Hạ Hòa: Nhiều cơ sở chế biến gỗ gặp khó khăn
Từ đầu năm đến nay, do gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên vật liệu đầu vào và hoạt động tiêu thụ sản phẩm nên nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
Người lao động làm việc tại một cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện Hạ Hòa.
Ghi nhận của phóng viên, tại các xã Phương Viên, Ấm Hạ, Gia Điền của huyện, thời gian qua, nhiều cơ sở chế biến gỗ vắng bóng công nhân lao động, máy móc ít hoạt động, bãi tập kết nguyên vật liệu hạn chế, không khí sản xuất cầm chừng, không nhộn nhịp như trước. Các chủ cơ sở chế biến gỗ cho biết, trước đây, vào dịp cuối năm, thường rất bận rộn, tăng ca, làm thêm giờ để kịp đơn hàng, tuy nhiên, thời điểm hiện tại chỉ có thể hoạt động cầm chừng, hàng tồn còn nhiều, đơn hàng mới chưa ký được.
Ông Đàm Quốc Hùng – Chủ cơ sở chế biến gỗ khu 5, xã Phương Viên cho biết: Trên địa bàn xã có khoảng hơn 60 cơ sở chế biến, sản xuất gỗ, tuy nhiên đa số đã nghỉ không hoạt động. Cơ sở của tôi hiện tại đang chủ yếu sản xuất các đơn hàng từ trước đó, đơn hàng mới rất hạn chế.
Tại một số cơ sở, lượng hàng hóa tồn kho còn khá nhiều.
Thực tế có nhiều yếu tố khiến cho việc sản xuất kinh doanh của các cơ sở chế biến gỗ gặp khó khăn. Trong đó, nguồn nguyên vật liệu khu vực xung quanh để cung cấp cho các cơ sở chế biến không đủ; giá chi phí vận chuyển hàng hóa cao trong khi giá thành sản phẩm giảm; lãi suất ngân hàng tăng,…
Các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện gặp khó khăn cũng khiến nhiều công nhân lao động phải tìm kiếm việc làm ở các địa phương khác, số ít người vẫn còn gắn bó chủ yếu là những công nhân đã làm việc lâu năm, ở lại để duy trì sản xuất. Tuy vậy, họ đều lo lắng về công việc thời gian tới cũng như thu nhập đã giảm đi nhiều.
Người lao động làm việc tại cơ sở sản xuất gỗ ván ép trên địa bàn xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa.
Anh Bùi Văn Đông – công nhân cơ sở chế biến gỗ thuộc xã Ấm Hạ cho biết: Trước đây, thu nhập của tôi khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, do tình hình sản xuất kinh doanh của cơ sở gặp khó khăn, khối lượng công việc ít nên thu nhập của tôi cũng giảm đi đáng kể, chỉ còn gần 5 triệu đồng/tháng. Tết Nguyên đán sắp đến, chúng tôi cũng rất lo lắng và mong chủ cơ sở sớm vượt qua khó khăn để chúng tôi có nhiều công việc, gắn bó, kiếm thêm thu nhập.
Đồng chí Đỗ Phi Hùng – Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện cho biết: Một số cơ sở chế biến gỗ trên địa huyện gặp khó khăn nhưng chủ yếu tập trung vào các cơ sở chế biến gỗ bóc ván và xuất khẩu sang Trung Quốc, do những thay đổi về quy định xuất nhập khẩu nên khó hoặc không thông quan được. Đối với những cơ sở chế biến gỗ ván ép, được đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại, các doanh nghiệp này vẫn xuất khẩu sản phẩm được vào các thị trường các nước khác. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện quan tâm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ sản phẩm để không phụ thuộc vào một thị trường.
Tú Anh