Hà Giang nói gì về đề xuất thu phí Cao nguyên đá Đồng Văn?
Theo ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn, việc thu phí tham quan là thực hiện theo khuyến nghị của UNESCO
Liên quan việc tỉnh Hà Giang dự kiến sẽ tiến hành thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, ngày 23-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng ban Quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, cho rằng việc thu phí là cần thiết.
Theo ông Đôn, việc thu phí dựa trên luật di sản. Cụ thể, đối với các danh hiệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) thì được phép thu phí. Thứ hai là luật thu phí và lệ phí cho phép thu phí tham quan các điểm du lịch...
Ngoài ra, một căn cứ để Hà Giang đưa ra đề án thu phí đó là khuyến nghị của UNESCO. Năm 2018, UNESCO đã khuyến nghị Hà Giang nên tìm cách tự chủ về nguồn kinh phí, không lệ thuộc vào nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước.
Theo ông Đôn, khi đưa ra đề án thu phí có thực hiện lấy ý kiến của các du khách, kết quả tỉ lệ ủng hộ của du khách trong nước là 55%, còn khách quốc tế là trên 90%. Ngoài ra, khi lấy lấy ý kiến của các chuyên gia thì đều nhận được sử ủng hộ cao.
"Đa số các chuyên gia đều có ý kiến vấn đề không phải có thu phí hay không, mà quan trọng nhất sử dụng nguồn phí ấy như thế nào, có công khai minh bạch hay không, có hiệu quả hay không đó mới là cái người ta quan tâm nhất…" - ông Hoàng Xuân Đôn cho hay.
Theo ông Đôn, từ năm 2019 đã tính đến nhiều phương án để thu phí, trong đó có phương án lập cổng vào, thu phí theo từng điểm, thu phí qua đêm (thu tại nhà nghỉ, khách sạn). Tuy nhiên, phương án thu phí tại cổng vào và thu phí theo điểm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, hệ lụy, như phải làm hàng loạt cổng vào, chi phí hạ tầng cao, mất nhiều người vận hành, gây phiền phức cho du khách… "Sau khi nghiên cứu chúng tôi thấy phương án thu phí qua đêm là khả thi nhất vì tiết kiệm nguồn nhân lực, ít phải đầu tư cơ sơ vật chất" - ông Đôn nói.
Được biết, mức đề xuất thu phí của đề án là người lớn 30.000 đồng/đêm, trẻ em từ 6 đến 18 tuổi là 15.000 đồng/đêm, trẻ dưới 6 tuổi không thu phí. Các đối tượng chính sách sẽ được xem xét miễn giảm theo quy định.
"Hiện tại, đây mới chỉ là dự kiến, cần lấy ý kiến rộng rãi, có thể tổ chức hội thảo chuyên đề mời các chuyên gia khắp cả nước góp ý. Sau đó có báo cáo gửi HĐND tỉnh. Còn việc quyết định lúc nào thu thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và HĐND tỉnh, chúng tôi chỉ là đơn vị tham mưu" - ông Đôn nói.
Về việc sử dụng phí sau khi thu được, ông Hoàng Xuân Đôn cho rằng nguồn kinh phí từ thu phí tham quan sẽ được sử dụng để quản lý, quảng bá, giáo dục, bảo tồn hệ thống di sản của Công viên địa chất. Tái đầu tư cho hạ tầng, nâng cao chất lượng trải nghiệm điểm đến cho du khách. Tăng nguồn lực để tái đầu tư cho người dân địa phương như nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hóa, nâng cao nhận thức cộng đồng…
Được biết, Cao nguyên đá Đồng Văn thành lập vào tháng 9-2009, có diện tích là 2.356 km² gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đây là vùng núi đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất và quá trình phong hóa tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng dân bản địa.
Năm 2010, Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, trở thành Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên ở Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã vượt qua 3 kỳ đánh giá và tiếp tục giữ vững danh hiệu.