; chú trọng công tác tuyên truyền đối với chức sắc, lực lượng cốt cán, tín đồ tôn giáo để nâng cao nhận thức về pháp luật và quy định của Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo; phát huy giá trị tích cực của giáo lý để động viên đồng bào có đạo tuân thủ pháp luật, sống tốt đời đẹp đạo, góp sức xây dựng và phát triển quê hương.
Các cơ quan chuyên môn của tỉnh luôn làm tốt công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo an ninh trên lĩnh vực tôn giáo; phối hợp với các ngành khảo sát, đánh giá và đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy đăng ký sinh hoạt cho các điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo có đủ các điều kiện đăng ký sinh hoạt theo quy định. Tiến hành đấu tranh, xử lý các trường hợp tuyên truyền đạo trái pháp luật, giả danh sinh hoạt tôn giáo để truyền bá tư tưởng tiêu cực, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa ở địa phương; thường xuyên cử cán bộ xuống các địa bàn trọng điểm, phức tạp nắm bắt thông tin, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề “dân tộc”,“tôn giáo”,“dân chủ”,“nhân quyền” xâm phạm an ninh quốc gia, đặc biệt là các xã biên giới. Trên cơ sở đó, ngăn ngừa và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo kích động quần chúng nhân dân gây mất an ninh trật tự tại địa bàn.
Tuy nhiên, với sự phát triển đa dạng của mạng xã hội hiện nay, sự xâm nhập của các phần tử tiêu cực, có niềm tin tín ngưỡng lệch lạc ngày càng tinh vi, nguy hiểm, do đó hoạt động xuyên tạc, vu khống chính quyền địa phương trong sinh hoạt tôn giáo và lợi dụng truyền bá tôn giáo lạ, lệch lạc cần được tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn. Mỗi người dân cần nhận thức rõ các hành vi vi phạm về chủ trương, chính sách trong sinh hoạt tôn giáo đều bị xử lý theo pháp luật. Bên cạnh đó, chính quyền và cơ quan chức năng cần quan tâm đến đời sống của đồng bào có đạo; thực hiện nghiêm các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về sinh hoạt tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo; đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật đối với sinh hoạt tôn giáo, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động các biện pháp phòng ngừa cho người dân, không để đối tượng tuyên truyền đạo trái pháp luật lợi dụng.