Hà Giang tích cực tham gia cơ chế hợp tác với các địa phương của Trung Quốc
BHG - Là tỉnh miền núi, biên giới nằm giữa khu vực Đông Bắc và Tây Bắc, Hà Giang là địa phương duy nhất trong các tỉnh biên giới phía Bắc tiếp giáp với cả hai địa phương của Trung Quốc là tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Với tổng chiều dài đường biên giới trên 277 km; có 1 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương, hệ thống lối mở, đường qua lại biên giới phong phú.
Từ khi hai nước Việt Nam – Trung Quốc bình thường hóa quan hệ đến nay, tỉnh Hà Giang đã duy trì kết nối, triển khai các hoạt động giao lưu, hợp tác toàn diện với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Trong đó, là thành viên tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác cấp T.Ư giữa hai nước, như cơ chế Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc, cơ chế Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Đồng thời, tỉnh cùng với các địa phương Trung Quốc và các tỉnh biên giới Việt Nam thiết lập nhiều cơ chế hợp tác song phương, đa phương hiệu quả như: Gặp mặt đầu Xuân giữa Bí thư 4 tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng (Việt Nam) và Bí thư Khu ủy Quảng Tây thiết lập từ năm 2016; Hội đàm định kỳ giữa Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và Bí thư Châu ủy Văn Sơn từ năm 2018; Hội nghị nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và tỉnh Vân Nam từ năm 2007; Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây từ năm 2009. Đặc biệt, trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tỉnh vẫn linh hoạt thay đổi phương thức trao đổi, hợp tác và thiết lập được cơ chế Hội đàm định kỳ giữa Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam theo hình thức trực tuyến và vừa tổ chức Hội nghị lần thứ 2 vào ngày 27.4 vừa qua. HĐND tỉnh Hà Giang cũng đã ký bản ghi nhớ và chính thưc thiết lập cơ chế giao lưu, hợp tác với BTV đại hội đại biểu tỉnh Vân Nam.
Thực hiện các cơ chế này, lãnh đạo các tỉnh/khu, tỉnh/châu, tỉnh/thành phố hai bên thường xuyên có sự tiếp xúc, trao đổi, qua đó xây dựng được lòng tin lẫn nhau, cùng định hướng và chỉ đạo các nội dung hợp tác, tạo thuận lợi cho các cấp, các ngành hai bên triển khai hiệu quả hoạt động giao lưu, hợp tác giữa hai địa phương ngày càng đi vào thực chất. Ngoài ra, các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, các ngành chuyên môn hai bên như Biên phòng, Công an, Ngoại vụ, Công thương, Giao thông - Vận tải, Giáo dục, Y tế, Lao động, Nông nghiệp, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Tư pháp, Đoàn Thanh niên… đã thiết lập và triển khai cơ chế hội đàm, giao lưu, trao đổi thông tin định kỳ; các huyện/thành phố, xã/thị trấn biên giới, thôn/bản, đồn/trạm biên giới cũng thiết lập quan hệ hữu nghị, ký kết nghĩa.
Thông qua việc tham gia và thiết lập các cơ chế hợp tác trên, những năm qua, tỉnh Hà Giang và các địa phương giáp biên Trung Quốc đã triển khai được nhiều nội dung hợp tác và giành được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực như quản lý biên giới, hợp tác cảnh vụ, tư pháp, hợp tác phát triển cửa khẩu, thương mại đầu tư, giao thông vận tải, hợp tác quản lý lao động qua biên giới, hợp tác nông nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, bảo vệ môi trường... Hơn hai năm qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh đến mọi mặt của xã hội, trong đó có cả công tác đối ngoại, thông qua việc tận dụng và phát huy hiệu quả các cơ chế trên, tỉnh Hà Giang và các địa phương Trung Quốc vẫn duy trì liên lạc và linh hoạt thay đổi phương thức hợp tác, phối hợp tốt trong công tác quản lý biên giới, không để dịch bệnh lây lan qua biên giới; duy trì hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu hai bên, kim ngạch xuất nhập khẩu với tỉnh Vân Nam năm 2020 đạt 253,9 triệu USD, năm 2021 đạt 201,9 triệu USD; các địa phương Trung Quốc cũng đã hỗ trợ và trao tặng nhiều đợt vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 cho tỉnh Hà Giang với tổng giá trị hơn 42 tỉ đồng.
Trong quá trình triển khai những cơ chế này, tỉnh Hà Giang luôn phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng kiến và có trách nhiệm, tận dụng được lợi thế về vị trí địa lý khi tiếp giáp với cả hai địa phương của Trung Quốc, đã triển khai được nhiều dự án hợp tác cụ thể, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai địa phương, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững của tỉnh, góp phần bảo vệ khu vực biên giới hai nước Việt Nam – Trung Quốc hòa bình, ổn định, phát triển phồn vinh.