Hà Giang mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018, nhiều lãnh đạo vắng mặt
Sáng 14/10, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại địa phương này, phiên tòa dự kiến kéo dài trong 3 ngày.
Phiên tòa sơ thẩm lần này được mở lại sau khi phiên tòa lần đầu mở hôm 18/9 phải hoãn lại vì có quá nhiều người liên quan được triệu tập nhưng không đến, vắng mặt không lý do.
Thông tin trên tờ Tuổi trẻ, Thẩm phán Vương Thị Thu Hà, Phó Chánh tòa Hình sự, Chủ tọa phiên tòa cho biết, trong số 178 người triệu tập thì có 86 người có mặt tại tòa, 82 người vắng mặt có đơn, 19 trường hợp không có lý do. Xét thấy sự vắng mặt của những người làm chứng không gây ảnh hưởng đến phiên tòa nên tiếp tục xét xử.
Trong phiên tòa mở lại sáng nay, bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang (vợ ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương) được triệu tập với tư cách người làm chứng, đã có đơn xin xét xử vắng mặt.
Thư ký phiên tòa cũng cho biết, bà Chúng Thị Chiên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy cũng có đơn xin vắng mặt có lý do.
Phiên tòa lần này xét xử 5 bị can trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 gồm, bị can Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT tỉnh Hà Giang) và Vũ Trọng Lương (cựu Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT tỉnh Hà Giang) bị đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Hai bị can Phạm Văn Khuông (cựu Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang) và Lê Thị Dung (cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang) cùng bị đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".
Bị can Triệu Thị Chính (cựu Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang) bị đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Các cơ quan tố tụng xác định 5 bị cáo nêu trên đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn, người thấp nhất 2,2 điểm đối với 1 môn.
Hai người làm chứng là bà Vũ Thị Kim Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Giang, và bà Tống Thị Phương, cô ruột của bị cáo Vũ Trọng Lương được Hội đồng xét xử phiên tòa ngày 18/9 triệu tập bổ sung cũng đã có mặt tại phiên tòa sáng nay.