'Hạ hồi' - viết tiếp chương mới cho nghệ thuật truyền thống
Mong muốn tạo dựng một sân chơi nghệ thuật hấp dẫn - nơi không chỉ kết nối các thế hệ nghệ sĩ sân khấu với khán giả trẻ mà còn mang đến những trải nghiệm văn hóa sâu sắc cho cộng đồng, dự án 'Hạ hồi' đã được vận hành, như cách bắc nhịp cầu nối đương đại và truyền thống.

Các nghệ sĩ giao lưu cùng khán giả tại sự kiện “Hạ hồi Talkshow”.
Một buổi chiều giữa tháng 7, trong không gian mở của COMPLEX 01 (Hà Nội) – nơi được “hồi sinh” từ một nhà máy cũ, “Hạ hồi Talkshow” với chủ đề “Khi truyền thống chạm tới chương mới” đã diễn ra, tái hiện những nhịp đập sống động của – loại hình sân khấu bác học hàng trăm năm tuổi. Không chỉ được “chạm” vào tuồng thông qua không gian trưng bày các sưu tập mũ, áo, đạo cụ tuồng cổ, người yêu nghệ thuật còn được “sống” cùng hơi thở tuồng qua trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” do Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Quý, Nghệ sĩ Ưu tú Bích Tần thể hiện. Đặc biệt, phần trò chuyện cởi mở, nhiệt huyết của nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Tạ Văn Sốp - người gắn bó với tuồng suốt 45 năm qua, đã giúp khán giả thu nhận nhiều kiến thức lý thú, từ nội dung đề cao tư tưởng trung quân ái quốc, trọng đạo lý cho đến những lề lối, nguyên tắc, phương pháp cách điệu, ước lệ, tượng trưng của tuồng và cả những nét đẹp độc đáo thể hiện qua hệ thống lời thoại, âm nhạc, mỹ thuật, hát, múa, hóa trang, biểu diễn…
Thú vị nhất là khi nghệ sĩ Tạ Văn Sốp nói đến đâu, hai nghệ sĩ Xuân Quý, Bích Tần lại sẵn sàng “thị phạm” đến đó, lúc vung roi lên thể hiện cảnh ngựa phi nước đại, lúc lại thực hiện những động tác “lỉa”, “bê”… kết hợp cùng trống tuồng, mang đến cho người xem những hình dung trực quan sống động. Không chỉ tạo nên không gian đối thoại kết nối chuyên gia-nghệ sĩ-công chúng, “Hạ hồi Talkshow” còn gợi mở những góc tiếp cận mới để nghệ thuật truyền thống không lạc nhịp trong dòng chảy thời đại.
Thật bất ngờ khi biết, sự kiện đặc sắc này mới chỉ là khởi đầu cho một chuỗi hoạt động trong dự án dài hơi mang tên “Hạ hồi”, được lên ý tưởng và thực hiện bởi một nhóm những người trẻ cùng chung tình yêu văn hóa dân tộc. Trưởng ban tổ chức Bùi Yến Linh cho biết, trong sân khấu truyền thống, “hạ hồi” có nghĩa là hồi sau, tức phần tiếp theo của một vở diễn hay câu chuyện. Đặt tên gọi này, dự án hy vọng có thể nối bước cha ông trên hành trình gìn giữ, làm sống lại những di sản nghệ thuật truyền thống.
Với sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực và sáng tạo, “Hạ hồi” tập trung khai thác, nghiên cứu các loại hình biểu diễn truyền thống, từ tuồng, chèo, cải lương, hát xẩm, ca trù…, đến các loại hình địa phương ít người biết đến hơn như trò Xuân Phả, hát Bả trạo, rối cạn Ổi Lỗi…; đồng thời, đẩy mạnh phát triển các không gian nghệ thuật trải nghiệm, tương tác, giúp nghệ thuật truyền thống được nối dài sức sống và có thể “thích nghi” với công chúng hiện đại, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Yến Linh cho hay, trong năm nay, “Hạ hồi” sẽ đánh dấu mùa đầu tiên với trọng tâm là nghệ thuật tuồng – loại hình sân khấu lâu đời nhất của Việt Nam. Nối tiếp “Hạ hồi Talkshow” là một chuỗi các hoạt động được thực hiện trên đa nền tảng online và offline nhằm truyền tải tinh hoa nghệ thuật và đem đến những góc nhìn đương đại về tuồng trong bối cảnh ngày nay. Gần nhất là “Hạ hồi Tour” với chủ đề “Dòng chảy của tuồng” sẽ diễn ra ngày 16/8/2025, đưa du khách yêu tuồng đến với Bắc Ninh, cùng thưởng thức trích đoạn tuồng “Ôn Đình chém Tá - Kim Lân qua đèo” tại sân khấu thực cảnh do Ban tổ chức dàn dựng. Dự án nối tiếp với “Hạ hồi Podcast” mang chủ đề “Giấc mộng về tuồng”, dự kiến thực hiện trong 3 tháng (từ tháng 9-12/2025), kể lại những ký ức nghề, chuyện hậu trường… của các nghệ sĩ, chuyên gia dưới định dạng âm thanh, video podcast. Và kết lại bằng việc công chiếu phim tài liệu “Hạ hồi – Mộng ký mẫn tuồng”, góp phần truyền tình yêu, cảm hứng với tuồng thông qua ngôn ngữ điện ảnh.
Tại sự kiện mở màn “Hạ hồi Talkshow”, những thước phim đầu tiên đã chính thức được ra mắt, mang đến những lát cắt đầy cảm xúc về cuộc hội ngộ giữa tinh hoa nghệ thuật truyền thống và góc nhìn của người trẻ. Lê Yến Linh cho biết bộ phim là sản phẩm được ê-kíp đặc biệt đầu tư, sẽ đưa khán giả theo chân nghệ sĩ trẻ Thanh Phương (Nhà hát Tuồng Việt Nam) - một DJ tài hoa trong cuộc sống hiện đại, cũng là một diễn viên tài năng đang nỗ lực rèn luyện để trở thành một nghệ sĩ tuồng trọn vẹn cả “thanh-sắc-thục-tinh-khí-thần”. Nội dung phim xoay quanh quá trình luyện tập của Thanh Phương để vào vai Khương Linh Tá - nhân vật trong trích đoạn tuồng kinh điển “Ôn Đình chém Tá - Kim Lân qua đèo” - một vai diễn vô cùng thách thức đối với nghệ sĩ nữ.
Rõ ràng, thế hệ trẻ hôm nay không quay lưng mà đang nỗ lực “chắp cánh” để nghệ thuật truyền thống thăng hoa. Riêng với tuồng, thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện những dự án gây tiếng vang, tiêu biểu như vở múa “Đối diện với vô cùng” - sản phẩm hợp tác giữa Nhà hát Tuồng Việt Nam, Dự án văn hóa, nghệ thuật liên ngành Lên Ngàn cùng biên đạo múa Tú Hoàng, mở ra sự kết hợp đầy tinh tế giữa tuồng và múa đương đại; hay sự kiện “Ái Long Địa 3: Tuồng meets Techno”, mang đến cuộc gặp gỡ đáng ngạc nhiên giữa tuồng và âm nhạc điện tử. Ông Phạm Ngọc Tuấn, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam nhận định, đây chính là những tín hiệu tích cực cho thấy nghệ thuật sân khấu truyền thống không chỉ được bảo tồn, mà còn trở thành chất liệu khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho người trẻ. Những dự án như “Hạ hồi” chính là hướng đi hiệu quả để nhóm lên sự quan tâm, tình yêu, trách nhiệm gìn giữ những giá trị văn hóa của cha ông.