Hà Giang quyết tâm đưa du lịch văn hóa vươn tầm châu lục
Chiều 12.4, tại Hà Nội, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Diễn đàn xúc tiến quảng bá Du lịch Hà Giang với chủ đề 'Hà Giang - Điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á'.

Diễn đàn xúc tiến quảng bá Du lịch Hà Giang với chủ đề "Hà Giang - Điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á" tại Hà Nội
“Hà Giang - Điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á” không còn chỉ là một danh hiệu, mà đang dần trở thành một thương hiệu du lịch mang tầm khu vực - được xây dựng từ chính những giá trị văn hóa đặc sắc và tinh thần kiên định của vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Diễn đàn xúc tiến quảng bá du lịch Hà Giang do UBND tỉnh Hà Giang tổ chức đã trở thành dịp gặp gỡ quan trọng, nơi các chuyên gia, đại biểu quốc tế, doanh nghiệp du lịch cùng chung tay đưa ra những ý tưởng, giải pháp thiết thực để tiếp tục lan tỏa sức hấp dẫn của một vùng đất đầy nội lực văn hóa.
Miền biên viễn không xa xôi
Hà Giang, nơi cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ có khung cảnh hùng vĩ làm say đắm lòng người, mà còn là “kho báu” văn hóa sống động của cộng đồng 19 dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà phát biểu tại Diễn đàn
Những giá trị địa chất của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; những phong tục, lễ hội độc đáo như: Chợ tình Khâu Vai, Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn hay sắc màu thổ cẩm, nghệ thuật khèn Mông, múa trống đồng của người Lô Lô… đã làm nên nét riêng không thể trộn lẫn cho du lịch Hà Giang.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Vương Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: “Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, từng bước nâng tầm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Nhờ đó, năm 2024 Hà Giang đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách - một con số ấn tượng, khẳng định vị thế ngày càng nổi bật của tỉnh trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) Nguyễn Xuân Bắc bày tỏ ấn tượng sâu sắc: “Tôi từng đến Hà Giang rất nhiều lần và lần nào cũng ấn tượng bởi sự đặc sắc về văn hóa các dân tộc, bề dày lịch sử cùng sự thân thiện mến khách của con người Hà Giang”.
“Mảnh đất này sở hữu nhiều thế mạnh để phát triển du lịch như: khung cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, văn hóa đặc sắc…”, ông Nguyễn Xuân Bắc nói.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tỉnh cần tiếp tục đầu tư mạnh hơn cho giao thông, bởi con đường đi đến Hà Giang hiện tại vẫn còn xa xôi.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng Hà Giang là một câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ
Từ con số 0 đến điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng Hà Giang là một câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ. “Chỉ trong vòng 20 năm, từ con số 0 về hạ tầng, dịch vụ du lịch, Hà Giang đã trở thành điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023, và năm 2024 được vinh danh là điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á”.
Tuy nhiên, ông Bình cũng thẳng thắn chỉ ra: “Được vinh danh là niềm tự hào nhưng cũng là áp lực lớn. Đụng đến văn hóa là đụng đến một yếu tố nhạy cảm, cần sự đầu tư nghiêm túc, bài bản và bền vững”.
Theo ông Bình, thời gian tới, tỉnh Hà Giang cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa du lịch phát triển mạnh mẽ hơn: Tăng cường kết nối hạ tầng giao thông và thu hút đầu tư vào du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch bền vững; Quản lý điểm đến và bảo vệ môi trường; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch.
Ông cho rằng, Hà Giang phải đặt trọng tâm vào bốn yếu tố: chính sách phù hợp; sản phẩm độc đáo; nguồn nhân lực chất lượng và quảng bá xúc tiến hiệu quả”.

Phiên thảo luận mở về phát triển du lịch Hà Giang
Từ góc độ doanh nghiệp và chuyên gia, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á cho rằng Hà Giang đã vượt ra khỏi khái niệm du lịch mùa vụ.
“Trước đây, du lịch Hà Giang phụ thuộc vào những mùa đặc trưng như: mùa hoa tam giác mạch, mùa lúa chín hay chợ tình Khâu Vai. Nhưng hiện nay, Hà Giang đã làm nên sự khác biệt - bốn mùa đều có thể khai thác du lịch, nhờ vào chiều sâu văn hóa và sức sống của cộng đồng.”
Minh chứng là 56 làng du lịch cộng đồng đang hoạt động hiệu quả tại Hà Giang, nơi du khách được “sống cùng” văn hóa bản địa chứ không chỉ “ngắm nhìn” hay “chụp ảnh” cùng phong cảnh.
Những trải nghiệm như: dệt vải, làm khèn, chế biến món ăn truyền thống… là các “sản phẩm mềm” chứa đựng bản sắc, đang được du khách quốc tế đặc biệt yêu thích.

Đại sứ Iran tại Việt Nam, Ngài Ali Akbar Nazari chia sẻ tại Diễn đàn
Văn hóa là bản sắc, là sản phẩm du lịch bền vững
Gợi mở khả năng hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch văn hóa, Đại sứ Iran tại Việt Nam, Ngài Ali Akbar Nazari chia sẻ cảm xúc đặc biệt khi đến thăm Hoàng Su Phì: “Tôi bị mê hoặc bởi vẻ đẹp thiên nhiên, di sản văn hóa và sự cần cù của cộng đồng nơi đây. Chúng ta hoàn toàn có thể cùng nhau xây dựng những chương trình du lịch sinh thái, du lịch trà bền vững giữa Việt Nam và Iran”.
Ông đề xuất hợp tác quảng bá trà shan tuyết Hà Giang tới cộng đồng yêu trà Iran, một hướng đi giàu tiềm năng cho cả thương hiệu nông sản và du lịch.
Gợi ý phát triển du lịch văn hóa Hà Giang Từ những chia sẻ tại Diễn đàn, có thể thấy Hà Giang cần tập trung vào một số hướng đi chiến lược để tiếp tục phát triển du lịch văn hóa.

Nhiều sản phẩm, ấn phẩm quảng bá được giới thiệu tại Diễn đàn
Trong đó, tăng cường đầu tư hạ tầng và kết nối giao thông, đặc biệt là các tuyến đường từ trung tâm Hà Nội đến thành phố Hà Giang và các điểm du lịch trọng điểm như: Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì.
Bảo tồn và nâng cao giá trị các làng văn hóa du lịch cộng đồng, đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân bản địa gắn với giữ gìn phong tục, ngôn ngữ, nghệ thuật dân gian.
Phát triển sản phẩm du lịch chuyên biệt, mang đậm bản sắc như tour trải nghiệm làm khèn, học thêu thổ cẩm, săn mây và xem lễ hội truyền thống ở các làng vùng cao.

Giới thiệu về các đặc sản, sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Giang
Tăng cường quảng bá ở thị trường quốc tế thông qua việc hợp tác với các đại sứ quán, tổ chức du lịch toàn cầu và các nền tảng truyền thông số để truyền cảm hứng từ những giá trị văn hóa sống động.
Đa dạng hóa mô hình du lịch trải nghiệm quanh năm, giảm bớt tính mùa vụ bằng cách khai thác văn hóa phi vật thể, nghề truyền thống và kết nối với nông nghiệp sinh thái, nghỉ dưỡng.
Hà Giang, nơi văn hóa là sức hút nội sinh và du lịch Hà Giang đang ở một bước ngoặt quan trọng. Những danh hiệu quốc tế là bước đệm đáng tự hào, nhưng điều quyết định vẫn là nội lực văn hóa và sự quyết tâm gìn giữ, phát triển các giá trị ấy một cách bài bản, bền vững.
Với thiên nhiên tuyệt mỹ, văn hóa đặc sắc và con người mến khách, Hà Giang hoàn toàn có thể khẳng định vị thế là điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á không chỉ vì được vinh danh, mà vì thực sự xứng đáng.
Nếu phát triển đúng hướng, Hà Giang không chỉ là miền biên viễn huyền thoại mà sẽ trở thành “thủ phủ du lịch văn hóa” của Việt Nam trên trường quốc tế.

Không gian giới thiệu trà shan tuyết tại Diễn đàn
“Khâu Vai ngày trở lại” - một hình mẫu văn hóa sống
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Hà Giang cũng công bố chương trình Lễ hội Chợ tình Khâu Vai 2025 với chủ đề “Khâu Vai ngày trở lại”.
Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà là một điểm nhấn để thu hút khách du lịch vào mùa xuân, thể hiện cách mà tỉnh đang biến các giá trị truyền thống thành trải nghiệm hiện đại.
Từ các trò chơi dân gian, trình diễn trang phục dân tộc đến không gian văn hóa Lô Lô, Mông… tất cả đều mang đậm bản sắc, trở thành lời mời gọi hấp dẫn cho du khách khám phá miền đá nở hoa.