Hạ Hòa căng mình khắc phục hậu quả bão lũ

Cơn bão số 3 đã đi qua nhưng huyện Hạ Hòa lại là địa phương trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt lũ lụt chưa từng có trong lịch sử. Thời điểm này, nước trên sông Thao đang rút dần, với tinh thần 'nước rút tới đâu, khắc phục tới đó', huyện đang căng mình khắc phục hậu quả, nhằm nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất của người dân.

Lực lượng chức năng cùng người dân ở thị trấn Hạ Hòa dọn dẹp bùn đất sau ngập lụt.

Lực lượng chức năng cùng người dân ở thị trấn Hạ Hòa dọn dẹp bùn đất sau ngập lụt.

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Hạ Hòa từ ngày 7/9-11/9 đã có mưa rất to; mực nước trên sông Thao lên rất nhanh, có lúc trên báo động III đã gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân. Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Hạ Hòa, đến ngày 12/9, mưa lũ đã làm 1 người chết, 1 người mất tích và 1 người bị thương khi đang làm nhiệm vụ; trên 3.000 hộ dân phải di dời; trên 1.700ha diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại. Nhiều tuyến đường bị ngập, sạt lở hư hỏng hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi, bùn đất bao phủ khắp nơi... Ước tổng giá trị thiệt hại trên 100 tỷ đồng.

Có mặt tại Hạ Hòa trong những ngày lũ lụt chúng tôi đã chứng kiến cảnh nước sông dâng lên cuồn cuộn trên báo động III, hàng nghìn ngôi nhà và hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập sâu trong nước. Toàn huyện có 28 vùng với gần 1.000 hộ dân bị cô lập.

Các cán bộ, chiến sĩ bộ đội hỗ trợ di chuyển đất trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện, đảm bảo hoạt động đi lại cho người dân.

Các cán bộ, chiến sĩ bộ đội hỗ trợ di chuyển đất trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện, đảm bảo hoạt động đi lại cho người dân.

Ngay sau khi lũ lụt xảy ra trên địa bàn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có mặt kịp thời kiểm tra, chỉ đạo, động viên địa phương tích cực khẩn trương triển khai kịp thời ứng phó với mưa lũ. Huyện Hạ Hòa đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chung sức cùng người dân chống lũ. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện thường xuyên đi kiểm tra và chỉ đạo công tác triển khai xử lý các sự cố, tình huống xảy ra được thực hiện khẩn trương, góp phần tích cực trong việc giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, ngập úng gây ra.

Các xã, thị trấn đã huy động lực lượng khẩn trương hướng dẫn, di dời giúp các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở và ngập úng. Hơn 3.000 hộ dân đã được di dời đến nơi an toàn. Công tác phối, kết hợp giữa huyện với các ngành, các cấp trong việc thực hiện xử lý các sự cố đảm bảo chặt chẽ, kịp thời.

Trong những ngày lũ lụt chúng tôi đã thấy, nổi bật trong công tác hỗ trợ Nhân dân di dời là màu áo xanh bộ đội Cụ Hồ, công an, màu áo xanh thanh niên tình nguyện và các lực lượng khác cùng chung sức vận chuyển người, tài sản ra khỏi vùng lũ. Những gia đình ở nơi nguy hiểm đều đã được chuyển đến nơi an toàn. Nhiều chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân tự vệ... bàn tay đã đỏ rát vì chằng léo, di chuyển tài sản giúp dân, đã có người bị thương nhẹ. Nhiều suất cơm, quà của các lực lượng tình nguyện được gửi đến những bà con di dời, đến lực lượng trực chốt, làm nhiệm vụ.

Đan Thượng là địa phương bị ngập sâu trong trận lũ lịch sử lần này. Chỉ trong vòng 2 ngày từ 8-9/9, toàn bộ 13 khu dân cư của xã đều bị chìm trong biển nước. Các khu dân cư bị cô lập hoàn toàn. Trong đó có 719 hộ dân với trên trên 2.500 nhân khẩu phải di dời.

Đồng chí Vũ Xuân Hưởng - Chủ tịch UBND xã Đan Thượng cho biết: “Với đặc thù địa bàn rộng, các khu dân cư nằm trong đê sông Thao, nhiều vùng đồng lớn nên lượng nước rút qua các cống tiêu khá chậm. Đến sáng ngày 12/9, nước đã giảm so với ngày hôm qua, song các khu dân cư cơ bản vẫn bị cô lập.

Thuyền là phương tiện duy nhất để di chuyển, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân trong vùng ngập ở xã Tứ Hiệp.

Thuyền là phương tiện duy nhất để di chuyển, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân trong vùng ngập ở xã Tứ Hiệp.

Thuyền là phương tiện duy nhất có thể di chuyển để cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng bị ngập lúc này. Xã đã phân công lực lượng đón tiếp, hướng dẫn, kết nối các đoàn hảo tâm để hỗ trợ đưa hàng hóa nhanh chóng đến tay các hộ dân.”

Càng xúc động hơn khi chúng tôi chứng kiến những hình ảnh và tinh thần tương thân tương ái của của đồng bào ở khắp nơi đang hướng về Đất Tổ. Đến ngày 12/9, MTTQ huyện đã tiếp nhận các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân và kịp thời cung ứng cho các xã vùng bị ảnh hưởng của thiên tai các loại lương thực, thực phẩm, nước uống,...

Các xã trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai đã trực tiếp nhận lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cứu trợ của các tổ chức, cá nhân với trên 80 chuyến xe cứu trợ đến từ các huyện, thành, thị trong tỉnh và các tỉnh, thành trên cả nước: Huế, Hải Phòng, Quảng Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc...

Anh Đặng Thanh Tuấn trong Đoàn hỗ trợ của 2 huyện Thanh Sơn - Tân Sơn chia sẻ: “Nhận được thông tin huyện Hạ Hòa bị ngập lụt nặng, phát huy tinh thần đoàn kết, lá “lành đùm lá rách” của những người con xa quê và các nhà hảo tâm trên địa bàn 2 Thanh Sơn - Tân Sơn, các thành viên trong đoàn đã nhận được số tiền ủng hộ trên 300 triệu đồng chỉ trong vòng một ngày để mua lương thực, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân Hạ Hòa. Hiện tại, Đoàn đã tổ chức được 6 chuyến xe vận chuyển hàng hóa tới các xã Tứ Hiệp, Hiền Lương, Đan Thượng”.

Các đoàn hỗ trợ vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu giúp người dân Hạ Hòa bị cô lập trong vùng lũ.

Các đoàn hỗ trợ vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu giúp người dân Hạ Hòa bị cô lập trong vùng lũ.

Hơn lúc nào hết, sự chung tay và góp sức của các lực lượng chức năng, các nhà hảo tâm và người dân địa phương sẽ là động lực giúp người dân vùng lũ trên địa bàn huyện sớm vượt qua thiên tai, ổn định lại cuộc sống.

Sáng 12/9 tại các xã Minh Hạc, Bằng Giã, Thị Trấn Hạ Hòa... nước sông Thao bắt đầu rút. Tuyến đường 32C qua các xã của huyện và tỉnh lộ 2D đã lưu thông trở lại. Các lực lượng chức năng quân đội, công an, dân quân và lực lượng tại chỗ đã tiến hành tháo rỡ các biển cấm, di chuyển các con trạch bằng bao tải đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường; đồng thời, hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa, đường giao thông. Tuy nhiên, tại một số xã bị ngập sâu như: Hiền Lương, Đan Thượng, Tứ Hiệp nước rút vẫn chậm.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hạ Hòa cho biết: Ngay sau khi nước rút, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn huy động các lực lượng tham gia dọn dẹp khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, ổn định đời sống và sản xuất của người dân. Đối với các hộ vùng ngập sâu đang bị cô lập, di dời tại chỗ, tiếp tục tổ chức huy động các xuồng máy, thuyền đảm bảo an toàn để đưa các loại nhu yếu phẩm thiết yếu cung ứng kịp thời cho người dân với phương châm “bảo đảm an toàn cho người dân là trên hết”. Các địa phương, cơ quan chuyên môn của huyện tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình, vị trí bị ảnh hưởng; đánh giá thực hiện các phương án phòng chống các tình huống, sự cố, tại các vị trí, khu vực có công trình trọng điểm xung yếu (đặc biệt lưu ý các tuyến đê bị sạt lở bờ vở sông, các hồ đập, vị trí có nguy cơ sạt lở taluy).

Tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết kịp thời thông tin, yêu cầu các hộ dân có nhà ở gần taluy chủ động phương án sơ tán, di dời người và tài sản đến nơi an toàn do mưa nhiều ngày đất đã ngậm no nước và bão hòa khả năng sạt trượt là rất cao để hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người có thể xảy ra. Chuẩn bị phương án huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần để sẵn sàng tham gia khi có lệnh điều động ứng phó kịp thời với các tình huống giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trịnh Hà-Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ha-hoa-cang-minh-khac-phuc-hau-qua-bao-lu-218906.htm